Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Khi không có “tự nguyện”

Thứ Ba, 27/09/2011, 05:10 (GMT+7)
TT - Theo dõi câu chuyện về những giáo viên Trường mầm non xã Mậu Lâm và Thanh Tân, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa), không ai không thấy xót xa. Các cô giáo mầm non đã quay lại trường, được hứa hẹn sẽ được trợ cấp thêm mỗi người 300.000 đồng/tháng.
Khoản trợ cấp ấy, cộng với thu nhập chưa đến 500.000 đồng, trong thời buổi gạo châu củi quế này chắc chắn sẽ chẳng giúp vợi bớt mấy khó khăn cho cuộc sống vốn rất vất vả của các cô. Đương nhiên còn hàng ngàn giáo viên mầm non khác cũng đang nhận lương “ngày chưa đủ bát phở” nhưng chưa dám đồng loạt bỏ việc để khiếu nại. Cũng còn vô số điểm trường mầm non dột nát, thiếu thốn đủ đường trên khắp đất nước ta chứ không riêng gì ở xã Mậu Lâm hay xã Thanh Tân.
Lý do cho sự thiếu thốn khổ sở ấy, như phân bua của các nhà quản lý, là thiếu kinh phí, trông chờ chủ yếu vào sự hỗ trợ của phụ huynh. Với địa bàn huyện miền núi, phụ huynh đương nhiên là quá khó khăn để đóng góp các khoản “tự nguyện”. Lại quay trở lại chuyện tiền trường đang nóng hổi hiện nay.
Phần lớn những ai có con đang đi học đều cảm thấy choáng ngợp trước danh sách dài (gần hai mặt tờ A4) liệt kê tất tần tật những khoản tiền phải nộp đầu năm học. Và ngược đời là ở nhiều nơi con càng nhỏ thì danh sách càng dài và tổng các khoản thu càng lớn.
Không riêng gì trường tư thục hay bán công, phụ huynh học sinh các trường công lập cũng phải “cắn răng tự nguyện đóng góp” đủ các khoản rất khó hiểu: tiền thuê bảo vệ, thuê tạp vụ, trả tiền giáo viên hợp đồng, xây dựng này, sửa chữa nọ, quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, xã hội hóa trường, xã hội hóa lớp... loạn cả lên. Thu nhiều đến nỗi nhiều người ví von trường học sống được nhờ “bầu sữa phụ huynh”.
Nếu dứt “bầu sữa” đó thì sẽ như thế nào? Có khá hơn chút ít nào so với tình hình của các trường mầm non ở huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hóa không? Không phải biện hộ nhưng ai có tham dự phần dự tính chi tiêu nội bộ ở hội nghị xây dựng kế hoạch các trường đầu năm sẽ cảm thấy rất mệt mỏi với các khoản chi “theo quy chế” chi li, tỉ mỉ đến tận 500 đồng lẻ.
Thế nhưng mỗi năm, các trường đều phải tham gia hết phong trào này đến hoạt động nọ, không khoản nào là không cần đến tiền cũng như tổng kết hằng năm để động viên tinh thần, sở cũng gửi danh sách “khen” về để trường “thưởng”. Trường, cực chẳng đã lại phải quay sang nhờ “bầu sữa phụ huynh”.
Trước tình hình tiền trường mỗi nơi thu một kiểu, biện pháp chính mà các cơ quan quản lý đưa ra là “cấm lạm thu”. Cấm nhưng không hướng dẫn rõ nếu có những khoản phải chi khác thì nhà trường phải lấy ở đâu. Trong khi đó, các khoản cần chi vẫn cứ phải chi nên các trường lại “linh hoạt” biến thành trăm thứ lắt nhắt khác dưới danh nghĩa “thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường”. Tiền trường trở thành một mớ bòng bong đầy ám muội.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Học sinh không giao tiếp được bằng tiếng Anh


TT - Một thực tế đáng buồn là đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều không thể sử dụng vốn tiếng Anh đã học để giao tiếp cơ bản được. Học sinh thì than thở học tiếng Anh như leo cột mỡ, càng cố leo càng tụt xuống.

Giáo viên thì mệt mỏi vì dạy như “nước đổ đầu vịt”. Không biết làm thế nào để “đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam...” như dự thảo chương trình tiếng Anh tiểu học thuộc đề án 2020 đưa ra được đây.

Hè năm nay, lần lượt giáo viên tiếng Anh các cấp được khảo sát năng lực cấp tốc. “Cấp tốc” theo đúng nghĩa: giáo viên chỉ được thông báo khảo sát cách đó độ một tuần (có nơi còn ít hơn), không biết mình sẽ được khảo sát những nội dung gì và như thế nào, đến ngày thi mới tá hỏa biết rằng mình đang được khảo sát theo tiêu chuẩn châu Âu. Kết quả, tất nhiên, sẽ rất thấp. Và sẽ có kết luận là bao nhiêu phần trăm giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn và phải đi đào tạo lại. Cơ hồ như việc học sinh phổ thông học yếu ngoại ngữ là trách nhiệm chính của đội ngũ giáo viên.

Khoan hãy bàn đến độ tương ứng giữa kiến thức ngôn ngữ dùng cho việc dạy học và kiến thức ngôn ngữ được dùng để khảo sát giáo viên. Vấn đề của tiếng Anh THPT hiện nay là sự khập khiễng giữa việc học và việc kiểm tra đánh giá, giữa tham vọng lồng ghép quá nhiều thứ và mục tiêu chính của ngôn ngữ là giao tiếp.

Mỗi đơn vị bài học trong chương trình tiếng Anh THPT được chia thành năm kỹ năng: đọc, nói, nghe, viết và ngữ pháp - ngữ âm nhưng bài thi tốt nghiệp lại chỉ kiểm tra được chủ yếu kỹ năng ngữ pháp và đọc hiểu. Do vậy, học sinh khá thờ ơ các kỹ năng còn lại.

Bên cạnh đó, lượng kiến thức cung cấp lại quá ôm đồm và mang tính chất hàn lâm như thể chuẩn bị cho học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ đi sâu vào nghiên cứu chứ không phải là giao tiếp.

Bản thân giáo viên cũng bối rối không biết nên làm thế nào cho đúng. Để giao tiếp được thì các kỹ năng ngôn ngữ phải được luyện tập đến mức trôi chảy (ưu tiên mức độ thông thạo hơn là chính xác). Trong khi theo như tiêu chí đánh giá nặng về lý thuyết và tính chính xác cao như hiện nay, để đạt kết quả cao, bất đắc dĩ chúng tôi phải dạy học sinh những mẹo làm bài. Ví dụ như nguyên tắc đánh trọng âm, phát âm: tận cùng bằng ký tự này thì đánh trọng âm thế này, phiên âm thế kia.

Điều này dẫn đến một nghịch lý là khi làm bài kiểm tra các em làm đúng nhưng khi sử dụng ngôn ngữ thì lại sai. (Điều này gần giống như các mẹo khi thi lý thuyết lái xe - kết quả có thể cao nhưng khi ứng dụng lại kém).

Để nâng cao hiệu quả thật sự của việc dạy và học tiếng Anh THPT, thiết nghĩ việc đổi sách hay rà soát năng lực giáo viên không quan trọng bằng việc thay đổi cách thức đánh giá, kiểm tra. Nên chăng cần xem ngoại ngữ như một chứng chỉ bắt buộc khi tốt nghiệp THPT?

LÊ THÚY HẰNG (giáo viên tiếng Anh ở  Quảng Trị)

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Không nghiêm khắc là tiếp tay cho hành động phản cảm

Thứ Ba, 23/08/2011, 11:18 (GMT+7)
TTO - Luyện thanh mười mấy năm ở nhạc viện hay đạt giải các cuộc thi tài năng chắc chắn không làm cho người ta nổi tiếng bằng việc cố ý ăn mặc hớ hênh trên sân khấu, để lộ hình nóng nơi này chốn kia, rồi sau đó to mồm thanh minh biện hộ mà nhiều "sao" đang áp dụng như hiện nay.
Hai bức ảnh trong bộ ảnh bán nude với những tư thế "gây sốc" của người mẫu Nguyễn Thanh Hằng và Sơn Tùng - Ảnh: từ Internet, TTO đã xóa mờ ảnh và từng sử dụng cho diễn đàn Sao "khoe thân": nghệ thuật hay gợi dục? (tháng 6-2011) cho thấy, vấn đề này đã được nhiều lần gióng lên hồi chuông báo động.
Những trang phục dị hợm lẫn những hình ảnh hở hang ấy không nói lên điều gì khác ngoài sự bế tắc trong sáng tạo và tham vọng thể hiện bản thân bằng mọi giá.
Trong lúc showbiz Việt đang “sôi động” với các vụ tai tiếng liên quan đến vấn đề ăn mặc của người biểu diễn thì Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) vẫn đang còn chuẩn bị dự thảo. Sốt ruột không?! 
Sốt ruột khi trong phần trả lời báo chí, các cơ quan hữu quan chưa có được sự thống nhất trong việc quản lý quả bóng trách nhiệm. Ví dụ như trong phần trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, ngày 22-8, ông Vương Duy Biên (cục trưởng Cục NTBD) cho rằng: Vừa rồi truyền hình, báo chí đưa tin dồn dập thảm họa nọ, thảm họa kia. Nhưng đó đâu phải là chương trình của Cục NTBD hay Bộ VH-TT&DL, những hình ảnh, clip đó phát tán trên mạng, mà mạng là do Bộ Thông tin - truyền thông quản lý. Vậy Bộ Thông tin - truyền thông ở đâu trong những trường hợp này.
Sốt ruột không?!
Theo như lãnh đạo của cục NTBD thì việc người ta cứ chụp ảnh, quay clip rồi phát tán lên mạng là quyền của người ta, “làm gì được họ”.
Tại sao không “làm gì được họ”?
Xem Indonesia đã làm gì với các ngôi sao để các hình ảnh riêng tư nhạy cảm bị phát tán trên mạng? Cứ thử xử cho ra xử, phạt cho ra phạt một vài trường hợp “làm gương” xem thử những “sao” và “người sắp sửa thành sao” khác có dám vi phạm không nào?
Trách nhiệm của những tờ báo giải trí suốt ngày rình rập để chụp ảnh và đưa tin về “ca sỹ X. lộ hàng”, “diễn viên Y. hớ hênh”, “người đẹp Z. gợi cảm”… hoàn toàn không nhỏ. Chính những bài báo câu khách kiểu này đã kích thích ghê gớm sự “táo bạo” của người biểu diễn. Chẳng lẽ những tờ báo này không có ai quản lý? Và cũng không “làm gì được họ”?
Thu nhập của ca sỹ ai cũng biết, thuộc vào hàng cao. Khoản tiền phạt có khi chỉ là một khoản phí rất nhỏ để được nổi tiếng. Chuyện nhỏ, dại gì không đầu tư để được lãi lớn.
Thế nên, nếu bên cạnh khoản tiền phạt đó còn kèm theo lệnh cấm biểu diễn một thời gian tùy theo mức độ vi phạm thì chắc hẳn kẻ táo bạo nhất cũng phải cân nhắc soi gương trước khi lên sân khấu. Không thể cứ kêu gọi ý thức của người tham gia biểu diễn suông mà có kết quả được khi tiền tài và danh vọng luôn là thứ dễ làm con người ta lóa mắt ù tai hơn bất cứ thứ gì trên đời.
Tại sao người ta lại dám ăn mặc “quá hồn nhiên” như vậy khi biểu diễn? Các ca sỹ, người mẫu không thể chui từ dưới đất hay nhảy từ trên trời xuống thẳng trên sân khấu. Đương nhiên là có sự dung túng của các đơn vị tổ chức biểu diễn. Những đơn vị này hoặc hám lợi hoặc khiếp nhược không dám làm các “sao” phật ý mà cứ để cho hiện tượng này xảy ra liên tục.
Phải làm tăng tinh thần trách nhiệm của các đơn vị tổ chức biểu diễn bằng những “ án phạt” thích đáng nếu để xảy ra sự việc. Án phạt này rõ ràng cũng không chỉ quy theo tiền mà còn những hình thức khác.
Cũng như trong bóng đá, nếu vi phạm thì phạt tiền như thế nào, treo giò bao nhiêu trận, nặng hơn là treo giò 1-2 năm, thậm chí vĩnh viễn... NTBD cũng phải như thế, câu trả lời của ông Biên cho công chúng hy vọng rằng cơ quan quản lý sẽ sớm có những quy định rõ ràng, để xử đúng người, đúng tội. Và những vụ việc vừa qua chính là những "ca xử" tạo nên tiền lệ, chính là những ví dụ rõ ràng để đưa vào luật sau này.
Nếu nghiêm khắc xử lý, ắt sẽ hạn chế được những hành động phản cảm. Như muốn hết nóng, thì chỉ còn cách dội nước thật lạnh vào.
LÊ THÚY HẰNG

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Canh rau muống nấu chắt chắt

Ngày cập nhật: 14/08/2011 11:46:07 SA


(QT) - Đối với người Quảng trị xa quê, có lẽ nỗi hoài hương “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” sẽ càng đau đáu hơn, bởi bát canh rau muống xứ gió Lào cát trắng này dường như đậm đà, thanh mát hơn: canh rau muống nấu với chắt chắt.

Chắt chắt thuộc họ trìa, hến nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều. Con chắt chắt nguyên vỏ to nhất cũng chỉ bằng ruột con hến. Cũng như hến, chắt chắt sống lẫn giữa đáy cát, muốn bắt được người ta phải ngụp lặn dưới sông để cào lên. Ở xứ mùa hè trời đất hanh nóng như thế này thì không có thức gì vừa giải nhiệt, vừa rẻ hơn những món ăn khác như rau muống nấu chắt chắt …

Muốn ăn canh chắt chắt phải mua trước một buổi, ăn buổi trưa phải mua từ sáng sớm, ăn bữa tối phải mua từ trưa để ngâm với nước vo gạo cho chắt chắt nhả hết chất bẩn trong ruột ra. Chắt chắt phải được chà nhiều lần dưới vòi nước chảy để sạch cát cũng như rong rêu bám trên vỏ.

Canh rau muống chắt chắt sẽ ngon hơn nếu ăn kèm với cà pháo.

Khi nồi chắt chắt trên bếp bắt đầu lục bục sôi, người nội trợ mới cho thêm vào ít muối và dùng đũa khuấy đều cho chắt chắt mở miệng ra hết. Nước chắt chắt lúc này có màu trắng đục, nếm thử sẽ thấy vị ngọt lừ mà không có thứ hạt nêm, bột ngọt nào có thể sánh bằng.

Sau khi lọc lấy nước, chắt chắt sẽ được mang đi “trơi” (đãi) lấy “mặt” (ruột). Đó là những khi rảnh rỗi, còn lúc bận rộn mà muốn ăn canh chắt chắt rau muống thì đã có mấy gánh chắt chắt làm sẵn của các mệ, các o ở chợ.

Hạt ném, ruốc và gừng tươi là những thứ gia vị không thể thiếu được khi nấu canh rau muống chắt chắt. Bắc nồi lên bếp, đổ dầu ăn (hoặc tóp mỡ thì càng tuyệt), phi hạt ném giã dập cho thơm rồi đổ chắt chắt vào, nêm thêm chút ruốc, hạt nêm và nước mắm cho thật thấm rồi mới chêm nước luộc chắt chắt vào nồi.

Khi nước sôi sùng sục, người nội trợ có thể nêm ít gừng tươi giã nhỏ trước khi cho rau muống vào để khử mùi tanh của bùn đất và cho canh có vị thơm. Để nồi canh được ngon thì phải chú ý canh lửa để rau muống vừa xanh lại vừa giòn.

Cảm giác mát lành khi ăn bát canh rau muống chắt chắt giữa những ngày hè nóng nực sẽ là một kỷ niệm khó quên. Vị ngọt đặc biệt của chắt chắt hòa quyện với vị bùi bùi của ruốc, vị cay nồng của gừng, ớt tươi, vị đậm đà của rau muống sẽ thỏa mãn các vị giác của bất cứ ai một lần được thưởng thức. Món canh sẽ càng thêm ngon nếu được ăn kèm với cà pháo.

Canh rau muống chắt chắt gắn liền với tuổi thơ của nhiều người bởi một lẽ giản đơn, đó là món ăn ngon mà lại rẻ nhất. Dường như vị ngọt của canh rau muống chắt chắt đã làm vơi bớt phần nào những đắng cay, vất vả trong kí ức tuổi thơ của bao người. Nên người Quảng Trị xa quê cứ thèm hoài bát canh quê mùa này, cùng là thương một thuở mình khốn khó.

                                         Bài, ảnh: THÚY HẰNG 

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Người quản trang “không giống ai”…

 Người quản trang “không giống ai”…
Ngày cập nhật: 23/07/2011 6:21:24 SA
(QT) - Về ngã ba Long Hưng (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), hỏi ông Thành “quản trang” thì không ai không biết. Ông làm quản trang liệt sĩ xã gần 20 năm nay nên được gọi là ông “Thành quản trang”, nhiều người còn gắn cho ông thêm cái biệt danh ông quản trang “không giống ai” để chỉ những việc làm khác người của ông. Nhưng gặp ông Thành rồi mới hay những việc làm bị coi là “không giống ai” đó lại mang vẻ đẹp của một tâm hồn trung thực và đầy ý nghĩa

Một người nhiệt tâm và kiên nhẫn hiếm có

Tôi thật sự bất ngờ khi thấy những kỷ niệm chương, bằng khen của ngành công an tặng “Công an viên xuất sắc Hồ Xuân Thành” được treo san sát trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng cạnh nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Thượng. Hóa ra ông vừa là công an viên xã, vừa làm công việc quản trang. Nhìn người công an viên có dáng người nhỏ bé với bộ mặt hiền khô đang ngồi trước mặt, tôi tò mò : “Được Bộ Công an tặng Bằng khen và kỷ niệm chương, vậy sao người ta vẫn gọi chú là người “không giống ai”?.

Ông cười, phô hàm răng đã rụng vài chiếc: “Tại vì tôi cứ đúng việc nghĩa mà làm”. Nhìn ông ăn nói khúc chiết vậy nhưng khi hỏi về những việc đã làm, ông khiêm nhường: “Không có chi to tát cả, tôi chỉ làm đúng phận sự của mình thôi mà”. Bởi vậy, tôi phải cất công đi tìm anh Lê Hữu Hòa, trưởng công an xã Hải Thượng mà hỏi cho ra nhẽ.

 
Ông Thành đang thắp nhang cho các liệt sĩ. - Ảnh: ĐÌNH CẢNH

Anh Hòa sinh năm 1967, làm công an xã gần 20 năm, tỏ ra phấn chấn khi nghe nhắc đến ông Thành: “Trưởng công an xã như tôi dễ tìm người thay thế nhưng công an viên như ông Thành thì khó có người thay”.

Rồi anh hào hứng kể: “Ông Thành đi bộ đội có thời gian làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ra quân năm 1982 và đảm nhiệm chức trách công an viên của xã từ bấy đến nay. Mấy mươi năm làm công an xã, ông rành địa hình ở đây như lòng bàn tay. Mỗi khi có bão lụt, nhà nào cao thấp ông biết hết.

Cho dù khuya khoắt, nước có dâng đến cổ, gió mưa có vần vũ chăng nữa, ông vẫn cầm đèn pin lội nước, vượt bão đến những ngôi nhà nằm ở vị trí thấp, kêu gọi bà con sơ tán. Gặp nhà neo người, ông sẵn sàng giúp kê dọn đồ đạc, hướng dẫn bà con tránh lụt, chống bão sao cho an toàn nhất. Chuyện nhà ai ông cũng lo lắng y như chuyện nhà mình vậy”.

Tỉnh lộ băng ngang qua xã, xuyên qua cánh đồng vắng và khu lò gạch ít dân cư nên đêm đến là điểm tụ tập của một số thanh niên hư hỏng. Những em học sinh đi học thêm về muộn rất ngại đi qua quãng đường này. Phụ huynh sau một ngày đồng áng mệt nhọc, ban đêm cũng cố ra đầu đường để đón con về, vất vả vô cùng. Biết được điều đó, ông Thành tự nguyện đêm đêm đi tuần tra.

Với chiếc xe đạp cà tàng, cây đèn pin cầm tay, ông đạp xe từ đầu đến cuối đường, vừa đi vừa quát nạt thị uy. Có vậy thôi mà chặng đường đó trở nên an toàn, các em học sinh đi học về nghe tiếng ông cùng với ánh sáng cây đèn pin lắc lư theo nhịp quay của chiếc xe đạp cà tàng của ông Thành là cảm thấy yên tâm.

Ông Thành còn là người kiên nhẫn hiếm có. Một dạo trong xã bị mất trộm nhiều gà, bà con ai cũng nản. Nắm được thông tin quán cơm X. ven quốc lộ 1A (đoạn đi ngang qua xã) chuyên tiêu thụ gà từ kẻ gian, một mình ông mai phục suốt 14 đêm liền để bắt quả tang đối tượng trộm gà.

Hay có đối tượng trong xã chuyên đi ăn cắp vặt ở địa bàn khác, ông cũng kiên trì theo dõi cho đến khi bắt được quả tang, đưa đối tượng về công an xã xử lý. Lúc tôi nói chuyện với anh Hòa, có mấy người dân có mặt tại trụ sở UBND xã nghe chuyện ông Thành cũng góp chuyện. Hóa ra chuyện về ông còn nhiều lắm, mà chuyện nào chuyện nấy đều “không giống ai”.

 
 Chăm sóc nghĩa trang. -Ảnh: TH

Nào là chuyện giữa trời mưa rét ông đứng ở ngã ba nhắc nhở người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chuyện người nhà ông tham gia bài bạc cũng bị ông bắt nộp công an xã, chuyện bất cứ vụ tai nạn nào xảy ra trên địa bàn xã ông đều có mặt tức thì để vừa bảo vệ hiện trường, tài sản vừa cứu nạn, chuyện ông không tơ hào của ai một đồng nhưng ai mượn gì của ông thì nhớ mà trả cho đúng hẹn, rồi đến chuyện ông được đi báo cáo điển hình tiên tiến tận Hà Nội, được lên tivi trong chương trình “Người đương thời”...

Thùng nước mát giữa nghĩa trang liệt sĩ

Lẽ đời, có người được chọn nghề nhưng cũng có người được nghề chọn. Với ông Thành, có lẽ ông đã được nghề quản trang chọn, tự nhiên như thể sau khi ra quân thì việc ông phải làm là... quản lý nghĩa trang của xã. Với thâm niên 20 năm trong nghề, không cần giấy tờ gì ông cũng nhớ được nghĩa trang hiện có 1.997 ngôi mộ, trong đó 447 của liệt sĩ địa phương và 1.550 liệt sĩ của sư đoàn 312 - 320... Ông cũng có thể chỉ chính xác từng ngôi mộ trong nghĩa trang cũng như quê quán, năm mất của các liệt sĩ.

Ông khoe: “Thằng con đầu học xong ra trường đã có việc làm, đứa thứ hai đang làm công nhân, đứa út đang học năm thứ 3 đại học. Công ty xây dựng dầu khí miền Trung thấy tôi vất vả mà đồng lương hạn hẹp nên hứa hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng nữa. Mấy năm trước, một ngôi chùa ở Hà Nội tặng nhà tôi con bò, bò mẹ đẻ bò con, bán bê con lấy tiền cho thằng út nộp học phí. Bộ ấm chén này là của Sư đoàn 320 tặng, còn cái bình kia là quà của chương trình “Giao lưu đồng cảm và chia sẻ” của VTV1 tặng... ”.
Ông gọi tất cả những liệt sĩ đang yên nghỉ trong nghĩa trang Hải Thượng với cái danh xưng đầy trang trọng: “Hội đồng quân nhân”. Ông bảo: “Ngày rằm, mùng 1 hàng tháng tôi đều thắp nhang cho tất cả “Hội đồng quân nhân”, mỗi khi có gia đình đến bốc mộ, tôi đều nhắc họ sắm mọi thứ cần thiết để “Hội đồng quân nhân” liên hoan chia tay đồng đội. “Hội đồng quân nhân” trong nghĩa trang nay giảm gần 600 so với trước do thân nhân đến xin cất bốc hài cốt đưa về quê...

Công việc quản lý nghĩa trang coi vậy mà cũng rất bận rộn. Có nhiều gia đình chưa thống nhất ý kiến với nhau, người thì muốn để liệt sĩ yên nghỉ tại nghĩa trang, người lại muốn đưa về quê cho tiện bề hương khói. Cũng có một số gia đình tin vào lời nhà ngoại cảm cứ nằng nặc đòi địa phương chứng nhận ngôi mộ “liệt sĩ chưa biết tên” đó là của thân nhân mình để cất bốc.

Trong khi đó, nhiều trường hợp không được cho phép thì người ta lăm le bốc trộm. Những lúc như vậy, đêm nào ông cũng ôm chăn chiếu ra nghĩa trang, nằm gần ngôi mộ để canh giữ. Ông chỉ cho tôi coi thùng nước mát lạnh đặt ở chân tượng đài trong nghĩa trang và giảng giải: “Trong một lần nằm mơ, tôi nghe có tiếng xin một ngụm nước uống. Biết các anh đang khát, tỉnh dậy tôi liền chuẩn bị sẵn thùng nước mát để dưới chân tượng đài để có liệt sĩ nào cần thì cứ đến đó thỏa sức mà dùng”.

Nghe ông kể vậy, tôi ngỡ như trước mắt ông không phải là hàng hàng bia mộ vô tri mà là những con người bằng xương bằng thịt. Chính lúc đó tôi liên tưởng cuộc đời ông với thùng nước kia, có cái gì đó như tương hợp. Không biết linh hồn những liệt sĩ trong nghĩa trang này có dùng đến thùng nước mát của ông không, nhưng cách ông để thùng nước như một niềm tin và sự chia sẻ với những linh hồn liệt sĩ thật đáng trân trọng.

Không chỉ chăm lo cho “hội đồng quân nhân”, những thân nhân liệt sĩ đến viếng hay bốc mộ đều được ông chỉ dẫn tận tình. Nhiều trường hợp gia đình không có điều kiện hay lỡ tàu, trễ xe thì dẫu 9 hay 10 người đi nữa ông cũng đưa về nhà mình, bảo vợ lo cơm nước chu đáo.

Có những gia đình đi tìm mộ người thân từ Bắc vào Nam, ngược ra đến nghĩa trang Hải Thượng thì hết tiền, vợ chồng ông còn vay mượn tiền giúp họ về quê. Thân nhân nhờ bốc mộ ông cũng vui vẻ làm giúp, chỉ nhận một ít tiền công và vật liệu để làm lại mặt bằng. Chừng đó thôi, ai đưa thêm ông cũng nhất quyết không nhận.

Có một người tôi chưa được gặp mặt nhưng đều được mọi người nhắc đến với vẻ trìu mến, đó là bà Yến, vợ ông, một người hiểu biết, chịu thương chịu khó hiếm thấy. Ông Thành có yên tâm làm được những việc “không giống ai” cũng nhờ có hậu phương vững chắc. Gia đình ông trên dưới thuận hòa, con cái ngoan ngoãn.

Ông khoe: “Thằng con đầu học xong ra trường đã có việc làm, đứa thứ hai đang làm công nhân, đứa út đang học năm thứ 3 đại học. Công ty xây dựng dầu khí miền Trung thấy tôi vất vả mà đồng lương hạn hẹp nên hứa hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng nữa. Mấy năm trước, một ngôi chùa ở Hà Nội tặng nhà tôi con bò, bò mẹ đẻ bò con, bán bê con lấy tiền cho thằng út nộp học phí. Bộ ấm chén này là của Sư đoàn 320 tặng, còn cái bình kia là quà của chương trình “Giao lưu đồng cảm và chia sẻ” của VTV1 tặng... ”. Nụ cười ông rạng rỡ như những bông hoa mười giờ nở dọc bồn hoa trong nghĩa trang Hải Thượng.

Chia tay ông, tôi nghĩ, ông Thành đúng là “người không giống ai”. Giữa bao bon chen ngày thường, nghe những câu chuyện lạ lùng về một quản trang như ông Thành, dường như ta thấy tin yêu hơn với cuộc đời này.

                                         LÊ THÚY HẰNG

Nấm tràm

Nấm tràm

Ngày cập nhật: 23/07/2011 6:21:38 SA

(QT) - Hôm qua thấy trên Yahoo status của người bạn có mỗi câu “Nhớ nấm tràm!”, cuối câu thêm dấu chấm than vừa da diết, vừa bùi ngùi. Nhớ gì không nhớ, sao bạn mình lại đi nhớ cái thứ nấm có vị đắng nghét đó?

Quê mình nghèo, cái dải đất hẹp toàn cát trắng với gió Lào có mỗi giống tràm thâm thấp, cay cay không ai trồng, ai chăm là sống khoẻ. Nơi nào có cát trắng là có tràm. Nhờ tràm mà dải cát trắng dài bớt loá mắt, cát bớt bay, bớt nhảy, những hành khách phương xa ngồi trên xe chạy ngang qua quê mình bớt bùi ngùi thương đất gì cằn cỗi vậy làm sao mà sống.

Vì nghèo nên dân quê mình đâm ra dễ nuôi. Cái gì dù chua, dù chát, dù đắng, dù cay đến đâu đi nữa dân mình cũng ăn được, ăn ngon lành. Ăn hoài đâm nghiện, đâm nhớ mãi rồi tự dưng thành một thứ đặc sản, một thứ đặc sản kén người ăn mà không phải dân gió Lào gốc thì mấy ai chịu khó thưởng thức được.

Nấm tràm mọc ngay dưới gốc cây tràm, sau những cơn mưa giữa mùa hạ và mùa thu, nên hút được cái nóng ẩm của cát, cái nồng cay của tinh dầu tràm mà kết thành một vị đắng đặc trưng. Cây nấm thâm thấp, tai bậm bạp, có màu nâu đỏ.

Vỏ nấm tràm có màu nâu đỏ.

Đi hái nấm là những em bé đi học một buổi, buổi còn lại vừa chăn trâu vừa hái nấm, là những bà lão lưng đã hơi còng, hái xong là vội vội vàng vàng đưa ngay xuống chợ, rải một tấm ni lon, miệng đon đả mời khách mua còn tay thì thoăn thoắt gọt nấm. Sau khi được gọt cái lớp vỏ màu nâu đỏ đi, cây nấm còn lại màu trắng ngà, nhìn thôi đã muốn mua hết rổ.

Khách mua nấm thường mua mau vì đâu cần gì lựa chọn, cây nào cây nấy đều tươi như nhau, cũng không cần trả giá vì mớ nào mớ nấy rẻ như cho. Nấm mua về được trụng qua nước đang sôi sùng sục trên bếp, ép hết sức cho ra bớt đắng rồi phi hành ném cho thơm, thả nấm vào, nêm thêm ruốc và gia vị cho vừa miệng ăn. Nấm chín rắc thêm ớt, tiêu, xắt thêm hành thêm ngò vào là có một đĩa nấm tràm thơm ngon lừng lựng.

Nấu tràm còn được dùng để nấu với canh rau lang. Nhìn tô canh rau xanh ngắt, điểm xuyến thêm vài cây nấm tràm trắng ngà thiệt bắt mắt. Nếm thử mới cảm nhận được vị ngọt lừ của rau lang mới hái quyện với vị đăng đắng của nấm, vị bùi bùi của ruốc.

Nấm tràm đắng nhưng đã nuốt trôi qua cổ rồi thì bắt đầu cảm nhận được vị ngòn ngọt, thanh thanh. Đắng vậy nhưng nấm tràm thiệt lành, thiệt mát. Trưa nóng ăn bát cơm với nấm tràm, lui nằm trên cái võng sau nhà đu đưa chờ cơn gió nồm phe phẩy rồi liu riu ngủ là quên luôn cái nóng bức, ngột ngạt của mùa hè.

Bạn đi xa, nhớ hương vị ngọt đắng của nấm tràm thì cố tranh thủ thu xếp công chuyện về quê ăn một bữa cho đỡ nhớ. Bạn nhớ về vào độ tháng 7, tháng 8. Về ngồi giữa quê nhà, ăn tha thít nấm tràm, cúp hạt tiêu tươi, cắn giòn rụm trái ớt hiểm, mới cảm nhận được hết hương vị của nấm tràm. Cũng là để vơi chút nhớ thương...

                                             Bài, ảnh: MINH THƯ

Nỗi niềm trường “tuyến dưới”

TT - Mùa tuyển sinh đầu cấp THPT đã khép lại. Bên cạnh các trường có điểm chuẩn cao ngất ngưởng, có những trường phải “chật vật” tuyển sinh bổ sung đến hai, ba đợt mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Đối với giáo viên các trường “tuyến dưới”, lúc này cuộc chiến thật sự mới bắt đầu ngày càng cam go, gian khổ hơn.
Sẵn tâm lý muốn “gần đèn thì sáng”, từ khi một đứa bé được sinh ra, bố mẹ chúng đã bắt đầu tham gia cuộc chạy đua giáo dục dài đằng đẵng và mệt mỏi. Từ mẫu giáo đã phải rồng rắn xếp hàng giữa đêm khuya để con được vào trường chuẩn, tiểu học phải chạy đôn chạy đáo để được một suất vào trường điểm, lớp chọn. Như vậy không có lý gì khi chúng lớn, các bậc phụ huynh lại không mong muốn cho con được vào các trường “tuyến trên”. Thêm vào đó, chính quy định tuyển sinh lớp 10 không phân tuyến trong năm năm trở lại đây đã phân hóa rõ rệt các trường THPT.
Đẳng cấp trường thể hiện rõ nhất ở điểm tuyển sinh: trong lúc điểm chuẩn các trường tuyến trên thường xấp xỉ 50 thì các trường tuyến dưới lại thấp đến mức có thể: miễn không có điểm chết là được. Đầu vào cao (gấp hơn 10 lần) thì đương nhiên đầu ra cũng phải cao tương ứng. Chính đầu vào chứ không phải chất lượng đào tạo đã quyết định kết quả dạy học của mỗi trường. Thậm chí giáo viên các trường “tuyến dưới” còn phải tốn nhiều công sức hơn, bởi hiệu quả cuối cùng là tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp cũng được so sánh bình đẳng với các trường “tuyến trên”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được như thế. Không chỉ phụ huynh mà cả học sinh đều cho rằng giáo viên các trường “tuyến trên” chắc hẳn phải giỏi hơn. Không ít phụ huynh vô tâm đã bộc bạch với giáo viên cái sự đáng tiếc khi để con mình phải học ở trường này. Nhưng nếu tôi là vị phụ huynh kia thì tôi cũng không yên tâm cho con mình học ở đây, dẫu rằng rất hiểu trình độ chuyên môn của mình và đồng nghiệp.
Số học sinh được tuyển sinh theo kiểu “vơ vét” cho đủ số lượng kia không chỉ yếu về văn hóa mà cả ý thức cũng kém. Đối với giáo viên chúng tôi, công việc nặng nhọc nhất là dạy khối 10 và còn kinh khủng hơn nếu kiêm thêm chủ nhiệm. Nhiều em thậm chí còn chưa viết đúng tiếng Việt, kể cả tên mình (nếu có dấu hỏi, ngã hoặc chữ X, S, N, NG...). Thường xuyên, chúng tôi nhận được những “Giấy xinh phép”: “mông” thầy cô cho em “nghĩ” buổi học..., em “xinh” hứa “xẽ” học bài và làm bài...
Ngoài ý thức kém, nhiều em cứ tin chắc rằng bệnh dốt của mình là “vô phương cứu chữa rồi” nên không hề lo lắng cho việc học hành. Nhiều lúc bất lực, chúng tôi nói đùa với nhau rằng lớp học như một game show và các em học sinh “đến đây với tinh thần giao lưu, vui là chính”. Đừng nói đến việc nộp tiền đi học thêm, trường chúng tôi tổ chức những lớp dạy miễn phí mà cũng chẳng mấy học sinh đi học.
Lớp học ở “trường tuyến dưới” không chỉ yếu về văn hóa mà còn rất lộn xộn, bát nháo vì bao giờ cũng đông hơn số học sinh quy định từ 5-7 em. Giáo viên có ba đầu sáu tay cũng đành “bó tay” trước hơn 50 em học sinh mỗi lớp. Tại sao lớp học lại phải đông như vậy? Vì rất nhiều phụ huynh chưa chịu bỏ cuộc trong cuộc chạy đua vào trường “tuyến trên”. Cho con học tạm “trường tuyến dưới” chẳng qua chỉ là một bước đệm, đợi kết thúc học kỳ 1 sẽ lại “chạy” cho con chuyển trường. Sau mỗi học kỳ, lớp học lại vắng thêm những em học sinh khá nhất vì đa số các trường “tuyến trên” chỉ chấp nhận cho học sinh hạnh kiểm tốt, học lực khá chuyển trường. Chất lượng đã kém nay càng kém hơn.
Nạn “chạy trường” biết khi nào mới chấm dứt? Và ngành giáo dục biết bao giờ mới thực hiện được chủ trương xóa dần khoảng cách về trình độ học sinh giữa các trường, tạo cho các em môi trường giáo dục thật sự bình đẳng?
MINH THƯ

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Làn gió mới mang tên “phụ cấp thâm niên”

Thứ Sáu, 15/07/2011, 13:03 (GMT+7)
TT - Sau bao nhiêu trông ngóng đợi chờ của cán bộ giáo viên ngành giáo dục, nghị định của Chính phủ về phụ cấp giáo viên đã ra đời. Mỗi giáo viên giảng dạy từ năm thứ 6 trở đi sẽ được hưởng thêm phần phụ cấp thâm niên, khoản tiền lương sẽ đỡ ít ỏi đi. Nhà giáo đã có thể đứng lớp với tâm trạng nhẹ nhàng hơn bởi gánh nặng cơm áo đã vơi đi một ít.
SV ngành Sư phạm TP. HCM trong một cuộc thi lịch sử ở Nhà VHTN TP. Tương lai của nghề giáo sẽ tươi sáng hơn với những chính sách cụ thể của nhà nước - Ảnh TTO
1% phụ cấp thâm niên cho mỗi năm cống hiến - nếu quy ra tiền chưa hẳn là lớn nhưng điều đó quả là đáng mừng. Mừng vì nếu thu nhập ngành giáo dục được cải thiện thì chất lượng đầu vào của các trường sư phạm đương nhiên sẽ tăng lên đáng kể. Các thầy cô giáo kể từ đây không còn là “chuột chạy cùng sào” nữa mà sẽ được ví von với hình ảnh gì đó khác cho tương xứng với danh xưng “nghề cao quý”.
Những ai biết vận dụng kiến thức và năng lực của mình để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đều được khen ngợi, xuất sắc còn có thể được tặng giấy khen “Điển hình tiên tiến”. Nhưng đối với ngành giáo dục thì không như vậy, mặc dù giáo viên chúng tôi hoàn toàn không thiếu kiến thức và năng lực. Dạy thêm thì bị phê phán như một “tệ nạn” mà làm nghề tay trái cũng bị phê bình là “chểnh mảng chuyên môn”.
Buồn đến nỗi mỗi khi tư vấn chọn nghề cho học sinh, những em học giỏi thường được chúng tôi khuyến khích chọn những ngành nghề khác ngoài sư phạm. Mà có lẽ cũng không cần tư vấn, nhiều em đã tâm sự rất thật: “Em thấy làm giáo viên như thầy cô cực quá mà thu nhập lại thấp”. Những học sinh sau khi ra trường được vài năm, có việc làm, về thăm lại thầy cô đều nhất quyết không tin tiền lương của thầy cô sau mười mấy năm đi dạy lại thấp hơn thu nhập của mình.
Phải thừa nhận là Nhà nước đã và đang đầu tư nhiều cho ngành giáo dục. Trang thiết bị dạy học được cung cấp nhiều hơn. Thế nhưng, đời sống của giáo viên - “lực lượng lao động” chính và quan trọng làm nên chất lượng giáo dục - lại chưa được quan tâm ưu đãi tương xứng. Đồng lương bèo bọt đã khiến ngày càng nhiều “người đưa đò” đành đoạn bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ người sang sông... trong lúc ngành lại ngày càng thiếu giáo viên. Điển hình như Sở GD-ĐT TP.HCM trong năm học 2011-2012 cần bổ sung tới 4.681 giáo viên nhưng đến cuối tháng 6 mới nhận được 1.740 hồ sơ đăng ký tuyển dụng.
Và điệp khúc của mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nay vẫn là “thừa kinh tế, ế sư phạm”. Với tình hình “ế ẩm” từ tuyển sinh cho đến tuyển dụng như thế, nếu không có những chính sách ưu đãi kịp thời thì khó dám chắc ngành giáo dục có thu hút và giữ chân được những người tài giỏi nữa hay không.
Cũng phải nói thêm rằng bên cạnh thu nhập thấp, việc trả lương theo phương pháp cào bằng cũng làm nhiều người trong ngành chán nản. Người dạy giỏi, công tác tốt ngoài việc được khen thưởng - khen là chính, còn thưởng chỉ vài chục ngàn mang tính chất tượng trưng - thì đến tháng nhận lương cũng như những người khác.
Một khi đã chọn nghề giáo, đa số giáo viên chúng tôi đã không mơ tưởng đến viễn cảnh giàu có về tiền bạc. Nên việc phải dạy thêm, làm thêm chẳng qua là việc chẳng đặng đừng do “cơm áo không đùa với khách thơ” mà thôi. Một khi thu nhập được cải thiện, chúng tôi sẽ yên tâm công tác hơn, toàn tâm toàn ý hơn với công việc. Và điều quan trọng hơn, cái nhìn của xã hội về nghề giáo cũng sẽ được thay đổi, không còn coi nghề này “xanh như bảng, bạc như phấn”.
LÊ THÚY HẰNG
Phụ cấp thâm niên ngành giáo dục thật ra không phải là một chính sách mới. Những năm cuối thập niên 1980, chính sách ưu đãi này cũng đã được thực hiện để góp phần chấm dứt tình trạng giáo viên bỏ việc hàng loạt. Từ năm 1993, chế độ thâm niên chấm dứt, thay vào đó là phụ cấp nghề từ 25-70% chỉ dành cho giáo viên đứng lớp (nghĩa là những ai không trực tiếp giảng dạy, kể cả hiệu trưởng, hiệu phó cho đến chuyên viên phòng, sở... đều không được hưởng khoản phụ cấp này). Điều này làm nảy sinh một nghịch lý: nhiều người ngại làm... quản lý bởi thu nhập, vốn đã rất thấp, sẽ bị giảm đi đáng kể.

Những người nông dân không có đất

Thứ Sáu, 15/07/2011, 15:58 (GMT+7)
TTO - Sau rất nhiều những dự án phong trào, “mốt” dự án hiện nay đang là quy hoạch sân golf. Có đến 124 sân solf đang được đề nghị quy hoạch, kể cả những ở tỉnh có đất đai màu mỡ như Thái Bình, Thanh Hóa... cho đến những tỉnh nằm ngay sát sân golf của tỉnh khác như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đắk Lắk...
Muốn xây sân golf ắt phải có đất. Muốn có đất ắt phải thu hồi. Mà thu hồi ở đâu nếu không phải từ những ruộng lúa, ruộng màu? (mặc dù Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 đã nêu rõ “đất trồng lúa, đất màu... không được dùng cho việc phát triển sân golf")
Chạnh lòng, tôi nghĩ về những người nông dân sẽ mất đất. Đất nông nghiệp khác hẳn đất thổ cư bởi đất không chỉ là đất mà còn là kế sinh nhai, là nồi cơm của cả gia đình người nông dân. Do thế, định giá đền bù đất thổ cư có thể xác đáng nhưng làm sao có thể định giá được giá trị của thửa đất nông nghiệp?
Với người nông dân, đất là “bờ xôi ruộng mật”. Trên mảnh đất đó, họ có thể đổi những giọt mồ hôi, những nhọc nhằn gian khó để nuôi dưỡng cha mẹ già, gửi gắm ước mơ nơi những đứa con đến trường. Có thể định giá được những tảo tần khuya sớm, những một nắng hai sương, những ấp yêu cây trái chăng?
Nông dân không còn đất thì sẽ xoay xở cuộc sống vốn đã không mấy dư dả của họ ra sao? Số tiền đền bù có thể nuôi sống họ được bao lâu khi cùng với tỷ lệ lạm phát ngày càng lớn, đồng tiền ngày càng mất giá? Những sân golf mới đó có thể tuyển dụng được bao nhiêu người – nông -  dân – không – còn – đất? Và sau bao lâu sẽ sa thải họ với lý do “năng lực không phù hợp”? Những người chưa đủ già để an dưỡng nhưng cũng không còn trẻ để học một ngành nghề mới sẽ ra sao? Hay cứ mãi lạc lõng bơ vơ thương nhớ đồng quê trong dĩ vãng?
Rồi “chợ người” thành phố sẽ đông đúc thêm những người bán sức lao động. Rồi sẽ thêm những em bé cô đơn vì mẹ phải đi làm ô sin, đi buôn đồng nát. Rồi sẽ thêm những em bé bỏ học, ôm tập vé số hay hộp đánh giày. Rồi sẽ thêm những bà mẹ già cô độc chiều chiều ngóng tin con đang kiếm ăn ở một nơi xa xôi nào đó. Rồi sẽ thêm nhiều lời than phiền rằng người nhà quê làm nhếch nhác hình ảnh văn minh đô thị.
Biết buồn là vậy, nhưng những người – nông -  dân – không – còn – đất kia sẽ biết phải làm sao?
Chạnh lòng, tôi nghĩ đến những người đã quyết tâm xin cho được quy hoạch để thu hồi đất làm sân golf phục vụ cho nhu cầu giải trí của những người giàu. Đâu có quá khó để cân nhắc giữa một bên là cuộc mưu sinh của hàng ngàn người lao động và một bên là nhu cầu giải trí của số ít người có tiền? Những nhà đầu tư nước ngoài nếu không chơi golf thì họ còn rất nhiều hình thức giải trí khác. Nhưng với những người nông dân, đất là phương tiện duy nhất giúp họ duy trì được cuộc sống của mình. Đâu có quá khó để lựa chọn giữa vô vàn và duy nhất?
Dẫu giá trị kinh tế của đất đó khi làm sân golf sẽ hơn rất nhiều lần làm nông nghiệp. Nhưng, trên đời không phải bất cứ thứ gì cũng quy ra được thành tiền.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Boulevard

Hôm qua post link bài Boulevard, tưởng chỉ có mình mình nhớ và thích bài hát đó, té ra thiên hạ lắm kẻ ngẩn ngơ như mình.

Mình cứ luẩn quẩn với Boulevard chỉ vì chung cái cảm giác day dứt, dằn vặt không hiểu "why you left me on that boulevard?" - tại sao anh nắm tay dắt em ra đại lộ thênh thang rồi thả em ở đó?

Người đi thì biệt xứ mù khơi, người ở lại cứ bơ vơ nơi đại lộ, không biết hướng nào mà đi, cũng chẳng hiểu tại sao mình bị bỏ lại cô độc một mình.

Xem Những nàng công chúa nổi tiếng, thấy có câu nói rất hay: chia tay cũng phải nói rõ lý do, đó là phép lịch sự đối với người mình yêu.

Hóa ra không phải ai lịch lãm cũng biết giữ cái phép lịch sự tối thiểu đó, thành ra trên những đại lộ thênh thang ngày càng có nhiều người.

Càng có nhiều người nhưng không vì thế mà đại lộ đông đúc hơn, bởi ai cũng lẻ loi, không dám tự tin mà bước tiếp.

 Mà làm sao bước tiếp được khi cứ mãi loay hoay trông chờ người xa tít mù khơi kia "come again and you will release my paint" - quay trở về và hàn gắn vết thương lòng cho em người hỡi.

Trái tim - cũng giống như pha lê (nếu cao quý) hoặc đồ gốm (nếu bình dân) - rạn vỡ rồi mà hàn gắn lại cũng chỉ để mà nhìn, dùng chi được nữa !?

Nowhere could we be happy together - so don't waste time seeking for it

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

YOUR UNINSTALLER

Khi dùng máy tính, ta rất dễ bị dụ khị, click Yes phát rồi cài vào máy tính của mình vô thiên lủng các phần mềm (có khi cũng chẳng dùng lấy một lần). Chán, ta lại hì hục gỡ ra. Những những file phát sinh của nó vẫn còn nằm đâu đó trong máy tính, khiến cho cái máy của ta chầm rề rề, làm người nóng nảy như ta phát bực.

Your Uninstaller là một phần mềm chuyên gỡ các chương trình máy tính. Gỡ một cách sạch sẽ, triệt để. Tẩn mẩn, tỉ mỉ, chi tiết đến kỳ cục. Gỡ xong nó còn giúp ta rà quét lại các ổ đĩa, làm cho máy tính của ta gọn gàng, ngăn nắp hơn. Đúng là tiện lợi không có gì bằng.

Hôm ngồi gỡ mấy thứ táy máy bằng cái chương trình đại tiện lợi kể trên, mình tự dưng ao ước giá mà đời cũng có cái Uninstaller như vậy thì còn gì bằng.

Thử nghĩ coi, mình hết yêu một người, đã coi người ta là người lạ trên cõi đời này từ thưở nảo thưở nao rồi, tự dưng nhìn thấy cái cây, ngọn cỏ, nhớ rằng năm nớ, năm kia có người nói này nói kia. Rồi lòng mình cũng chùng xuống mất vài giây.

Ví như bạn nọ, ly hôn đã mấy năm rồi vẫn chưa kiếm được người bạn đời mới bởi cái "dớp" mà người cũ để lại. Mình có nhiều người bạn như thế, cũng gắng gổ mần ông tơ bà nguyệt se duyên giùm. Hẹn hò phê pháo thì cười cười nói nói, mắt liếc miệng chúm chím, còn chìa điện thoại ra lưu số nháy số nữa. Nhưng đến đêm về nhà, họp chi bộ gia đình nghe nói bạn nớ đã từng một lần đò vậy là bỏ chạy mất dép. Đờn ông còn đỡ, đờn bà còn bị ví von là cụt đọt này nọ nữa. Kiểu như ly hôn xong phải đâm đầu xuống sông tự tử thì đời mới hả dạ không bằng.

Trong mấy trường hợp đó, có cái Uninstaller mà gỡ cho sạch sẽ mọi ký ức xưa cũ đi, đời từ đó về sau cứ bon bon mà tiến, còn gì tuyệt vời hơn.

Nhưng nghĩ lại, có cái thứ đó thật, lỡ những người cũ gặp nhau ơ hờ lạ lẫm, thì cũng có phần hơi đau lòng, không khéo đau hơn những tháng ngày khổ sở.

Cài thêm 1 mối quan hệ vào cuộc đời thì dễ mà sao gỡ ra cũng khó quá chừng.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Trò không sợ điểm kém nhưng thầy sợ

TT - Nghe đâu đó người ta lên án, phê phán ngành giáo dục, giáo viên chúng tôi cũng chột dạ, cảm thấy có lỗi. Nhưng chính bản thân chúng tôi như những người mắc trong đám kẹt xe, cứ phải lầm lũi mệt nhọc mà tiến, không cách nào thoát ra được.
Cứ cuối mỗi năm học, tổng kết điểm, báo cáo các loại số liệu, xét danh hiệu thi đua, chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi, thậm chí gần như đuối sức vì phải chạy theo những thành tích ảo - được thổi phồng thành những số liệu và tỉ lệ rất đẹp nhưng không biết để làm gì.
Cuối năm, rất nhiều giáo viên khóc dở mếu dở vì không được xét hoàn thành nhiệm vụ năm học. Chẳng phải vì dạy dở, vì vi phạm đạo đức nhà giáo, vì bỏ giờ trễ tiết... mà chỉ vì không đạt chỉ tiêu đặt ra. Thấp hơn 85% học sinh đạt điểm trung bình trở lên thì không được xét hoàn thành nhiệm vụ năm học. Không quá 90% học sinh đạt điểm trung bình trở lên thì không được xét lao động tiên tiến. Bất kể môn học nào và bất kể tình hình học sinh như thế nào, giáo viên bắt buộc phải đạt chỉ tiêu trên nếu không muốn bị mất danh hiệu thi đua.
Lẽ tất yếu, ai ai cũng cố đạt cho được cái chỉ tiêu cao ngất ngưởng đó (đương nhiên không phải do sự hấp dẫn của khoản tiền thưởng cuối năm 100.000 đồng dành cho lao động tiên tiến và 70.000 đồng dành cho hoàn thành nhiệm vụ) bởi chẳng ai muốn trong hồ sơ lý lịch của mình lại có những năm “không hoàn thành nhiệm vụ” (và việc nâng lương dĩ nhiên cũng vì thế mà chậm lại).
Thật ra đạt được chỉ tiêu như vậy hoàn toàn không hề khó chút nào. Bài kiểm tra nếu không quá 50% học sinh trên điểm trung bình thì giáo viên phải cho kiểm tra lại lần 2, lần 3... (cho đến khi nào đạt được tỉ lệ đó thì thôi). Đối với những bài thi học kỳ không thể cho kiểm tra lại thì giáo viên phải đưa đề cương ôn tập sát với đề thi trước. Nên có nghịch lý trớ trêu là mỗi lần có bài kiểm tra thì người sợ bị điểm kém không phải học sinh mà là giáo viên!
(Buồn thay tình hình này xuất hiện ở cả cấp tiểu học. Hôm nghe kết quả thi học kỳ của con trai đang học lớp 1: có 45/47 em đạt học sinh giỏi, tôi buột miệng khen các con giỏi ghê. Con trai tôi “bật mí”: bài thi đã được cô cho làm trước nhiều lần rồi, đến khi thi chỉ việc chép lại thôi!).
Học sinh đi học không sợ điểm kém, không sợ lưu ban nên rất khó bảo và ngang ngược. Có nhiều người không giữ được bình tĩnh nên đã có những hành vi thiếu kiềm chế bị quay clip tung lên mạng. Dư luận xã hội lại được dịp phê phán chê bai giáo viên đủ cả. Nhưng ít ai biết được rằng phần lớn chúng tôi đều phải kiềm chế hết mức, mỗi ngày đi dạy về đều rất mệt mỏi và bức bối. Trớ trêu thay, giáo viên đi dạy phải sợ học trò!
Đối với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp tình hình còn căng thẳng hơn. Vì sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp sẽ có bảng thống kê tỉ lệ đậu rớt theo từng bộ môn, từng giáo viên giảng dạy. (Bất luận tình hình đầu vào như thế nào, cho dù điểm tuyển sinh của trường này chỉ bằng 1/3 của trường kia thì tỉ lệ tốt nghiệp cũng phải được so sánh ngang bằng nhau). Giáo viên cũng theo tỉ lệ đó mà được đánh giá nên ai nấy đều cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi đều phải “dạy dỗ” theo đúng nghĩa - dỗ dành học sinh học được chữ nào mừng chữ ấy!
Chúng tôi thường ao ước “bao giờ cho đến ngày xưa”, khi học sinh đi học đều phải lo lắng bài vở của mình, sợ bị điểm kém, sợ bị thầy cô phê bình, sợ thi rớt. Còn giáo viên sẽ được thoải mái dạy dỗ và đánh giá học sinh một cách khách quan, không bị áp lực của những chỉ tiêu “trên trời” kia nữa.
ANH MINH

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

THƠ VIẾT KHI ĐỢI MƯA RỪNG

Thung lũng mờ sương
núi đỡ mây
màu phượng cháy
đốt hè thêm oi ả

*

Suối vẫn cạn
dẫu mưa rừng dai dẳng
Như một thời đằng đẵng
nhớ và quên

*

Vẫn biết
có những điều không thể
và không nên
Chôn chặt mãi
hóa dằm trong tim thành sẹo
Đã đủ lớn
để hiểu
cuộc đời chưa bao giờ ngọt ngào như kẹo
Cà phê không đường
uống mãi hóa mặn môi

*

Thử một lần tôi chỉ nghĩ về tôi
Thử một lần
thả trôi những muộn phiền trăn trở
Thử một lần say
để khỏi ngượng ngùng mắc cỡ
Thử một lần lạc lối
chẳng muốn về

*

Sau cơn mưa
sẽ rực rỡ cầu vồng
Trăng thượng huyền
sẽ khuyết hao như vạn điều dang dở
Như Hoàng Hữu
tôi vẫn tin
trăng sẽ tròn,
trăng sẽ đầy,
trăng sẽ...

*

Cũng như tin
nếu tình yêu mà lặng lẽ
sẽ bền lâu

                         4/6/2011 (Lao bảo)

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Học sinh cần được hướng nghiệp sớm hơn

TT - Cùng với sức khỏe, nghề nghiệp đương nhiên là điều rất quan trọng góp phần tạo nên sự thành công cũng như hạnh phúc của mỗi người. Có người thay đổi hết nghề này đến nghề khác rồi mới tìm ra được sự nghiệp của riêng mình. Nhưng với đại đa số, nghề nghiệp thường ổn định và ít khi thay đổi (dĩ nhiên, đổi nghề sẽ kéo theo vô số phiền toái và thiệt hại).
Không may thay, điều quan trọng như vậy lại được lựa chọn đa số là khá qua loa khi người ta còn quá trẻ. Khi làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng, dưới cái nắng oi ả đầu hè cùng với áp lực bài vở cuối cấp, đối với các em, sự khát khao được thoát ra khỏi những ràng buộc nặng nề của thời học sinh (rủi thay) lại lớn hơn nhiều so với những suy nghĩ cẩn trọng về ngành nghề mà mình sẽ chọn.
Phần lớn các em lựa chọn ngành nghề theo cảm tính mà hiếm khi tưởng tượng được rằng với nghề nghiệp đó các em sẽ làm những việc gì, có phù hợp không, xã hội có đang cần hay đã thừa mứa rồi. Có thể nộp đơn vào trường này vì có bạn cùng nộp hoặc vì có người quen đã học trước đó. Có thể vì thần tượng một ai đó. Cũng có thể vì ngành đó năm trước ít người thi nên chắc hẳn mình còn nhiều cơ hội.
Có ảnh hưởng không hề nhỏ đến quyết định chọn ngành nghề, khối thi của các em là ý kiến của các bậc phụ huynh. Suy nghĩ của cha mẹ dĩ nhiên nặng về thực tế hơn.
Nhiều phụ huynh sẽ tư vấn cho con chọn ngành thi dựa vào mối quan hệ sẵn có (cứ lo thi cho đậu, ra trường có chú A, chú B lo việc tử tế); cứ thi vào trường X, trường Y (gần nhà cô Tư, cậu Năm, khỏi lo chuyện ăn ở); đừng thi vào trường nọ (vì thấy có đứa kia tốt nghiệp trường đó ra có làm nên cơm cháo gì đâu).
Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn áp đặt những định kiến của một người già từng trải qua thất bại (nên tự hào là nhiều kinh nghiệm) lên nhiệt huyết và tham vọng của tuổi trẻ.
Còn những người cân bằng giữa viển vông và thực tế, biết rõ thực lực và tiềm năng của các em cũng như nắm bắt được nhu cầu xã hội là những thầy cô giáo thì đang làm không xuể việc. Mục đích của giáo dục phổ thông là gì nếu không phải là định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em bên cạnh cung cấp những kiến thức văn hóa? T
hế nhưng, thực tế hiện nay vấn đề hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Cũng có giáo viên hướng nghiệp đấy nhưng phần lớn là giáo viên kiêm nhiệm nên chuyên môn cũng như sự nhiệt tình có phần hạn chế.
Thậm chí công tác hướng nghiệp cũng đổ dồn lên vai giáo viên chủ nhiệm với kiến thức được “trang bị” vỏn vẹn mấy tờ giấy photo từ giáo trình hướng nghiệp, được phát ngay trước giờ sinh hoạt. Còn nhiệm vụ của ban tuyển sinh nhà trường chỉ là hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Nhiều em đến lúc gần đăng ký dự thi rồi vẫn còn chưa xác định được khối thi và rất mơ hồ về ngành nghề.
Thiết nghĩ việc hướng nghiệp cũng như định hướng khối thi cho các em học sinh nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Ngay từ năm đầu cấp, các trường phổ thông nên dựa trên năng lực cũng như nguyện vọng của học sinh mà tư vấn cho các em khối thi thích hợp. Đừng để đến lớp 12 rồi mới tới tấp tư vấn, hướng nghiệp làm cho nhiều em lâm vào thế “bắc nước đuổi gà” (vốn tính tuổi trẻ đã sẵn hay do dự).
Cũng chẳng khó khăn hay tốn kém gì thêm mấy khi mời những nhân vật thật đến giao lưu với các em, giúp các em hình dung được những công việc cụ thể của từng ngành với khó khăn và thuận lợi thực tế, quá trình định hướng nghề nghiệp và phấn đấu của chính bản thân họ. Điều đó thật sự bổ ích biết bao.
Hãy giúp các em “biết người biết ta” trước khi quá muộn.

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Giáo viên THPT không dám dạy con học lớp 1

TT - Tuy là giáo viên THPT nhưng tôi cũng không dám dạy con trai đang học lớp 1 vì sợ sai phương pháp. Không riêng gì tôi, các đồng nghiệp khác cũng rất bối rối trước những bài tập của con. Giải pháp mà không ít người chọn là đành gửi con đến nhà cô giáo, nhờ cô kèm cặp thêm kẻo sợ con không hiểu bài lại tụt hậu. Mình dạy con người ta, nhờ người dạy con mình cũng là hợp lẽ.
Không thể chối cãi được rằng chương trình tiểu học hiện nay rất khác. Quá khó đối với trẻ, nan giải cho phụ huynh, nhất là chương trình lớp 1. Bài tập tiếng Việt lớp 1 cô ra về nhà “Hãy tìm ba từ có vần UYCH”. Ngoài từ “huỳnh huỵch” ra, con trai tôi cắn nát bút rồi cầu cứu mẹ. Sau một hồi vừa suy nghĩ vừa tra Google, tôi đành cầu cứu người bạn là giáo viên dạy văn một trường THPT nổi tiếng. Bạn tôi cũng bó tay.
Với bài toán lớp 1: tìm một số biết rằng lấy số đó trừ 26 rồi trừ 24 thì được kết quả bằng 20 cộng 1, tôi cảm thấy “choáng váng”. Đặt ra phép toán đã không dễ dàng gì, tìm cho ra đáp án lại càng nan giải. Không lẽ dạy cu con lớp 1 đặt phương trình bậc nhất? Sau khi gọi điện hỏi cô giáo của con xong, tôi càng hoảng hồn hơn khi cô hướng dẫn “chuyển vế đổi dấu” (nên nhớ đây là một bài toán thường chứ toán nâng cao còn “kinh khủng” hơn).
Đến đây tôi cảm thấy thật may mắn vì đã không cố chen chân cậy cục để gửi con vào trường điểm. Con bạn tôi học trường điểm thì tối tăm mặt mũi với bài tập. Bố mẹ nó cũng “chăm chỉ đèn sách” cùng con, lắm khi mất hòa khí vì bất đồng quan điểm. Rồi còn tăng cường tiếng Anh, kỹ năng này nọ. Tội nghiệp những đứa trẻ vừa qua tuổi mẫu giáo đã rơi tõm vào mớ kiến thức nặng nề và đầy bất cập. Không vùng vẫy ắt sẽ chìm!
Nhưng đâu phải ai cũng may mắn được như tôi và đồng nghiệp, chí ít cũng có chút kiến thức và thời gian để kèm cặp con học. Cô công nhân quét rác trước nhà tôi cũng phải cắn răng bỏ ra mấy trăm ngàn đồng mỗi tháng cho con đi học thêm, sợ đứa em đi theo vết xe đổ của thằng anh: học đến lớp 6 nhưng cộng trừ nhân chia còn chưa vững. Chị bán rau phía cuối hẻm cũng hăm hở “cho con đi học thêm chứ mình đâu đủ sức dạy con nữa”.
Thế là những lớp học thêm ra đời. Ngoại trừ vài trường hợp cá biệt (ngành nào chẳng có), còn lại giáo viên dạy thêm cũng là việc “chẳng đặng đừng”. Không dạy thì trò không nắm được bài, kết quả thấp ắt ảnh hưởng đến thi đua và phân loại giáo viên. Phụ huynh thì “yếu bóng vía” cứ năn nỉ nhờ kèm cặp, không lẽ từ chối mãi.
Lên mạng tìm bài tập toán cho con học thêm, với từ khóa “math for elementary school students” (toán dành cho học sinh tiểu học), tôi đã tải về những bài toán của Mỹ rất thú vị, rất sáng tạo. Và hơn tất cả là rất dễ so với những bài toán mà hằng đêm con tôi cắn bút.
Đáng khâm phục hơn là chương trình dù khó như thế nhưng có đến hơn 80% học sinh lớp con tôi là học sinh giỏi (ở trường điểm tỉ lệ này xấp xỉ 100%). Cũng không biết “những thiên tài nhỏ tuổi” đó biến đi đâu mà lên đến lớp 10 chúng tôi lại phải tiếp nhận nhiều em còn chưa rành tiếng Việt, cộng phân số thì hồn nhiên lấy tử cộng tử, mẫu cộng mẫu - u u mê mê như vừa qua một giấc ngủ dài lắm mộng mị.
Mỗi đứa trẻ có đến hơn mười năm ăn học, không thể hiểu nổi người ta làm gì mà “thiếu kiên nhẫn” đến độ nhồi cho trẻ lắm thứ kiến thức đến thế. Cứ cố hết sức mà thổi phồng cho thật to thì quả bóng ấy nếu không nổ tung lập tức cũng im lìm mà xì hơi xẹp lép.
MINH THƯ

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

THƠ VIẾT KHI NHỚ MÙA ĐÔNG

Phố vẫn buồn dù phố chẳng mùa đông
Vẫn hút gió những nẻo đường vô vọng
Ngàn chuyến xe ngược chiều vẫn chở nhọc nhằn nỗi nhớ
Vé lẻ chiều
đâu có cớ để quay về?


*


Đồng thảo vẫn dại khờ nở trắng bờ đê
Duy chỉ có nước đã màu xanh khác
Hờ hững chảy kệ bãi bờ thương nhớ
Có ai đâu gửi thuyền lá xuôi dòng


*


Cuộc đời trôi theo những đường vòng
Tâm - nỗi nhớ những tháng ngày ta thơ dại
Nước mắt trẻ vỡ òa không ngần ngại
Bàn tay lỡ bàn tay
Nông nổi đi tìm


*


Bán kính cuộc đời là thời gian đáy bể mò kim
Trái đất hẹp như sân ga ngày sốt vé
Mãi loay hoay giữa biển người chật chội
Chỉ thấy lạ khuỷu tay
Để lỡ mặt người


*


Bởi quả đất tròn nên tất yếu gặp lại nhau
Buồn một nỗi không phải ngày từng hò hẹn
Lẽ dĩ nhiên vị cà phê cũng khác
Bàn tay nắm bàn tay 
Nghe vọng nỗi chia lìa


*


Chuyện tình yêu khác với những hành trình
Bến duyên phận
đã vụt qua khi mình lơ đãng
Lỡ chuyến này thì thôi
Lên chuyến khác
Có ích gì?


*


Ta về lại xây đập ngăn nỗi nhớ

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Giáo viên chủ nhiệm: khổ hơn chăm con mọn

TT - Các vụ bạo lực học đường được phát tán rộng rãi và gần như trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối. Khi xem những đoạn phim hay bức ảnh đó, sự chú ý của mọi người sẽ dồn vào bộ đồng phục các em đang mang và bảng tên, phù hiệu được khâu trên áo. 

Dư luận xã hội đương nhiên sẽ đặt câu hỏi: các trường học đã giáo dục đạo đức cho học sinh thế nào mà để xảy ra nông nỗi này?
Tại trường học, những giáo viên chủ nhiệm “kém may mắn” cũng được hỏi câu tương tự: các thầy cô đã quản lý thế nào mà để học sinh làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường thế kia?
Ở nhà, bố mẹ các em cũng sẽ tuyệt vọng: tốn cơm cho ăn học nhưng chỉ học được những điều làm xấu mặt cha mẹ vậy hả?
Có thể nói không ngoa rằng gánh nặng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đang đè ngày một nặng trên vai giáo viên chủ nhiệm. Bộ môn giáo dục công dân cung cấp cho các em những kiến thức và chuẩn mực đạo đức. Còn việc hướng dẫn các em thực hành, biến những kiến thức chuẩn mực đó thành kỹ năng, phong cách sống lại thuộc về giáo viên chủ nhiệm. 
Nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò kết hợp của các giáo viên bộ môn. Nhưng việc giáo viên bộ môn có thể phối hợp chỉ là ghi tên những em học sinh vi phạm vào sổ đầu bài hay “méc lại” để giáo viên chủ nhiệm giải quyết.
Chúng tôi thường ví von với nhau rằng làm chủ nhiệm vất vả như nuôi con mọn. Hết giờ dạy, xách cặp về phòng hội đồng nghỉ 5 phút thể nào cũng có đồng nghiệp “kể tội” học sinh lớp chủ nhiệm. Giờ chào cờ, tên các lớp bị phê bình luôn được xướng lên kèm với sở hữu cách “của cô A (thầy B)”. 
Về đến nhà vẫn chưa yên bởi thỉnh thoảng sẽ có phụ huynh gọi điện hoặc hớt hải chạy đến “không biết con tui đi đâu giờ chưa thấy về”. Lúc nào cũng thấy có em tóc dài cần phải nhắc chiều đi học về nhớ cắt, có đứa ngồi học lơ đãng cần hỏi han. Nhìn thấy chỗ trống trong lớp là tưởng tượng coi giờ này trò không đi học thì đang ở đâu. Thấy tờ giấy xin phép kẹp trong sổ đầu bài cũng kiểm tra xem chữ ký có thật của phụ huynh không, rồi tìm số phụ huynh mà hỏi lại coi có thật vậy không.
Có thể làm giáo viên chủ nhiệm còn cực hơn nuôi con mọn nữa. Quản lý và giáo dục gần 50 học sinh đang trong độ tuổi “tâm lý ẩm ương” quả là một việc “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Con cái được gắn kết với cha mẹ bằng sợi dây tình cảm, phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế, nên cha mẹ có nhiều lợi thế, có nhiều thứ để phạt hoặc thưởng hơn. Giận quá, cha mẹ có thể phết vào mông con vài roi cho “nhớ đời, lần sau chừa nghe con”. Nhiều vũ khí lợi hại vậy mà nhiều bậc phụ huynh còn bó tay, phó thác cho những người “tay không lâm trận”: Trăm sự nhờ cô thầy, tui nói nó không thèm nghe. Nó hư, thầy cô cứ thoải mái đánh mắng.
Giáo viên chủ nhiệm quản lý học sinh theo kinh nghiệm (nếu có), trách nhiệm và tình thương là chính. Việc giáo dục đạo đức học sinh cực kỳ quan trọng nhưng nghiệp vụ chủ nhiệm lại được trang bị rất ít ỏi, hiếm khi được tập huấn thêm các kỹ năng (trong 12 năm đi dạy của tôi thì chưa bao giờ). Tài liệu về công tác chủ nhiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chế độ đãi ngộ thê thảm: 4 tiết/tuần (trong đó: 1 tiết sinh hoạt, 6 buổi 15 phút đầu giờ, 1 buổi lao động, hoàn thành sổ sách, cộng điểm, thu tất tật các loại tiền, cùng tham gia chào cờ và các dịp sinh hoạt khác...). Tiền điện thoại liên hệ phụ huynh (tháng nào ít cũng hơn trăm ngàn), tiền xăng xe đến thăm nhà học sinh không hề mảy may được xem xét đến. Nhưng trách nhiệm thì nặng nề, công việc vụn vặt nhiều vô kể, áp lực không nhỏ.
Đúng là chủ nhiệm chẳng khác nào có thêm đàn con mọn - không có thì trống trải vô vị, mà có thì chẳng lúc nào yên.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Sao không biết mặc áo quần?

TTO - Trong lịch sử phát triển, biết mặc áo quần là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự tiến hóa vượt bậc của loài người. Cùng với thời gian, trang phục đã trở nên thiết yếu. Và chức năng của chúng cũng dần dần thay đổi: không chỉ đơn thuần là che đậy và bảo vệ cơ thể mà còn giúp tôn thêm vẻ đẹp, đồng thời thể hiện tính cách, ý thức, địa vị cũng như đẳng cấp của người mặc nó.
Các cô gái khoe thân khi chat trên Paltalk - Ảnh: T.L.
Thế nhưng, quả là một điều ngạc nhiên đáng buồn khi hằng ngày, trên nhiều báo và tạp chí cũng như trên các trang web xuất hiện càng nhiều ảnh: của người nổi tiếng có, người sắp nổi tiếng có, đau lòng hơn là các em còn chưa qua hết tuổi dậy thì cũng có, trong trạng thái của loài người nhiều triệu năm về trước hoặc trong những bộ trang phục chỉ mang tính ước lệ (đôi khi còn cần phải chú thích).
Đặc tính của tuổi mới lớn là tò mò và thích khám phá. Nếu các em cứ phải ngẫu nhiên bắt gặp những bức ảnh trần trụi như vậy trên các ấn phẩm hằng ngày thì làm sao các em còn vô tư trong sáng được? Khi trí tò mò cộng với những dục vọng tuổi mới lớn bị kích thích thì hậu quả rất khó lường.
Có dẫn viện ra lý do nghệ thuật hay kêu gọi gì gì đi chăng nữa cũng không thể nào lấp liếm được tham vọng muốn đánh bóng tên tuổi của chủ nhân những bức ảnh kia. Nhờ Internet, những bức ảnh “hot” này được lan truyền cực kỳ nhanh chóng và rộng rãi. Bám vào đó, tên tuổi của những cô nàng táo bạo này cũng trở nên nổi tiếng có khi chỉ cần sau một đêm. Chính miếng mồi nổi tiếng quá ư dễ dàng đã dẫn dụ thêm ngày càng nhiều người sẵn sàng phô bày cơ thể mình không chút ngượng ngùng.
Họ đương nhiên bất chấp dư luận xã hội, phớt lờ cảm xúc của những người thân quen cũng như không mấy suy nghĩ về con đường tương lai còn đang rất dài phía trước. “Số lượng người biết tên mình liệu có quan trọng bằng việc cái tên mình gợi ra trong đầu người khác những suy nghĩ gì hay không?”. “Hôm nay thiên hạ “sốt” vì “ảnh nóng” của mình thì chắc chắn ngày mai, ngày kia sẽ “phát cuồng” vì những bộ ảnh khác. Danh tiếng phù du đó có xứng đáng để mình “hi sinh” như thế không?”. “Cuộc sống sẽ thế nào sau khi “tàn giấc mơ hoa”?”. Những câu hỏi như vậy có khi nào thoáng qua trong những cái đầu đang mụ mị vì danh tiếng kia không?
Những bông hoa đẹp nhất là khi đang còn hàm tiếu, nhụy hoa còn e ấp. Khi đã mở toang tất cả các cánh, thấy rõ nhụy và đài hoa bên trong thì cũng chính là lúc bông hoa không còn hấp dẫn nữa. Loài hoa quý phải hội tụ cả hương và sắc. Cũng như cô gái cần phải đẹp cả người lẫn nết. Quan niệm “cái nết đánh chết cái đẹp ” có lẽ đã quá cực đoan đối với xã hội hiện đại ngày nay. Thế nhưng, cho dù hiện đại và cởi mở đến thế nào đi nữa, cái đẹp cũng khó lòng mà đè bẹp được cái nết. 
Trong tiếng Việt, có một từ rất tinh tế khi nói về sự kết hợp khéo léo giữa cái đẹp và cái nết trong một cô gái, đó là từ “duyên”. Và tiêu chuẩn của cái duyên thì không thể quy ra rõ ràng rành mạch thành những số liệu các vòng đo cụ thể, càng không nên phơi bày lồ lộ ra cho bàn dân thiên hạ bàn tán.
Có lẽ cũng đã đến lúc các ấn phẩm văn hóa cũng như các website cần phải được dán nhãn phân loại kiểu như loại phổ thông và loại 18+.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Mùa lụt quê mình

(QT) - Mấy hôm liền, mưa to như trút nước. Không biết nước ở đâu cứ ập xuống. Từng đợt từng đợt. Nước cứ tuôn sầm sập sầm sập xuống mặt đất. Không ngưng nghỉ. Không khéo vỡ đê rồi cũng nên. Là mình nghĩ thế.

Sáng nay mở mắt dậy vẫn nghe mưa rơi ầm ầm, bụng bảo dạ vậy là không xong rồi. Lụt thiệt rồi. Mình chui ra khỏi màn, vớ chiếc xe đạp, trùm áo mưa vô đi mua đồ ăn sáng cho con như lệ thường. Những con phố ngập nửa bánh xe là nước ứ. Mấy bà đi chợ sớm lùm xùm áo mưa hét choang choảng hỏi nhau xem đi đò lên à, chỗ chị nước vô chừng mô rồi.

Ngay chân mấy bà đang đọ tiếng với mưa là những mớ cá. Cá lúi, cá lanh cánh, cá ngũ sắc, con nào con nấy mắt còn long lanh, oằn mình giãy đành đạch trong rổ. Loài cá của mùa lụt, cá cất rớ đầu bờ. Nhìn vậy, mình cảm nhận được mùa lụt đã chính thức bắt đầu.

Mùa lụt đến là những ngôi làng biến thành sông, thành rào, thành phá. Những ngôi nhà bình thường đã rất khiêm nhường giờ trở nên xiêu vẹo hơn trong dòng nước lũ. Những cây cột cây kèo, viên bờ lô, bức tường gạch, những bậc thềm ngạch cửa, chuồng gà chuồng heo ngâm mình trong nước lụt bợt bạt đến nao lòng.

Quê mình xơ xác đến độ nước lũ trông cũng nghèo. Không có màu đỏ của phù sa mà chỉ là màu đục đục, lờ đờ như nước luộc hến. Dập dềnh uể oải trôi cùng dòng nước đó là rác rưởi, là xác con vật bị chết, là cây đầu nguồn bị rựt đến tận gốc, đã trôi về tận hạ nguồn rồi mà lá vẫn còn rung rinh.

Nước lên, mọi đồ đạc, của cải đều được đưa lên càng cao càng tốt. Mới lúc sáng là kê lên giường, trưa đến là kê tấm ván lên thành giường, chặp nữa leo lên tra. Nếu nước vẫn còn lên thể nào cũng phải đóng bè chuối đẩy người già với trẻ con lên trường học tị nạn.

Người lớn tiếc của vẫn kiên gan bám trụ lại nhà để chờ nước lên mà kê cái thùng, cái tủ, bưng con heo, bầy gà lên cao hơn. Nhiều người vì thế mà ra đi trong dòng nước lũ. Vẫn biết còn người còn của nhưng những người nông dân lam lũ một đời không thể nào đành lòng đứt đoạn nhìn của cải của mình bỗng chốc trở thành của Hà bá được.

Mỗi trận lụt qua đi để lại sau lưng những làng xóm tiêu điều, xơ xác. Đường sá nhà cửa ngập ngụa bùn non. Lúa trong chồ mọc mộng. Rau ngoài vườn lầy lụa. Khoai ngoài đồng thối rễ. Những đồng ruộng đang xanh mơn mởn bật gốc từng đám. Rồi bắt đầu rầy nâu, sâu hại, rồi dịch bệnh, tiêu chảy, mắt đỏ.

Rồi khi nước rút, những cái sân be bé còn lởm khởm bùn non bắt đầu được chia ra nhiều đám. Đám này phơi lúa phơi khoai. Đám kia kê cái nong hong áo quần ẩm ướt. Cái bậc thềm sạch sẽ cao ráo thì phơi giấy má sách vở. Học trò bắt đầu đi học với sách vở ướt tèm lem, nhoè nhoẹt chữ.

Mình nhớ năm ngoái chủ nhiệm lớp 12, lúc làm hồ sơ chuẩn bị cho các em thi tốt nghiệp, nhiều em cứ luống ca luống cuống vì giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh thư bị hư hoặc bị trôi, chưa làm lại được. Lúc đóng tiếp tiền học phí học kỳ 2 hoặc số tiền còn thiếu học kỳ 1, nhiều em gãi đầu, gãi tai nói mạ em nói cô xin nhà trường đỡ cho vài hôm, nhà chưa có chi bán được hết.

Giá cả ở chợ bắt đầu đắt gấp rưỡi, gấp đôi. Mớ rau, con cá đều nặng trìu trĩu. Người mua kêu trời sao đắt đỏ vậy. Người bán cũng sượng sùng, tuy không nói ra nhưng trong bụng cũng không vui.

Mình đi làm, thấy những chiếc xe phủ bạt kín mít, bên ngoài đeo băng rôn đỏ choi chói “xe cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt” hăng hái lao đi vun vút. Ừ, mấy anh lái xe nhanh nhanh lên. Đang còn nhiều người thèm miếng cơm nóng hay bát mì tôm ngun ngút khói.

Nhìn đoàn xe đi qua, mình mới hiểu vì sao quê mình nghèo vậy mà ai cũng bám lấy, có đi ở mô xa sung sướng thì lòng cũng đau đáu nhớ quê. Vì quê mình là cái rốn. Rốn lũ, rốn hạn, rốn nghĩa tình thân thương. Cái rốn nhắc người ta nhớ tới cái thời nằm trong bụng mẹ. Mà mẹ thì chắc chắn là quê hương rồi.

Quê mình lụt rồi. Nước lụt tận ngoài sông, ngoài đồng mà sao môi mình nghe mằn mặn.

                                                    LÊ THUÝ HẰNG 

http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=99&modid=488&ItemID=33392 

Cụ bà bán trầu cau phố cổ

Hà Nội. Cái rét cắt da cắt thịt đất Bắc thật da diết. Cồng kềnh áo mũ găng tay, tôi đi dạo Hà Nội 36 phố phường.
Những con phố cổ sầm uất và chật chội. Này Hàng Bạc, Hàng Chiếu, Hàng Thiếc, Hàng Đào... Hàng hóa độc đáo và quyến rũ. Người mua bán thăm thú tấp nập, đông đúc.
Trong cái nhộn nhịp sầm uất đó, tôi bắt gặp quầy trầu cau của một cụ bà trên phố Hàng Mã. Gọi là “quầy” cho sang, chứ thật ra cụ ngồi nép bên một gốc cây cổ thụ, cái ghế nhỏ và mẹt bày hàng nằm lọt xuống lòng đường. 
 
Ảnh: L.T.Hằng
“Bảng hiệu” của cụ là một nhành cau tươi gắn trên thân cây. Hai cái mẹt trước mặt cụ bày biện đơn sơ mấy quả cau, vài lá trầu, ống vôi và con dao têm trầu. Một cây chổi tre để sau lưng cụ. Tôi chợt nhận ra chỗ cụ ngồi rất gọn gàng, sạch sẽ.
Thỉnh thoảng có vài người sau khi mua đồ mã trong phố ra ghé chỗ cụ mua vài quả cau, mấy lá trầu. Khi không có khách, cụ ngồi trầm ngâm mân mê mấy thứ hàng hóa trên mẹt. Dáng ngồi trầm mặc của cụ, mấy món hàng đơn sơ của cụ dường như lạc lõng giữa con phố đầy màu sắc và tấp nập này.
Chạnh lòng, tôi nghĩ đến bà tôi ở quê cũng trạc tuổi cụ. Nếu không vì mưu sinh thì chắc cụ cũng chẳng tội tình gì phải ngồi đó trong cái rét đậm rét hại như thế này. Tôi lại nơm nớp lo khi nhìn phố đông đúc, xe cộ cứ như chực lao vào cụ. Mẹt hàng của cụ cả vốn lẫn lời có được bao nhiêu...
Cụ già với mẹt trầu cau trên phố cổ đọng vào lòng tôi như một dấu lặng của Hà Nội phồn hoa đô hội.
L.T.HẰNG

Chồng ơi, vợ muốn...

TT - Sắp đến ngày 8-3, chồng cứ tủm tỉm tị nạnh: “Vợ sướng nhé, mỗi năm có đến hai lần nhận quà... giới tính, không như đàn ông tội nghiệp chẳng có được ngày nào”. “Chồng ơi, điều mà vợ thường ao ước nhất (nhưng không thể nào thực hiện được) đó là vợ không phải nhận hai lần quà đó nữa, vợ muốn được... tội nghiệp như chồng thôi.”
Vợ thèm được sáng sớm trở mình dậy, vớ ngay cái điều khiển tivi để xem bản tin thể thao buổi sáng, sau đó uể oải loẹt xoẹt đi vào phòng tắm, vừa tắm vừa huýt sáo “một ngày mới nắng lên”. Tắm xong sẽ thong thả vận áo quần chỉnh tề, đi ngang qua gian bếp náo nhiệt với một bà mẹ tất bật và hai đứa nhóc cự nự nhau, nở một nụ cười tươi tắn nhất và “chào các con yêu của ba”. Rồi dắt xe ra đường, alô đứa bạn hẹn cà phê nhé, bận à, thế thì chiều, chỗ cũ nhé.
Vợ ước ao cứ tháng đến nhận lương, thảy cho “tay hòm chìa khóa” một khoản nhất định, chuyện giá cả thị trường còn lại đáng để tâm chỉ là ly cà phê nay tăng thêm mấy ngàn, dạo này với chừng ấy tiền làm gì có mồi ngon mà nhậu... Thỉnh thoảng còn được dịp thể hiện sự ngây thơ của mình bằng cách ngạc nhiên: “Ủa, sữa tươi làm gì mà gần 5.000 đồng một hộp”, “Rau vàng hay sao mà tận 10.000 đồng một nhúm tí tẹo thế kia”.
Vợ muốn thử một ngày cái cảm giác đi làm về hỏi “có cơm chưa, chưa à”, vậy thì chạy sang hàng xóm gõ ván cờ hoặc vớ ngay tờ báo trên bàn đọc ngấu nghiến. Một lúc, cơm đã được soạn sẵn trên bàn sẽ nhắc cái người đang lúi húi dọn nồi niêu kia nhớ tắm cho con trước khi ăn, hoặc tí rửa bát xong nhớ lau nhà chứ bụi đầy rồi kìa.
Giá mà vợ có thể vứt áo một góc, quần một nẻo, tất một xó rồi thỉnh thoảng lại cáu nhặng lên: “Sao không còn đôi tất nào sạch hết thế này, cái quần đùi nó mọc cánh bay đi đâu mất rồi”. Ước gì vợ có thể chúi mũi vào máy tính, đôi lúc vì lũ trẻ léo nhéo làm mất tập trung mà quay sang quát tháo: “Làm mẹ kiểu gì không lo quản con, định để chúng làm loạn lên à”.
Vợ cứ ao ước những điều viển vông như thế không phải để kể lể với chồng mà muốn chồng cùng cảm thông, sẻ chia với vợ. Vợ cũng đi làm, cũng chịu áp lực công việc nặng nề đâu kém chồng. Chồng mà không cùng chung tay với vợ trong những công chuyện mà lâu nay chồng cho là “tủn mủn, vụn vặt” kia thì chẳng mấy chốc vợ cũng trở thành “con gì ăn lắm, nói nhiều, mau già, lâu chết”.
Vợ chỉ muốn nói với chồng thế thôi, chồng ạ!
QUẾ CHI

Khi chồng khư khư giữ tiền

TT - Tài sản gia đình xưa nay được thừa nhận của chồng công vợ. Người được mặc định nhiệm vụ nắm “tay hòm chìa khóa” là vợ, chồng còn tếu táo đùa: vợ là ngân hàng gửi vào thì dễ nhưng rút ra lại khó. Nhưng có những ông chồng cứ khư khư giữ lấy tiền của mình.
Ban đầu ai cũng thoải mái với chuyện tiền ai nấy xài, nhưng dần dần... - Minh họa: LAP
Người vợ lại cho rằng chia sẻ tiền nong là chuyện đương nhiên, làm chồng phải biết.
Tiền ai nấy xài
Có những ông chồng ham bia bọt bù khú nên bao nhiêu tiền cũng không đủ “chảy” theo các bữa nhậu. Có ông chồng lại cho rằng khoản chi tiêu trong gia đình chẳng đáng là bao, thu nhập của đàn ông là để tiêu vào những việc lớn lao, trọng đại. Cũng có ông chồng cho rằng khi đưa tiền cho vợ quản lý thì tự dưng mình trở thành đối tượng quản lý của vợ, mất đi “bản lĩnh đàn ông”. Hoặc nhiều ông chồng không am hiểu giá cả thị trường, chẳng biết những chi phí sinh hoạt trong gia đình nên rất khó chịu khi thấy vợ hỏi tiền.
Chị Phương (Đông Hà, Quảng Trị) tâm sự: “Từ khi cưới nhau về đến giờ tôi chưa bao giờ được cầm tiền của chồng. Mọi sinh hoạt phí trong gia đình, quan hệ họ hàng nội ngoại mình tôi cáng đáng hết. Tiền của anh, anh bảo để tích cóp. Khi chỉ là hai vợ chồng son thì mình tôi xoay xở được, nhưng giờ thêm em bé, phát sinh thêm nhiều khoản chi khác nữa thì thật đau đầu. Tôi không muốn vợ chồng sinh sự nhau vì chuyện tiền nong, nhưng cái kiểu phớt lờ của anh ấy thật sự làm tôi mệt mỏi”.
Chị Quyên (nhân viên một công ty cổ phần đầu tư xây dựng) và chồng hiện ở nhờ nhà bố mẹ chị. Thoạt đầu chồng chị cũng tính góp tiền ăn hằng tháng nhưng bố mẹ vợ gạt đi, bảo dành dụm mua nhà. Thu nhập của chị Quyên khá cao nên chị cũng không quan tâm mấy việc chồng có đưa lương hay không. Nhưng đến giờ thằng bé con anh chị đã được 5 tuổi, vợ chồng chị vẫn ở nhờ nhà bố mẹ và chồng mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền chị cũng không biết được. Chị ấm ức: “Chồng tôi cứ khư khư giữ tiền như sợ sểnh ra là vợ cướp mất. Tôi có hỏi xem anh để dành được bao nhiêu rồi thì anh cáu bẳn trách tôi tọc mạch. Thú thật tôi rất hoang mang, không khỏi nghi ngờ anh có điều gì giấu giếm”.
Anh Tấn, chồng chị Phương, bộc bạch: “Lương tôi chẳng bao nhiêu, lại đang trả nợ đầu tư mấy vụ làm ăn. Vả lại, đưa tiền cho vợ đến khi có việc cần “xin” lại thì vợ lại tiếc của cằn nhằn, lên lớp”. Anh nói: “Đàn bà mà, đưa tiền về thì không sao nhưng lấy tiền thì khó chịu ra mặt. Nghe mấy bà ở cơ quan than vãn chuyện này suốt nên tôi ớn lắm rồi”.
Còn anh Dũng, chồng chị Quyên, lại bảo vợ mình nghiện mua sắm, càng đưa nhiều tiền chị càng mua sắm nhiều hơn. “Tôi không đưa tiền thì cô ấy sẽ hạn chế mua sắm lại mà lo cho cuộc sống gia đình. Riêng thu nhập của tôi sẽ để dành, khi cần việc gì lớn sẽ dùng”.
Ban đầu chị Quyên cũng như chị Phương đều thấy thoải mái với suy nghĩ tiền ai nấy tiêu, khỏi phải lệ thuộc chồng và gia đình chồng, đến khi phát sinh mâu thuẫn thì ngại va chạm nên cố chịu đựng cho êm ấm. Nhưng rõ ràng “bằng mặt mà không bằng lòng”, người vợ sẽ dằn vặt không hiểu mình thế nào mà chồng mất niềm tin đến độ không đưa tiền, chồng lập “quỹ đen” để làm gì... Những nghi kỵ nhỏ nhặt ngày càng lớn hơn như bóng đen bao phủ lấy cuộc sống gia đình.
Để tình không... bạc như tiền
Các diễn đàn trên mạng như yeucon.net, diendan.eva.vn, webtretho.com, lamchame.com... có rất nhiều chủ đề được mở ra để chị em nhờ tư vấn cách đối phó với những ông chồng “quên” nghĩa vụ.
Nhiều ý kiến cho rằng vợ chồng ngay từ đầu phải thảo luận rõ ràng với nhau về vấn đề tiền nong, trong đó cả hai đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với gia đình. Ngoài khoản tiền chung của gia đình thì mỗi người cũng có thể giữ riêng cho mình một khoản để chi tiêu cá nhân.
Thành viên Chickencoi đã chia sẻ trên diễn đàn webtretho: Cách tốt nhất là hai vợ chồng nên tâm sự với nhau, nêu lên các vấn đề để cùng giải quyết, chi tiêu sao cho hợp lý. Trường hợp chồng vẫn không chịu để ý và hay tảng lờ thì cố gắng “lôi kéo” chồng cùng tham gia đi chợ, mua sắm vài lần nhằm giúp chồng hiểu được nhu cầu chi tiêu hằng ngày cũng như giá cả thị trường.
Cô bạn thân của chị Quyên khi nghe bạn tâm sự nỗi ấm ức, bèn khuyên bạn mình nên phân chia các khoản chi tiêu trong gia đình thành những khoản cụ thể, thu nhập hai vợ chồng cứ thế cưa đôi hoặc chia theo tỉ lệ nào đó. Những khoản phát sinh thì cả hai vợ chồng cùng bàn bạc quyết định. Bạn chị Quyên còn chỉ chị cách lập sổ chi tiêu công khai trong gia đình để chồng biết được nhu cầu tài chính mà chia sẻ cùng vợ.
Một chuyên gia tâm lý tư vấn: người vợ hãy tạo hình ảnh là một người biết tiết kiệm, biết chi tiêu để lấy lòng tin nơi chồng. Hãy chia sẻ cùng chồng những dự định trong tương lai để hai vợ chồng cùng tiết kiệm và phấn đấu. Người vợ cũng không nên quản lý tiền nong của chồng chặt chẽ quá. Lạt mềm bao giờ cũng buộc chặt.
MINH THƯ