Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

VIẾT TIẾP CHUYỆN NHÂN DỊP CHỊ THỎ BÔNG ĐI LẠC

VIẾT TIẾP CHUYỆN NHÂN CHUYỆN CHỊ THỎ BÔNG

*
Chị Thỏ Bông, thời còn trẻ, còn ngây thơ, còn xinh xắn có yêu một anh Thỏ, chính là anh Thỏ Trắng.
Trước lúc đến với anh Thỏ Trắng, chị Thỏ Bông cũng có vài chuyện à ơi với một hai anh Thỏ khác, nhưng đó đều là những chuyện nhạt nhẽo vu vơ không đáng nói đến. Chị Thỏ Bông yêu anh Thỏ Trắng theo cách rất hồn nhiên, thơ ngây và khờ khạo như phần lớn các bạn thỏ bình thường khác.

*

Rồi một ngày nọ, anh Thỏ Trắng tự dưng đóng phim ... mất tích, để lại chị Thỏ Bông quay quắt ngơ ngác không biết bản thân đã phạm phải lỗi lầm hay sai trái gì lớn tới mức không thể tha thứ được.

Rồi chị Thỏ Bông cũng đi lấy chồng, lấy anh Thỏ Bông. Nếu ngăn nắp, có thứ có lớp thì chị Thỏ Bông kia đáng nhẽ ra phải nhét mấy cái chuyện cũ rích đó vô tận cùng của trái tim, rồi chất lên đó nhiều nhiều cảm xúc mới. Nhưng trái tim của chị Thỏ ta lại cực kỳ bừa bộn, để lâu lâu mấy chuyện cũ kia trồi lên, trạo qua trạo lại, lòng xót như có ai xát muối.

*

Rồi
một hôm chị thỏ bông đi vào rừng tìm cà rốt. Lúc quay trở ra thì bị lạc. Chị đi một đoạn thì gặp anh thỏ trắng. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ trắng bảo, muốn biết thì ở lại đây đêm nay. Chị thỏ bông đành ở lại.

Không phải chi chị Thỏ Bông tha thiết muốn biết đường về mà ở lại. Vì chị biết trước sau chi rồi chị cũng phải về, mang cà rốt về cho anh Thỏ Bông đang đợi ở nhà. Chị ở lại vì nhân tiện chị cũng muốn biết lý do ngày xửa ngày xưa của anh Thỏ Trắng. Biết là biết vậy thôi, để cho bản thân đỡ áy náy chớ cũng chẳng để làm gì.

Nhẽ ra anh Thỏ Trắng mới là kẻ đáng trách (thì rõ mười mươi vậy rồi) nhưng chị Thỏ Bông ngây ngô kia loay hoay một hồi lại bị chính anh Thỏ Trắng trách cứ đủ điều.

1- Lỗi lớn nhứt của chị là yêu thiệt thà quá, cả tin quá, không biết phải đối phó với người này thế này người kia thế khác. Chị thiếu khôn khéo khi yêu, đặc biệt là khi yêu một anh thỏ được kỳ vọng như anh.

2- Khi bị anh Thỏ Trắng phụ tình thì chị không nên cứng cỏi, hời hợt vậy mà nên chờ đợi khi anh hồi tâm chuyển ý có khi may ra anh quay lại.

Chị Thỏ Bông nghe anh Thỏ Trắng nói xong thấy thiệt ra bản thân có lỗi thiệt, không thế tha thứ được thiệt.

Khi về đến nhà, ngồi nhai cà rốt bên anh Thỏ Bông, nhìn ra cánh rừng trước mặt, chị Thỏ Bông mới tự dưng thở hắt ra.

Chị thấy thời gian trôi qua lâu thiệt lâu mà bản thân chị cũng không khá hơn là mấy. Chị chỉ biết dùng trái tim để yêu và cái đầu để nghĩ. Học mấy cũng không thuộc cách làm trái vậy được. Với lại, cố để làm một người hời hợt lâu vậy cũng khó khăn lắm chớ. Thiệt tình.


*

Xe miền Tây

NGUYỄN NGỌC TƯ

Người ta mở một đường bay từ Sài Gòn về Cà Mau. Mỗi khi có dịp đi khỏi nhà, mình lại có thêm một lựa chọn hoặc níu cánh máy bay vượt dặm dài hoặc leo lên xe đò đi túc tắc; hoặc loay hoay ngồi chưa ấm chỗ đã vụt đến nhà hoặc rị mọ tám giờ đồng hồ ê ẩm mông, đau nhừ lưng, đờ cả cổ. Và mình thường chọn cách thứ hai.

Mình gọi đó là “liệu pháp đường xa” mỗi khi cần phải chống sốc vì phải đi về giữa hai môi trường sống, hai thế giới khác biệt. Quả thật thần kinh mình hơi… mỏng. Nên hoang mang gửi lại ngã ba Trung Lương. Đãi bôi bỏ bên cầu Mỹ Thuận. Ấm lạnh người đời mình thả xuống bắc Cần Thơ. Hội hè miên man bỏ lại ở quán ăn bên đường, cùng với được mất đắng cay sau những ngày rời tổ. Có quá nhiều thứ phải bỏ lại, và mình cần có thời gian. Cũng may đường rất dài mà xe chạy thì chậm rãi, nhà cũng xa vừa vặn để mình trở lại là mình (hoặc gần giống mình).

Cũng có khi đi xa tới vùng đất nào đó rất xa, nhớ miền Tây quá lúc quay về mình dứt khoát leo xe đò. Vì ở đó có ít nhất ba thứ đặc miền Tây mà hầu như trên chuyến xe miền Tây nào cũng có : nhạc bolero (hoặc vọng cổ), dầu gió, và… người miền Tây (thí dụ như mình).

Thứ nào mình cũng chịu được, nhất là chịu được cả mùi dầu gió Kim, Nhị Thiên Đường, Trường Sơn… nồng nặc trên một chiếc xe kín mít rù rì máy lạnh. Người miền khác ưa không vô. Có lần ngồi cạnh một anh cứ phe phẩy tay trước mũi chê hôi, mình muốn… nhéo anh ta bầm dập để anh thuộc cho rành cái câu nhập gia tùy tục. Thưa anh xứ này người ta bôi dầu gió lên mũi cho ấm, chà xát lên lưng trừ cảm cúm thông thường, uống cả dầu gió những khi đau bụng, hôi gì mà hôi. Tôi đây nè, mới chui ra khỏi bụng mẹ đã được tẩm dầu khuynh diệp, chưa đầy tuổi đã ngủ cùng bà ngoại, nghiện mùi cốt trầu, dầu gió đến nỗi không ngủ được lúc bà đi đâu vắng.

Mình không quen chủ doanh nghiệp nào bán dầu gió để hỏi coi miền Tây hoang dại này mua của anh (chị) nhiều bao nhiêu, nhưng rõ ràng là miền Tây vẫn còn ăn dầu gió thở dầu gió. Ngồi xe đò thì thấy rõ, có nhiều thím bị say xe cứ như tưới tắm bằng dầu. Mình vài ba năm trước cũng hay say, trước khi đi chuẩn bị nào gừng nào củ sắn nào dầu gió xanh… trước khi lên xe còn lượm cục đá bỏ vô giỏ. Nghĩa là vài ba năm trước mình còn… hôi, theo như cách nghĩ của anh bạn đường đến từ xứ khác, xa xôi.

Dù vậy, mình cũng thòm thèm xoắn áo động tay, vì chê bai dầu gió chán anh lại than vãn mấy cái bài bolero đang ca trong xe văng vẳng. Bài “Gió thổi bên sông” quặn lòng là vậy mà anh ta phì cười đã thấy giận rồi, chuyển qua “Đồi thông hai mộ”, “Chuyến đò không em” cảm động gần chết, mà anh nhăn nhó vậy có phải khó coi, ứa gan không ? Nếu vậy thì “anh tài xế ơi, có nhạc nào mùi hơn nữa thì mở lớn lớn nghe chơi. Hương Lan, Thanh Thúy hay Cẩm Ly… cũng được”, mình chọc tức anh chơi mà cả xe nhao nhao góp lời, “Ừa, được đó”.

Thôi anh chịu khó, xe đò miền Tây nó vậy, bolero cũng như dầu gió, không có sao thành… miền Tây. Nếu anh đừng nôn nóng, đừng phủi như phủi bụi ngay từ đầu, anh sẽ thấy trong mỗi bài ca có một vài câu được lắm, ngọc nằm trong đá chớ đâu. Đây Phố đêm “đèn mờ giăng giăng/ Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên…”; đây Đường xưa lối cũ “có em tôi tóc xanh bay mơ màng/ Đường chiều dịu nắng, bóng em đi áo nâu in đường trăng”; đây Dòng đời “ngược xuôi bèo mây tan tác…”; đây Thói đời ‘cười ra nước mắt khi trắng tay gọi tên bằng hữu giờ giàu sang quên kẻ thâm giao…”.

Mình thiệt tình không dám chắc là chúng hay, nhưng biết đâu anh bạn cũng có mối tình dở dang như vầy, từng buồn như vầy, từng than thở như vầy, rằng “nếu không dang dở làm sao trọn đời nhớ em…”. Năm ba bữa nữa anh còn ở lại miền Tây là còn gặp bolero dài dài, ở quán ăn, chiếu nhậu, ở những chiếc xe bán nước giải khát rong ngoài đường. Nếu may (tôi nhấn mạnh là may), anh sẽ nhận ra vẻ đẹp của bolero vào một chiều tắt ngồi bên dòng sông mênh mang, ngó lục bình trôi dưới trời mưa mỏng; hay một buổi trưa hoang hoải ngó những cây thốt nốt trầm ngâm, kiêu hãnh cô độc đứng trên đồng; hay chút nữa đây xe sẽ trôi vào đêm tối, khung cảnh ngoài kia chìm trong mụ mị, anh nghe Cuốc kêu bên trời “ta gối lá ngắm trăng lên, hoa bần rơi trắng đôi bờ kinh…”, biết đâu anh không còn bĩu môi chê nhạc gì mà sến chảy nước, tới bán bia ôm, đi xe đò cũng viết thành bài hát nữa là sao ? Nhưng không bolero thì lấy đâu ra những bài hát cho những người thân phận mỏng, anh?

Mình thu nắm đấm (tưởng tượng) lại, thôi kệ anh cứ ghét đi, ghét cũng là nhớ, nhiều khi còn nhớ hơn thương, chớ giỡn. Cũng có thể anh đúng, biết đâu… Có thể mình giảy nảy lên vì mình ham miền Tây đến mù quáng mất rồi. Ví dụ như xe đò miền Tây này đâu có gì hay, ngồi mòn mỏi mất thời gian, phải ngồi máy bay thì đã tới nhà từ lâu lắm, ngủ một giấc đã đời, bồng trẻ con đi chơi. Nhưng mình vẫn chọn xe đò, lý do gì thì mình đã kể ở đây, ở những trang viết khác. Mình thấy không có gì là phiền phức nếu chị nọ ngủ say cứ tựa đầu vào vai mình, hay cái cách rút chân lên ngồi chồm hổm trên ghế của anh kia. Hay cái ông ngồi đằng sau chuông điện thoại cứ gióng lên câu vọng cổ “Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ…”, mà bao giờ chờ xuống xề ông mới chịu bắt máy trả lời. Kiểu nói chuyện điện thoại mình thường gặp trên xe, giọng oang oang, đầu thì gật lắc, tay xua xua, hấp háy mắt, như thể người bên đầu dây kia đang ngồi trước mặt.

Thôi thì chân chất, ừ thì quê mùa… miền Tây mà, vẫn nghèo vẫn xa xôi. Đây không phải Sài Gòn Hà Nội, đây là một thế giới khác rồi. Thế giới mà người ta vẫn còn mua bắp luộc, bánh mì ở bến xe đem về xứ làm quà, trẻ con vẫn reo mừng tở mở. Xe ghé quán ăn dọc đường, nhiều người ngồi chồm hổm chờ ngoài sân không dám ghé mông ngồi vào ghế, sợ thức ăn đắt đỏ. Đi qua quầy trái cây mình thấy có người đứng đằng xa ngó, tay nắn hai túi áo bà ba mỏng, trên miệng túi cài cái kim tây. Có lần mình ngồi cạnh một bà già, cứ ngồi lận lấy mấy hạt lúa từ trong nẹp vạt áo, cắn lóc cóc.

Những người miền Tây quăn queo lam lũ thật thà này, bolero này, dầu gió này mình không bao giờ gặp trên những chuyến bay. Lý do có vẻ ngớ ngẩn, nên thấy mình ham xe đò có bạn bè cười, mình chống chế bằng một câu danh ngôn nổi tiếng, những gì thuộc về con người thì không xa lạ với tôi. Nhưng trong bụng nghĩ, thôi bà sến thì nói đại là sến cho rồi, có sao đâu…

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

TÔI CŨNG MUỐN ĂN CẮP

Truyện ngắn của PHAN THỊ VÀNG ANH

Mười năm mới lò dò từ nước ngoài về. Ở nhà chán, gặp bạn bè chán, nhắc lại chuyện cũ hồi ấy mày thích cô này, cô kia thích mày... chán chê, lại đi ăn phở nhiều bột ngọt đến mụ mị cả người, thì cuối cùng cũng cạn thú vui. Tôi bèn vào thư viện.


************************************************

Giờ thì mới thấy được cái lợi của việc mãi không hội nhập được vào môi trường sống nước ngoài của mình. Không có được tác phong Việt kiều, tôi mượn thẻ của đứa cháu cũng vêu vao, đen đúa và không đeo kính, bước vào thư viện, mượn sách. Nhờ có bước vào đây, tôi mới hiểu vì sao đàn ông nước nhà hay nhậu, đàn bà thì bị chồng chê là kém hiểu biết, và trẻ con thì bị mắng là không giỏi bằng thế hệ trước.

(Ðọc đến đây, bạn có thể đang ghét tôi, nghĩ rằng tôi lên giọng quay về dạy nước. Nhưng, tôi đùa đấy, tôi không phải Việt kiều. Tôi chỉ thử trêu một tí thôi, xem cái tính xấu của chúng ta, là hễ người ngoài chê là y như không tiếp thu nổi).

Ở thư viện tôi đến đọc, nội quy ghi rõ:

Sáng: từ 7h30 đến 11h30
Chiều: từ 13h30 đến 16h30

Và chỉ cấp thẻ cho những người có công ăn việc làm đàng hoàng, có cơ quan chứng nhận, hoặc không thì cũng phải là sinh viên, học sinh; tức toàn là bọn không thể đến thư viện vào cái giờ thư viện mở cửa được.

Nội quy ngặt nghèo trái khoáy khiến thư viện trở thành một chốn riêng của bọn mọt sách (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả về phương diện con người lẫn côn trùng). Vắng vẻ tới mức các chị thủ thư coi đây như một chốn không người, bàn với nhau chuyện con tao tuần sau thi rồi, con mày thi chưa; chuyện mẹ chồng tao hôm qua đi ăn giỗ bị ngã sái cả chân.

***

Cho nên, cách đây hai tháng, đọc cái tin có một anh nhân viên thư viện ăn cắp sách tuồn ra ngoài, không phải để bán theo kiểu giấy vụn, mà để bán theo diện sách quý, cho các nhà sách cũ, thì tôi thấy thế... cũng được.

Ăn cắp đành rằng là xấu, tôi biết chứ. Nhưng dẹp cái chuyện anh nhân viên kia bỏ tiền bán sách vào túi riêng kia qua một bên, thì cái hành động của anh này tôi lại nghĩ có thể là... đáng khích lệ, nếu chỉ xét trên phương diện chuyển một vật từ-vô-dụng-sang-hữu-dụng.

Ít ra, nhờ có anh, mấy bộ tạp chí cổ mới có cơ hội được người yêu sách sờ tới một cách tự do.
( Bạn sẽ chặn lại, bảo tôi "phản động" rồi, sách đang nằm trong thư viện công, chui vào tủ sách riêng, người dân không được đọc một cách bình đẳng nữa, mà là việc đáng khích lệ sao?)

Thật ra, cái lý của tôi dựa trên một bài báo cách đây 5 năm của ai đó mà tôi được đọc: cảnh người người sánh vai trong nhà sách, trước những đầu sách mới, và phải móc tiền ra mua, hoàn toàn không phản ánh được tình trạng "bình đẳng trước sách". Chỉ khi nào, sau giờ hành chính, anh thợ máy ham đọc đã tắm rửa thơm tho được ngồi đàng hoàng trong thư viện; chị kế toán trốn người yêu có thể lẩn quẩn giữa các kệ sách đến tận 10h tối, hoặc anh kỹ sư thất nghiệp không có nhiệm sở nào (nhận đóng dấu làm thẻ) vẫn giết thời gian được cả ngày dài trong thư viện..., thì khi đó chúng ta hẵng nói là có sự bình đẳng trước sách.

Ðằng này, hệt như những truyện thần thoại luôn luôn có ba cửa ải ngăn hiệp sĩ đi tìm công chúa, gần như thư viện nào cũng có sự bất hợp lý của nội quy là con rồng phun lửa thứ nhất, thủ thư khó tính là bầy rồng khạc lửa thứ hai, sự lề mề của thủ thư khi đi tìm sách là cú quật đuôi của con rồng thứ ba. Sách như gái già trong nhà đá, thà được một chú bất lương rình lúc rồng ngủ thì kéo ra ngoài, còn hơn cao sang bất đắc dĩ không hít được khí trời.

Thế cho nên, thưa anh ăn trộm sách,

Giờ thì anh hẳn đã y án, nhưng tôi chắc anh đang ngậm ngùi.

Anh ngậm ngùi cho cái thân anh. Ai bảo anh ăn cắp. Lại là ăn cắp cái thứ cồng kềnh, ai (ngoại trừ thư viện) có được cũng khoe ra, tự hào, nên dễ lộ.

Tôi thì tôi ngậm ngùi cho cả anh và đám sách kia.

Phải như anh chỉ ăn cắp và đem đến phát không cho các nhà sách cũ, thì anh đã là hiệp sĩ.

Và đám sách kia, nếu nhanh chân một tẹo, thì đã thoát khỏi thư viện, giang hồ tơi tả ngoài chợ đời một tí, mà được tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, cũng còn hơn .

NHÂN CHUYỆN CHỊ THỎ BÔNG ĐI LẠC

Truyện ngắn của PHAN THỊ VÀNG ANH

Anh trai tôi, vợ vào Nam công tác mấy ngày. Anh ở nhà, vào đúng ngày chủ nhật nên buồn. Alô cho một người bạn, và cả hai đi chơi thể thao đến lúc mệt rủ nhau đi mát-xa.

Cô gái làm mát-xa cho anh rất xinh, mặt tỉnh bơ, vừa làm vừa kể chuyện cười. Câu chuyện Chị Thỏ Bông:

Chị thỏ bông có chồng là anh thỏ bông. Một hôm chị thỏ bông đi vào rừng tìm cà rốt. Lúc quay trở ra thì bị lạc. Chị đi một đoạn thì gặp anh thỏ trắng. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ trắng bảo, muốn biết thì ở lại đây đêm nay. Chị thỏ bông đành ở lại.

Ngày hôm sau, chị đi tiếp, mãi vẫn không thấy đường. Chị nhìn thấy anh thỏ nâu. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ nâu nói, muốn biết thì ở lại đây đêm nay. Chị thỏ bông cắn răng ở lại đấy một đêm.

Hôm sau nữa, chị đi tiếp. Vẫn lạc đường. Lần này thì gặp anh thỏ đen. Chị đến hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ đen cũng nói, muốn biết thì ở lại đây đêm nay. Chị thỏ đen tặc lưỡi ở lại.

Sáng hôm sau, chị tỉnh dậy, và lên đường. Ði được một đoạn thì thấy nhà, với anh thỏ bông đang đánh răng trước cửa. Chị về nhà được hai hôm thì biết mình có mang.

Cô mát-xa đố: Em đố anh, con của chị thỏ bông sẽ có màu gì?
Bạn tôi đoán, cà phê sữa bông, khoang đen bông..., mãi cũng sai, đành hỏi cô.
Cô bảo: Muốn biết thì ở lại đây đêm nay.
Ðương nhiên là bạn tôi không phải thỏ bông nên không ở lại. Chỉ cười khà khà, tí sau rút ví ra, cho tiền boa, và về kể tôi nghe, tấm tắc khen mãi cô gái massage tinh ranh làm anh buồn cười - cái việc mà cả mấy năm nay vợ anh không làm được.

*
Thưa chị em phụ nữ,

Không làm chồng cười được là một cái tội rất to. Nó khiến cho chồng các chị phải đi tìm nụ cười ở những nơi khác. Và đó là một cái quyền của đàn ông.

Cái này không phải là mình tôi nghĩ ra và phát ngôn. Mà điều này, báo (dành cho phụ nữ) nào cũng có nói. Khi anh ấy có người khác, bạn hãy xem lại mình. Nghe như một châm ngôn.

Bởi vì các chị không biết kể chuyện chị thỏ bông, cho nên các anh phải đi nghe người khác kể lại câu chuyện ấy.

Bởi vì các chị không biết mát-xa, cho nên các chị không thể cấm các anh đi mát-xa.

Bởi vì các chị không biết quá nhiều thứ nên các anh phải đi lấy kiến thức từ nơi khác.

Bởi vì các chị biết quá nhiều thứ nên các anh sẽ đi phổ biến kiến thức cho nơi khác.

Bởi vì các chị quá hiền,

Bởi vì các chị quá dữ,

Bởi vì các chị quá ngăn nắp,

Bởi vì các chị quá bừa bộn...

Kiểu gì, như báo đã nói, cũng là lỗi của các chị thôi.

Và báo (có lẽ đã ăn hối lộ của đàn ông) mà đề cao quá sức cái công dung ngôn hạnh, gần như đặt hẳn các chị lên bàn thờ, khiến các chị không leo xuống được để đấu tranh bình đẳng với đàn ông, cho nên các chị đành ở đó mà vui vầy với bếp núc cùng con cái.

Thưa anh em phái mạnh

Các chị dễ rơi vào tình huống chị thỏ bông hơn các anh

Có lẽ, chẳng ai nói cho chồng các chị biết rằng: phụ nữ có khả năng sa ngã hơn đàn ông rất nhiều. Lại không phải kiểu sa ngã ăn-bánh-trả-tiền-một-lần-rồi-quên như đàn ông, mà đây là sa ngã tinh thần, thương thương nhớ nhớ mà chồng các chị có biết thì chỉ có nát tim gan. Không báo nào răn đe người đàn ông rằng nếu anh cứ để bụng bia đi lại nghênh ngang trong nhà mà quăng quật vợ, thì vợ anh, tuy cúi mặt hiền thục nấu ăn trong bếp cho anh đó, nhưng tâm trí là hướng về người khác rồi; như một nơi an ủi, như một chốn yêu thương; chỉ rất may cho anh, rằng chị đã ở cái thế bàn thờ của phụ nữ Á đông, nên ít khi để cho mọi việc đến nơi đến chốn, chứ còn không thì...

2. Luôn có những người khác mà chị không biết

Chị thỏ bông chỉ cần đi ra đường cũng đã thấy muôn sắc thỏ đón chào mình. Anh thỏ bông có thể thấy vợ là nhàm, nhưng những anh thỏ khác thì không thế.

Các chị cũng thế, để ra một ngày nhìn quanh mình đi, rồi các chị sẽ thấy, nếu các chị bật đèn xanh, sẽ có vài người đàn ông mong được các chị cười với họ một cái, hay ăn một bữa cơm của các chị nấu, hay được các chị xoa đầu.

Lâu nay các chị vẫn được giáo dục trở thành một bông hồng duy nhất cho một người duy nhất. Ðó hình như là chiến lược của cánh đàn ông. Ðàn ông không nói với các chị rằng, nếu càng nhiều người ngắm, thì họ càng quý bông hồng của mình. Không đời nào họ nói như thế. Họ chỉ muốn an toàn, nên cố hướng dẫn các chị nở mãi một cách, tỏa hương mãi một loại; loại nào, cách nào công dung ngôn hạnh tiết liệt nhất. Thế rồi sau đó, khi đã đúc được chị thành bông hoa nhựa rồi, họ lại chỉ muốn tìm đến những bông hoa dại biết kể chuyện thỏ bông.

Thường bao giờ họ cũng bắt các chị lựa chọn: hoặc là hoa dại và không có anh ấy, hoặc là thành hoa nhựa và có anh ấy; các chị sẽ chọn ngay con đường hoa nhựa.

Các chị không biết, rằng nếu các chị cứng đầu làm hoa dại, thì các chị sẽ không mất gì cả, mà còn kích thích người ta giữ các chị lại hơn.

Gia đình còn hay mất là do đạo đức các chị.

Chị thỏ bông có cái khả năng đi ba đêm về mà anh thỏ bông vẫn không biết, và trên đường có rất nhiều anh thỏ đen, nâu, trắng sẵn sàng rủ chị phiêu lưu. Cái gia đình thỏ bông thật ra còn hay mất là do chị, do đạo đức của chị đến đâu. Chị thỏ bông hoàn toàn có thể tạo ra những vụ việc đi lạc lần nữa để phiêu lưu mà chẳng mất gì. Nhưng trời phú cho chị thỏ bông (cũng như cho các chị em phụ nữ) cái khả năng nghĩ về đạo đức rất mạnh, cho nên anh thỏ bông mới còn vợ cùng nhai cà rốt với mình.

**
Tóm lại:

Sau vụ việc chị thỏ bông này, hẳn các anh đã thấy mình cũng cần cảnh giác mà giữ vợ?

Bởi vì con đường hư hỏng của phụ nữ không cần mất công như các anh đâu. Theo một thống kê mật, những lời đề nghị của phụ nữ được chấp nhận tới 8/10, trong khi đàn ông chỉ có 1.5/10 mà thôi.

Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi sử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.

(Chị Vàng Anh vẫn như xưa, như cái thời Mèo con đi học, sắc sảo và ý nhị)

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

MUỘN MÀNG

Góc khuất cuộc đời em
Nếu biết anh ngóng đợi
Ngày không còn diệu vợi
Đêm không còn bơ vơ
*
* *
Những lỗi lầm ngu ngơ
Dại khờ thời ta trẻ
Đường đời không lối rẽ
Nghe lòng ta ngậm ngùi
*
* *
Hơn mười năm buồn vui
Tưởng vùi chôn ký ức
Dĩ vãng nào thao thức
Cuộc đời này mênh mông
*
* *
Phía trước là dòng sông
Sau lưng là biển rộng
Bến phà chiều xa xứ
Lỡ con đò sang sông
21-07-2010

THƠ TẶNG MÌNH

Mẹ không còn viết nổi những vần thơ

Khi tâm hồn vấn vương toàn cơm áo

Đời chật chội hẹp hòi từng hơi thở

Không nhớ nổi mình của những ngày xưa

*

* *

Có những chiều trời buồn, lạnh và mưa

Giữa những tiết học, hành lang hun hút gió

Nghĩ về những điều đã qua và đang có

Thấy lòng mình trống trải, thoáng cô đơn

*

* *

Thêm các con, đời thấy mặn mòi hơn

Mùa đông ấm bởi bàn tay con ủ

Những lúc nản lại nhớ con nhắn nhủ

Con luôn là bờ bến của yêu thương

*

* *

Cũng hết rồi những mơ mộng nhớ thương

07-03-2008

HOA HỒNG



Bao lâu rồi anh nhỉ
Chẳng thấy tặng hoa hồng
Tại em là cô giáo
Có trò làm thay anh ?
*
* *
Bông hồng này mong manh
Lạc giữa đời cơm áo
Cuộc sống này dẫu rộng
Chúng mình cần có nhau
8/3/2008

CUỐI MÙA

Thôi, ngốc ạ,
mùa hè đã xa,
nồng nàn đã vắng,
tay gầy đã quên
bài tình ca da diết
đốt lá vàng mùa thu
*
* *
Trời đã âm u,
thôi nắng chiều oi ả,
những giấc mơ mùa hạ,
thiết tha
có còn
*
* *
thương nhớ
mỏi mòn
30-10-2008

CHIẾC LÁ

Bầu trời cho ta gió
Mùa đông mang bão dông
Riêng ta là chiếc lá
Neo giữa đời long đong
Giọt nước biết xuôi dòng
Tìm về lòng biển lớn
Tia nắng hồng mới chớm
Đã biết chờ ban mai
Nỗi nhớ biết chia hai
Tháng ngày trôi mê mải
Yêu thương ơi, có phải
Đợi đến khi úa tàn ...
4/7/2008

TÌNH YÊU @



Giá tình yêu có thể save
Kèm thêm password
File tình yêu quyến rũ
Nồng nàn vị cà phê
Giá tình yêu có thể delete
Khi lòng ta đau nhói
Những điều không dám nói
Trút cả vào dustbin
Giá người thương có thể tìm
Bằng cách search trên mạng
Để những chiều chạng vạng
Nỗi nhớ đừng lang thang
Cuộc đời rộng thênh thang
Hàng ngàn chiều gió thổi
Cơn gió nào cũng vội
Để lại tôi muộn màng
3/7/08

PHÁO HOA

Tui có nhiều người bạn ly hôn,
trai có, gái có,
chưa con cái có, có con rồi cũng có,
nhiều người cứ nghe nói cái o nớ cái eng nớ bỏ vợ bỏ chồng là chép chép miệng,
cha, răng tội nghiệp ri hè,
răng rứa hè,
làm như thể có chồng có vợ là một sự sung sướng viên mãn nhất trên cái cuộc đời mệt mỏi ni.
Quan điểm của tui lại khác,
nhưng hoàn toàn đúng với cái tiêu chí của Nước Cộng Hoà Xã Hội Việt Nam chúng ta đề ra,
đó là độc lập - tự do - hạnh phúc,
một khi hạnh phúc đã không có thì răng mà không cố phấn đấu lấy 2 cái còn lại là độc lập và tự do,
ngẫm lại,
phàm con người,
ai cũng thích phù phiếm,
ai cũng muốn phải có những thứ xã hội ai ai cũng có,
dù đôi lúc không để làm gì,
như đêm hội pháo hoa với thả đèn hôm nớ tui đi coi chẳng hạn,
30 phút rực rỡ trên bầu trời, long lanh dưới ánh nước,
lên tivi đúng 5 phút ghi hình,
bà con nông dân trí thức thành thị tiểu tư sản lãnh đạo cao cấp được nửa tiếng nghểnh nghểnh cổ chép chép miệng,
đẹp hè, đẹp hè,
sáng hôm sau,
cái dòng sông tội nghiệp đó trơ lại đục ngầu rác rến của đèn, của hoa,
mà dạo ni cái phong trào thả đèn thả hoa đó càng rầm rộ,
thơ thì nói ri,
đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,
đáy sông còn đó bạn tôi nằm
mà cứ khi mô lễ hội kỷ niệm là dòng sông lại đầy rác rến,

TÀU CHỢ

Mấy lâu ni vội vàng, ít có khi rảnh mà nghĩ về thời quá khứ
mà cũng không nghĩ mần chi, chỉ làm cho con người ta thêm nuối tiếc tuổi thanh xuân đã qua , vùn vụt không thèm ngoái đầu trở lại,
rứa mà chiều ni,
đi làm về ngang chỗ chắn tàu,
đứng chờ đoàn tàu DH quen thuộc của mấy năm đại học,
lòng lại quay quắt nhớ,
nhớ lắm cái thời ký túc xá đội cung, phòng P11,
10 đứa bốn năm phương,
tự dưng gắn bó với nhau chi lạ,
và sung sướng nhất là những chiều tối ở sân ga,
trời đẹp lại càng tốt
cơ man nào là sinh viên
đứng xoay quanh đá cầu để chờ đón mấy đứa bạn cùng phòng,
chờ đợi lâu mà không có đứa mô sốt ruột,
xem như cái sự chờ đợi là một thú vui thảnh thơi miễn phí,
rồi còi tàu réo vang từ bên kia cầu bạch hổ,
đứa mô đứa nấy ngoái lại nhìn chỗ cổng ra vào,
để tìm cho ra đứa bạn cùng phòng của mình,
thấy hắn tay xách nách mang càng tốt,
rứa là tối đó có được bữa vui nổ trời,
...
tui nhớ mãi một món độc đáo nhất của phòng tui,
có một đứa nhà làm nghề cán bột,
rứa là khi mô ra nhà hắn cũng thó cha mạ hắn mấy cân bột mang vô,
tụi tui không có chi nấu cùng,
khi thì nấu với ruốc,
khi mô sang thì có thêm quả trứng vịt
(mấy món đó chừ nghĩ lại thấy ghê cả người)
rứa mà lúc đó hì hà hì hục,
10 đứa cúi cúi húp húp,
...
lâu ni tui chưa từng ăn món mô giàu cảm xúc hơn cái món đó cả.
rứa mà mười mấy năm rồi,
tụi tui tan tác,
mỗi đứa một nơi,
ơi P11

ĐẠI TRƯỞNG CỰ ...

Đó là tui đang nói về người lớn nhứt cả về tuổi tác lẫn chức vụ trong dòng tộc nhà tui hiện đang còn sống, chính là ... mệ nội tui.

"Ngài" năm ni mới có 90 tuổi (mà theo như lời văn hoa chải chuốt của "Ngài" khi có ai đó hỏi về tuổi tác của mình là "chưa bao lăm tuổi, mới 90 chứ mấy" )

Xét về ngoại hình thì "Ngài" cực hiện đại, tóc ba li, miệng cười như mùa thu tỏa nắng, dáng "Ngài" đi thẳng và có phần uyển chuyển không kém cạnh mấy em người mẫu trên sàn ... catwalk.

Thời thơ ấu, tui sống chủ yếu với mệ. Kể từ khi mẹ tui đẻ thằng hai là tui chuyển hộ khẩu về ở hẳn với ôông mệ luôn. Hồi đó bao cấp, con nít ai ai cũng thiếu ăn, da dẻ xanh rớt. Riêng tui thì tròn như hột mít (o tui nói nhìn không phân biệt được lưng ... với bụng ) là nhờ nhà ôông mệ tui ở riêng trong đôộng cát, đất rộng nên làm hẳn một trang trại nhỏ. Sản vật làm ra không được bán nên tui được thừa sức tẩm bổ.

Nhà ôông mệ tui có nuôi một con bò cái. Tui thích nhứt là mỗi lần bò cái ... đẻ (vì thể nào tui cũng được uống ké sữa con bò). Có hôm, sáng sớm nghe ôông nói bò mới đẻ bê tối qua, tui hí hửng chạy theo ra thăm. Nội tui mới mở của chuồng, con bê lanh chanh chạy ra, thân thiệt chạy tới chỗ tui, báo hại tui vừa chạy vừa khóc, leo tuột vô thềm nhà, tót lên đi văng đứng khóc .

Sữa bò được nội tui vắt ra cái bát B52 (tui vẫn còn nhớ hoài cái bát hậu chiến đó, vì nó vừa to, vừa nóng do cái được làm bằng sắt của B52, hồi nhỏ tui được cấp phát một em như vậy để ăn cho khỏi vỡ), đem vô hấp sơ qua trên cơm, rứa là tui được sữa tươi nguyên chất chăm phần chăm mỗi ngày mỗi ngày

Tui còn nhớ nhà nội tui nuôi nhiều gà, thay phiên nhau gáy ỏm tỏi trong ngày. O tui vẫn còn nhớ mà kể xấu chuyện tui với con gà. Tui lúc đó 3 tuổi, thấy o tui có trái ổi thiệt ngon để trên cao, thèm quá mà không biết mần răng, nghe gà gáy bèn tức cảnh đọc đôi câu:

Con gà hắn gáy
Ổi o cho út
O đừng đập út

Mỗi lần mệ mần gà hầm với lá dâu, thể nào tui cũng được hai cái đùi to tướng. Với tui cho đến bây giờ không gì ngon bằng cái đùi gà thời thơ ấu đó. Thời đó, tui tin chắc mỗi nhà chỉ nên có 2 đứa con nít thôi, vì làm gà thì con nít được nguyên mỗi đứa mỗi đùi, thêm đứa thứ ba thì chắc chắn là khó ... phân xử rồi.

Lớn lên chút, biết trèo cây với tát đìa thì mỗi ngày của chị em tui đều làm mỗi ngày đầy khám phá. Nhà nội tui có hàng ổi xá lị (trái nhỏ xíu, ruột đỏ, thơm ngon phải biết). Chị em tui cứ nằm hoài trên cây, trái mô ngon thì lụm ăn, trái mô cũng ngon mà chưa chín tới là thò miệng cắn sơ phát bên ngoài mần dấu. Riêng việc làm răng mà tụi tui phân biệt được dấu răng đứa này với đứa kia thì tui quên hẳn, nghĩ cách chi cũng không nhớ ra được.

Vui nhứt là mỗi lần mệ quyết định cải thiện bữa ăn bằng cách tát đìa, tát vụng. Cánh đồng trước mặt với kế bên hông nhà nội tui có nhiều vũng nhỏ do người ta đào lên để lấy nước. Để lâu, cỏ mọc 2 bên xanh rì, còn có cả cá thia cá mại với cà cuống. Mệ tát cạn nước, rồi mấy mệ cháu tui lui cui bắt bặt chụp chụp. Được con mô bỏ vô cái giỏ bên bờ, trưa về um nấu với canh chua măng vòi. Chẹp chẹp

Thời thơ ấu của tui còn ngon ngọt với vị cá biển trong gánh của mụ Con gánh từ trong Truồi ra bán. Những con cá tươi ngon được xếp ngăn ngắn trong tréc (kiểu như cái chảo, cạn lòng, có 2 quai, người ta dùng để kho cá cho nó nguyên con). Người ta rắc lên đó một lớp ớp bột, ít nước mắm với muối, kho lên rồi gánh đi bán dạo khắp các làng. Hôm ni bán chưa hết thì lại bắc lên bếp kho lại, mai bán tiếp. Con cá vậy tuy kho nhiều lần nhưng cực kỳ ngon ngọt.

Tui ở với mệ lâu nhứt nhưng cũng hay xung khắc với mệ nhứt. Không biết tại mệ tui tuổi Hợi, tui tuổi Tị, thuộc Tứ hành xung hay tại cả 2 mệ cháu đều bướng bỉnh và cố chấp giống nhau không.

Ôông tui hồi nớ có mần mấy câu thơ về mệ cháu tui như ri

Lắng nghe mệ cháu nhà ai
Đánh nhau buổi sáng điếc tai xóm làng
Mệ Bình cho đến ôông Hà
Kim Anh, ôông Phẩm trối trăng kêu trời
Lại nghe tiếng mệ Hằng, Hằng
Lại nghe tiếng cháu ái ăng kêu trời


Nhắc đến thơ ca, không ai không biết cái tài năng xuất chúng ... xuất khẩu thành thơ của mệ tui. Mệ không hề biết chữ mà thơ ca hò vè thuộc làu làu, đến mô áp dụng đến đó.

Kiểu như, mệ tui quét nhà, thấy mạng nhện, rứa là vừa quét vừa ngâm nga

Con tằm giăng tơ, con nhện cũng giăng tơ
Con tằm giăng tơ ta dệt thau dệt lụa
Con nhện giăng mô ta quét nấy
mà cứ giăng hoài không thôi

Bạn tui tới nhà, thấy mệ hồng hào, tóc tém pờ rồ quá bèn chọc mệ thôi đi kiếm ôông nữa mau kẻo ... già. Mệ nhắm mắt lại, lim dim

Đũa con đũa bếp có đôi
Cái ống thổi lả (lửa) răng chịu mồ côi một mình

Đó là cái lúc "Ngài" đang sắc sảo.

Còn bi chừ mệ tui lẫn nhiều rồi. Thơ ca hò vè thì mệ vẫn nhớ. Ngoại hình mệ vẫn xinh tươi như xưa. Chỉ có trí nhớ lẫn lộn từ thời này qua thời khác. Mệ trân trọng kêu mẹ tui bằng ... thím. Đi mô cũng túm tay thím không sợ lạc, có gì quý giá cũng nhờ thím giữ giùm không thôi sợ mất. Mệ rất dễ nổi nóng với tui, với ba tui, với o tui mà lại rất nhã nhặn với mẹ tui, mới lạ. Có hôm, mệ nói với mẹ tui "sợ chết, cha mạ không ai nuôi".

Mệ ơi !