Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Chơi chữ


TT - Hằng năm cứ vào cuối thu, như lời bác Thanh Tịnh viết trong Tôi đi học, khi học sinh bắt đầu tựu trường cũng là lúc nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng với số tiền trường phải nộp. Ngày hồi hộp nhất là ngày họp phụ huynh học sinh đầu năm học.
Bởi ngày đó phụ huynh sẽ biết chính xác số tiền phải nộp cho con là bao nhiêu. Tiền nộp cho nhà trường để con mình được đi học - một khoản tiền (trên lý thuyết) - là quá chính đáng và minh bạch. Thế nhưng không hiểu tự bao giờ nó lại trở thành một khoản thu bí ẩn.
Cầm cái danh sách dài dằng dặc các khoản tiền nộp cho con, từ tiền ghế ngồi, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền khuyến học, tiền nước uống... còn có thêm khoản gọi là “xã hội hóa”. Có khoản “xã hội hóa” của trường thu riêng và “xã hội hóa” của lớp thu riêng nữa.
Trước đây, các trường có thu một khoản gọi là tiền “xây dựng trường” dùng để cải tạo cơ sở vật chất. Những năm gần đây, sở không cho thu tiền xây dựng nữa thì các trường chuyển qua thu tiền “xã hội hóa”. Mà khái niệm “xã hội hóa” thì rộng hơn “xây dựng” nhiều nên đương nhiên số tiền thu phải lớn hơn.
Năm học này, Bộ GD-ĐT lại ra quy định về tài trợ. Chuyển sang tài trợ chưa chắc đã hạn chế được lạm thu mà còn nảy sinh nhiều điểm bất cập khác. Trước hết, sẽ mất cân bằng về cơ sở vật chất giữa trường được tài trợ nhiều và trường ít có nguồn tài trợ. Sẽ thiếu bình đẳng không chỉ cho học sinh mà cả giáo viên. Không ai dám hi vọng sẽ nhận được nhiều khoản tài trợ mà không gắn với điều kiện nào.
Chính vì thế, nhiều người kháo nhau rằng với khoản gọi là “tài trợ”, chúng ta đang chuyển dần từ “xã hội hóa” sang “thương mại hóa” các trường học. Còn nếu thật sự khi có tài trợ không gắn với bất cứ điều kiện nào thì cơ sở vật chất của các trường có được cải thiện hơn so với thu tiền trực tiếp từ phụ huynh (vốn có gắn với điều kiện cụ thể)?
Có vẻ lại thêm một cách xử lý vấn đề từ ngọn được đưa ra. Cấm lạm thu mà không giải quyết nguyên nhân hay đưa ra những chế tài cụ thể thì đâu cũng lại vào đấy. Ví như khi xây dãy trường học cao tầng lại không thiết kế đường ống nước vào nhà vệ sinh. Cửa sổ và cửa kính lại được làm bằng kính mỏng và trong suốt, chỉ cần gió đập mạnh là vỡ và vào những ngày nắng thì ngồi trong lớp cũng chói chang chẳng khác gì ngoài trời.
Trong hoàn cảnh ấy, các trường phải lắp đường ống nước, thay cửa kính, lắp rèm cửa... Tiền ấy lấy ở đâu ra nếu không bắt phụ huynh “tự nguyện” đóng góp? Truyền thống “hiếu học - tôn sư trọng đạo” của người Việt cần được xem là thế mạnh để phát huy chứ không phải là điểm yếu để tận dụng thu nhiều hơn.
MINH THƯ

Thí điểm tự nguyện hay áp đặt?


Thứ Bảy, 01/09/2012, 04:22 (GMT+7)
TT - Tuy chưa đến ngày khai giảng nhưng phần lớn các trường đã bắt đầu học được một hoặc hai tuần. Con trai tôi năm nay vào lớp 3, cuối năm ngoái đi họp phụ huynh chỉ nghe thầy hiệu trưởng nhắc về mẫu đồng phục cho năm học mới, không nghe nói gì khác. Đến giữa tháng 8, chúng tôi đã cẩn thận chuẩn bị sách vở cho cháu. Không riêng gì tôi, hầu hết phụ huynh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng trước khi con đến lớp học buổi đầu tiên của năm học mới.
Thế rồi đùng một cái, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường thông báo bộ sách mà phụ huynh vừa mua sẽ không sử dụng được vì năm nay trường được thí điểm chương trình mới. Hỏi han cặn kẽ tôi mới biết đây là chương trình thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) do Bộ GD-ĐT triển khai tại 1.447 trường tiểu học trên toàn quốc trên tinh thần tự nguyện. Trước mắt thực hiện ở lớp 2, lớp 3. Theo lộ trình đến năm học 2014-2015 sẽ thực hiện tất cả các lớp ở bậc tiểu học.
Tất cả phụ huynh chúng tôi nửa mừng nửa lo. Song trước mắt thấy tiếc cho bộ sách hơn 300.000 đồng giờ không còn giá trị sử dụng. Nghe nói dự án sẽ cấp miễn phí cho mỗi em một bộ sách mới, đầu tư thêm trang thiết bị vật chất cho nhà trường và hình như còn “bù đắp” cho các em bằng bánh sữa giữa buổi học nữa. Nhưng thử lấy 300.000 x 35 học sinh/lớp x 3 lớp/trường x 1.447 trường được thí điểm mới thấy số tiền mà phụ huynh đã bỏ ra để mua bộ sách (giờ không còn giá trị sử dụng nữa) là một con số khổng lồ. Đây là một đề án lớn, có ngân sách cực kỳ lớn, đâu có tốn kém gì mà không thông báo trước một dòng (khi kết thúc năm học cũ) rằng năm tới trường nọ trường kia sẽ tiến hành thí điểm sách mới, vậy phụ huynh đừng mua bộ sách giáo khoa hiện thời.
Hơn thế nữa, phụ huynh chúng tôi cũng cần được chuẩn bị tinh thần, không thể cứ đùng một cái đưa con em chúng tôi vào “thí điểm”. Chủ trương thí điểm chương trình này là tự nguyện, nhưng phụ huynh lại chẳng được quyền có ý kiến có đồng ý “thí điểm” con mình hay không. Chỉ đến khi học sinh đi học rồi mới thông báo áp đặt thí điểm. Cách làm này chẳng khác gì đưa cả phụ huynh lẫn học sinh vào thế chuyện đã rồi.
LÊ THÚY HẰNG