Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Không nghiêm khắc là tiếp tay cho hành động phản cảm

Thứ Ba, 23/08/2011, 11:18 (GMT+7)
TTO - Luyện thanh mười mấy năm ở nhạc viện hay đạt giải các cuộc thi tài năng chắc chắn không làm cho người ta nổi tiếng bằng việc cố ý ăn mặc hớ hênh trên sân khấu, để lộ hình nóng nơi này chốn kia, rồi sau đó to mồm thanh minh biện hộ mà nhiều "sao" đang áp dụng như hiện nay.
Hai bức ảnh trong bộ ảnh bán nude với những tư thế "gây sốc" của người mẫu Nguyễn Thanh Hằng và Sơn Tùng - Ảnh: từ Internet, TTO đã xóa mờ ảnh và từng sử dụng cho diễn đàn Sao "khoe thân": nghệ thuật hay gợi dục? (tháng 6-2011) cho thấy, vấn đề này đã được nhiều lần gióng lên hồi chuông báo động.
Những trang phục dị hợm lẫn những hình ảnh hở hang ấy không nói lên điều gì khác ngoài sự bế tắc trong sáng tạo và tham vọng thể hiện bản thân bằng mọi giá.
Trong lúc showbiz Việt đang “sôi động” với các vụ tai tiếng liên quan đến vấn đề ăn mặc của người biểu diễn thì Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) vẫn đang còn chuẩn bị dự thảo. Sốt ruột không?! 
Sốt ruột khi trong phần trả lời báo chí, các cơ quan hữu quan chưa có được sự thống nhất trong việc quản lý quả bóng trách nhiệm. Ví dụ như trong phần trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, ngày 22-8, ông Vương Duy Biên (cục trưởng Cục NTBD) cho rằng: Vừa rồi truyền hình, báo chí đưa tin dồn dập thảm họa nọ, thảm họa kia. Nhưng đó đâu phải là chương trình của Cục NTBD hay Bộ VH-TT&DL, những hình ảnh, clip đó phát tán trên mạng, mà mạng là do Bộ Thông tin - truyền thông quản lý. Vậy Bộ Thông tin - truyền thông ở đâu trong những trường hợp này.
Sốt ruột không?!
Theo như lãnh đạo của cục NTBD thì việc người ta cứ chụp ảnh, quay clip rồi phát tán lên mạng là quyền của người ta, “làm gì được họ”.
Tại sao không “làm gì được họ”?
Xem Indonesia đã làm gì với các ngôi sao để các hình ảnh riêng tư nhạy cảm bị phát tán trên mạng? Cứ thử xử cho ra xử, phạt cho ra phạt một vài trường hợp “làm gương” xem thử những “sao” và “người sắp sửa thành sao” khác có dám vi phạm không nào?
Trách nhiệm của những tờ báo giải trí suốt ngày rình rập để chụp ảnh và đưa tin về “ca sỹ X. lộ hàng”, “diễn viên Y. hớ hênh”, “người đẹp Z. gợi cảm”… hoàn toàn không nhỏ. Chính những bài báo câu khách kiểu này đã kích thích ghê gớm sự “táo bạo” của người biểu diễn. Chẳng lẽ những tờ báo này không có ai quản lý? Và cũng không “làm gì được họ”?
Thu nhập của ca sỹ ai cũng biết, thuộc vào hàng cao. Khoản tiền phạt có khi chỉ là một khoản phí rất nhỏ để được nổi tiếng. Chuyện nhỏ, dại gì không đầu tư để được lãi lớn.
Thế nên, nếu bên cạnh khoản tiền phạt đó còn kèm theo lệnh cấm biểu diễn một thời gian tùy theo mức độ vi phạm thì chắc hẳn kẻ táo bạo nhất cũng phải cân nhắc soi gương trước khi lên sân khấu. Không thể cứ kêu gọi ý thức của người tham gia biểu diễn suông mà có kết quả được khi tiền tài và danh vọng luôn là thứ dễ làm con người ta lóa mắt ù tai hơn bất cứ thứ gì trên đời.
Tại sao người ta lại dám ăn mặc “quá hồn nhiên” như vậy khi biểu diễn? Các ca sỹ, người mẫu không thể chui từ dưới đất hay nhảy từ trên trời xuống thẳng trên sân khấu. Đương nhiên là có sự dung túng của các đơn vị tổ chức biểu diễn. Những đơn vị này hoặc hám lợi hoặc khiếp nhược không dám làm các “sao” phật ý mà cứ để cho hiện tượng này xảy ra liên tục.
Phải làm tăng tinh thần trách nhiệm của các đơn vị tổ chức biểu diễn bằng những “ án phạt” thích đáng nếu để xảy ra sự việc. Án phạt này rõ ràng cũng không chỉ quy theo tiền mà còn những hình thức khác.
Cũng như trong bóng đá, nếu vi phạm thì phạt tiền như thế nào, treo giò bao nhiêu trận, nặng hơn là treo giò 1-2 năm, thậm chí vĩnh viễn... NTBD cũng phải như thế, câu trả lời của ông Biên cho công chúng hy vọng rằng cơ quan quản lý sẽ sớm có những quy định rõ ràng, để xử đúng người, đúng tội. Và những vụ việc vừa qua chính là những "ca xử" tạo nên tiền lệ, chính là những ví dụ rõ ràng để đưa vào luật sau này.
Nếu nghiêm khắc xử lý, ắt sẽ hạn chế được những hành động phản cảm. Như muốn hết nóng, thì chỉ còn cách dội nước thật lạnh vào.
LÊ THÚY HẰNG

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Canh rau muống nấu chắt chắt

Ngày cập nhật: 14/08/2011 11:46:07 SA


(QT) - Đối với người Quảng trị xa quê, có lẽ nỗi hoài hương “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” sẽ càng đau đáu hơn, bởi bát canh rau muống xứ gió Lào cát trắng này dường như đậm đà, thanh mát hơn: canh rau muống nấu với chắt chắt.

Chắt chắt thuộc họ trìa, hến nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều. Con chắt chắt nguyên vỏ to nhất cũng chỉ bằng ruột con hến. Cũng như hến, chắt chắt sống lẫn giữa đáy cát, muốn bắt được người ta phải ngụp lặn dưới sông để cào lên. Ở xứ mùa hè trời đất hanh nóng như thế này thì không có thức gì vừa giải nhiệt, vừa rẻ hơn những món ăn khác như rau muống nấu chắt chắt …

Muốn ăn canh chắt chắt phải mua trước một buổi, ăn buổi trưa phải mua từ sáng sớm, ăn bữa tối phải mua từ trưa để ngâm với nước vo gạo cho chắt chắt nhả hết chất bẩn trong ruột ra. Chắt chắt phải được chà nhiều lần dưới vòi nước chảy để sạch cát cũng như rong rêu bám trên vỏ.

Canh rau muống chắt chắt sẽ ngon hơn nếu ăn kèm với cà pháo.

Khi nồi chắt chắt trên bếp bắt đầu lục bục sôi, người nội trợ mới cho thêm vào ít muối và dùng đũa khuấy đều cho chắt chắt mở miệng ra hết. Nước chắt chắt lúc này có màu trắng đục, nếm thử sẽ thấy vị ngọt lừ mà không có thứ hạt nêm, bột ngọt nào có thể sánh bằng.

Sau khi lọc lấy nước, chắt chắt sẽ được mang đi “trơi” (đãi) lấy “mặt” (ruột). Đó là những khi rảnh rỗi, còn lúc bận rộn mà muốn ăn canh chắt chắt rau muống thì đã có mấy gánh chắt chắt làm sẵn của các mệ, các o ở chợ.

Hạt ném, ruốc và gừng tươi là những thứ gia vị không thể thiếu được khi nấu canh rau muống chắt chắt. Bắc nồi lên bếp, đổ dầu ăn (hoặc tóp mỡ thì càng tuyệt), phi hạt ném giã dập cho thơm rồi đổ chắt chắt vào, nêm thêm chút ruốc, hạt nêm và nước mắm cho thật thấm rồi mới chêm nước luộc chắt chắt vào nồi.

Khi nước sôi sùng sục, người nội trợ có thể nêm ít gừng tươi giã nhỏ trước khi cho rau muống vào để khử mùi tanh của bùn đất và cho canh có vị thơm. Để nồi canh được ngon thì phải chú ý canh lửa để rau muống vừa xanh lại vừa giòn.

Cảm giác mát lành khi ăn bát canh rau muống chắt chắt giữa những ngày hè nóng nực sẽ là một kỷ niệm khó quên. Vị ngọt đặc biệt của chắt chắt hòa quyện với vị bùi bùi của ruốc, vị cay nồng của gừng, ớt tươi, vị đậm đà của rau muống sẽ thỏa mãn các vị giác của bất cứ ai một lần được thưởng thức. Món canh sẽ càng thêm ngon nếu được ăn kèm với cà pháo.

Canh rau muống chắt chắt gắn liền với tuổi thơ của nhiều người bởi một lẽ giản đơn, đó là món ăn ngon mà lại rẻ nhất. Dường như vị ngọt của canh rau muống chắt chắt đã làm vơi bớt phần nào những đắng cay, vất vả trong kí ức tuổi thơ của bao người. Nên người Quảng Trị xa quê cứ thèm hoài bát canh quê mùa này, cùng là thương một thuở mình khốn khó.

                                         Bài, ảnh: THÚY HẰNG