Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Chơi chữ


TT - Hằng năm cứ vào cuối thu, như lời bác Thanh Tịnh viết trong Tôi đi học, khi học sinh bắt đầu tựu trường cũng là lúc nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng với số tiền trường phải nộp. Ngày hồi hộp nhất là ngày họp phụ huynh học sinh đầu năm học.
Bởi ngày đó phụ huynh sẽ biết chính xác số tiền phải nộp cho con là bao nhiêu. Tiền nộp cho nhà trường để con mình được đi học - một khoản tiền (trên lý thuyết) - là quá chính đáng và minh bạch. Thế nhưng không hiểu tự bao giờ nó lại trở thành một khoản thu bí ẩn.
Cầm cái danh sách dài dằng dặc các khoản tiền nộp cho con, từ tiền ghế ngồi, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền khuyến học, tiền nước uống... còn có thêm khoản gọi là “xã hội hóa”. Có khoản “xã hội hóa” của trường thu riêng và “xã hội hóa” của lớp thu riêng nữa.
Trước đây, các trường có thu một khoản gọi là tiền “xây dựng trường” dùng để cải tạo cơ sở vật chất. Những năm gần đây, sở không cho thu tiền xây dựng nữa thì các trường chuyển qua thu tiền “xã hội hóa”. Mà khái niệm “xã hội hóa” thì rộng hơn “xây dựng” nhiều nên đương nhiên số tiền thu phải lớn hơn.
Năm học này, Bộ GD-ĐT lại ra quy định về tài trợ. Chuyển sang tài trợ chưa chắc đã hạn chế được lạm thu mà còn nảy sinh nhiều điểm bất cập khác. Trước hết, sẽ mất cân bằng về cơ sở vật chất giữa trường được tài trợ nhiều và trường ít có nguồn tài trợ. Sẽ thiếu bình đẳng không chỉ cho học sinh mà cả giáo viên. Không ai dám hi vọng sẽ nhận được nhiều khoản tài trợ mà không gắn với điều kiện nào.
Chính vì thế, nhiều người kháo nhau rằng với khoản gọi là “tài trợ”, chúng ta đang chuyển dần từ “xã hội hóa” sang “thương mại hóa” các trường học. Còn nếu thật sự khi có tài trợ không gắn với bất cứ điều kiện nào thì cơ sở vật chất của các trường có được cải thiện hơn so với thu tiền trực tiếp từ phụ huynh (vốn có gắn với điều kiện cụ thể)?
Có vẻ lại thêm một cách xử lý vấn đề từ ngọn được đưa ra. Cấm lạm thu mà không giải quyết nguyên nhân hay đưa ra những chế tài cụ thể thì đâu cũng lại vào đấy. Ví như khi xây dãy trường học cao tầng lại không thiết kế đường ống nước vào nhà vệ sinh. Cửa sổ và cửa kính lại được làm bằng kính mỏng và trong suốt, chỉ cần gió đập mạnh là vỡ và vào những ngày nắng thì ngồi trong lớp cũng chói chang chẳng khác gì ngoài trời.
Trong hoàn cảnh ấy, các trường phải lắp đường ống nước, thay cửa kính, lắp rèm cửa... Tiền ấy lấy ở đâu ra nếu không bắt phụ huynh “tự nguyện” đóng góp? Truyền thống “hiếu học - tôn sư trọng đạo” của người Việt cần được xem là thế mạnh để phát huy chứ không phải là điểm yếu để tận dụng thu nhiều hơn.
MINH THƯ

Thí điểm tự nguyện hay áp đặt?


Thứ Bảy, 01/09/2012, 04:22 (GMT+7)
TT - Tuy chưa đến ngày khai giảng nhưng phần lớn các trường đã bắt đầu học được một hoặc hai tuần. Con trai tôi năm nay vào lớp 3, cuối năm ngoái đi họp phụ huynh chỉ nghe thầy hiệu trưởng nhắc về mẫu đồng phục cho năm học mới, không nghe nói gì khác. Đến giữa tháng 8, chúng tôi đã cẩn thận chuẩn bị sách vở cho cháu. Không riêng gì tôi, hầu hết phụ huynh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng trước khi con đến lớp học buổi đầu tiên của năm học mới.
Thế rồi đùng một cái, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường thông báo bộ sách mà phụ huynh vừa mua sẽ không sử dụng được vì năm nay trường được thí điểm chương trình mới. Hỏi han cặn kẽ tôi mới biết đây là chương trình thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) do Bộ GD-ĐT triển khai tại 1.447 trường tiểu học trên toàn quốc trên tinh thần tự nguyện. Trước mắt thực hiện ở lớp 2, lớp 3. Theo lộ trình đến năm học 2014-2015 sẽ thực hiện tất cả các lớp ở bậc tiểu học.
Tất cả phụ huynh chúng tôi nửa mừng nửa lo. Song trước mắt thấy tiếc cho bộ sách hơn 300.000 đồng giờ không còn giá trị sử dụng. Nghe nói dự án sẽ cấp miễn phí cho mỗi em một bộ sách mới, đầu tư thêm trang thiết bị vật chất cho nhà trường và hình như còn “bù đắp” cho các em bằng bánh sữa giữa buổi học nữa. Nhưng thử lấy 300.000 x 35 học sinh/lớp x 3 lớp/trường x 1.447 trường được thí điểm mới thấy số tiền mà phụ huynh đã bỏ ra để mua bộ sách (giờ không còn giá trị sử dụng nữa) là một con số khổng lồ. Đây là một đề án lớn, có ngân sách cực kỳ lớn, đâu có tốn kém gì mà không thông báo trước một dòng (khi kết thúc năm học cũ) rằng năm tới trường nọ trường kia sẽ tiến hành thí điểm sách mới, vậy phụ huynh đừng mua bộ sách giáo khoa hiện thời.
Hơn thế nữa, phụ huynh chúng tôi cũng cần được chuẩn bị tinh thần, không thể cứ đùng một cái đưa con em chúng tôi vào “thí điểm”. Chủ trương thí điểm chương trình này là tự nguyện, nhưng phụ huynh lại chẳng được quyền có ý kiến có đồng ý “thí điểm” con mình hay không. Chỉ đến khi học sinh đi học rồi mới thông báo áp đặt thí điểm. Cách làm này chẳng khác gì đưa cả phụ huynh lẫn học sinh vào thế chuyện đã rồi.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Chuyện biết rồi, khổ lắm nhưng phải nói mãi


Thứ Bảy, 04/08/2012, 03:29 (GMT+7)
Giáo dục dưới mắt mọi người
TT - Cũng không cần đến thông tin từ nhóm nghiên cứu của Quỹ hòa bình và phát triển VN mà chúng ta mới biết rằng giáo viên đang... bất ổn. Ai cũng biết, nói cũng nhiều, hứa hẹn không ít và rồi mọi chuyện lại yên ắng, tĩnh lặng như những vòng sóng trên mặt nước.
Không phải cứ xây thêm nhiều trường cao tầng, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, tăng thêm số người đi học, hoàn thành thêm nhiều thứ phổ cập... là đã làm cho nền giáo dục lớn mạnh hơn. Giáo dục, cũng như bất cứ thứ gì khác trên đời này, cần không chỉ lượng mà cả chất, không chỉ bề thế bề ngoài mà còn phải vững chắc bên trong.
Xin trích lời của GS Hoàng Tụy: “Không thể có nền giáo dục tốt nếu thiếu giáo viên tốt”. Đương nhiên là không thể có giáo viên tốt nếu như đầu vào của các trường sư phạm “thảm hại” như hiện nay. Thành thật mà nói, chỉ có ở những nơi đời sống còn thấp thì phụ huynh và học sinh mới lấy “ổn định” làm tiêu chí khi định hướng và lựa chọn ngành sư phạm. Còn ở những nơi kinh tế phát triển thì không mấy ai lại (dại dột) đi chọn cái nghề không mấy triển vọng này (nếu như còn có cơ hội khác). Khi đọc các tấm gương hiếu học vượt khó vươn lên trên các báo, đoạn cuối thường có nhắc đến ngành nghề tương lai mà các em đã lựa chọn và đang nhọc nhằn theo đuổi, tôi thường khó nén được tiếng thở dài khi thấy viết em đang theo học ngành... của trường ĐH sư phạm..., mơ ước của em sau này là làm thầy/cô giáo.
Ước mơ ấy rất đẹp, rất cần cho xã hội nhưng các em đã đủ khó khăn rồi, để bù lại những nỗ lực vượt khó, trả được số nợ mà các em đã, đang và sẽ gánh trên con đường đi đến tương lai, nghề giáo khó mà đáp ứng được. Một em học trò khoe với tôi rằng do nhà em là hộ nghèo nên chị em đi học được vay tiền, được gần 30 triệu đồng rồi. Tôi lo lắng “vậy ra trường lấy đâu ra mà trả, cô đi làm hơn mười năm rồi mà lương tháng có hơn 3 triệu”. Học trò tôi vô tư: “Hây dà, cô đi dạy mà kể làm chi”! Qua đó cũng biết giới trẻ nghĩ gì về cái nghề được coi là cao quý (mặc định kèm theo đạm bạc) này.
Năm nào bộ, rồi sở, rồi phòng cũng có vài việc làm mới đưa về yêu cầu giáo viên thực hiện, gọi là đổi mới. Năm nào cũng thấy bộ đưa ra công văn quản lý (hoặc cấm) dạy thêm (thậm chí còn đưa dạy thêm vào mục chống tham nhũng trong giáo dục). Tại sao giáo viên phải dạy thêm? (Việc dạy đủ số tiết quy định cộng với vô số việc được giao ở trường đối với người sức khỏe bình thường là đã hết hơi rồi, về đến nhà thay vì nghỉ ngơi lấy sức lại lao đầu vào dạy thêm, đối với giáo viên là việc cực chẳng đã). Câu trả lời giản dị nhất: không dạy thêm làm sao nuôi được con, làm được nhà để ở, sắm sửa được thứ này thứ kia... trong khi lương nhà nước trả chỉ vừa đủ cho nhu cầu tối thiểu của một cuộc sống độc thân.
Giáo viên đi dạy bên cạnh kiến thức chuyên môn tốt còn phải cố gắng để giữ gìn hình ảnh của mình. Việc giữ gìn hình ảnh, bên cạnh trau dồi phẩm chất chính trị, tu dưỡng đạo đức nhà giáo, gương mẫu trong sinh hoạt... còn phải cố cho tươm tất, đàng hoàng (không mong gì hơn, chỉ mong ngang mức trung bình của xã hội).
Hình ảnh một ông thầy xơ xác, sống cuộc sống chật vật... ắt hẳn chẳng đẹp gì (và có phần kém trân trọng)! Chiếc áo có thể không làm nên thầy tu, nhưng ông thầy tử tế (về mọi mặt) chắc chắn sẽ làm nên nền giáo dục lớn mạnh!
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Làm người chân chính có dễ đâu!


Thứ Tư, 11/07/2012, 19:07 (GMT+7)
Nhân đề văn thi đại học bàn về kẻ cơ hội và người chân chính:
TTO - Đề thi văn khối C năm nay: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu” làm không ít người giật mình: mình đã, đang (và sẽ) là kẻ cơ hội hay là người chân chính đây?
Một thí sinh tranh thủ quay bài - Ảnh chụp từ clip quay lại chuyện thi cử tai tiếng ở Trường THPT DL Đồi Ngô

Tạo ra thành tích thật ra là một việc hoàn toàn tốt. Vấn đề đáng bàn chính là động cơ và cách thức để tạo ra thành tích đó.
Ví như trong giáo dục, các phong trào “thi đua dạy tốt học tốt để lập thành tích chào mừng… ” đã tạo hứng khởi, tiếp thêm sinh khí cho cả thầy và trò. Những thành tích đạt được trong các phong trào này là những nấc thang vững chắc để tạo nên những thành tựu trong ngành giáo dục.
Nhưng đến việc lùa học sinh dù yếu kém đi chăng nữa lên lớp, nâng điểm cho đạt chỉ tiêu đặt ra, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp năm sau nhất định phải cao hơn năm trước (và sắp kịch trần rồi) thì hai chữ “thành tích” đẹp đẽ ấy đã bị biến dạng thành một thứ bệnh (không nan y nhưng người bệnh từ chối điều trị): bệnh thành tích!
Ai tạo ra bệnh đó nếu không phải là những người trực tiếp giảng dạy, chấm điểm, coi thi và chấm thi? Nhưng nếu nằm trong guồng máy tạo thành tích (bằng mọi giá) ấy, bạn nhất quyết “nói không” để làm người chân chính liệu có được không?
Trước hết, bạn sẽ bị ngay chính đồng nghiệp coi là lập dị (vì do bạn mà ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể), rồi sẽ bị lãnh đạo phê bình (vì không đạt chỉ tiêu quy định), sẽ bị bình xét không hoàn thành nhiệm vụ, không được xét nâng lương (mong gì khen thưởng), không được xét cất nhắc vị trí này, chức vụ nọ (đương nhiên).
Đối với các bạn trẻ, có tiềm lực, năng động và sáng tạo thôi trong nhiều môi trường hình như chỉ đủ để bạn thành công trong công việc, chưa đủ để bạn “thành danh”, “thành địa vị” nếu như bạn không biết nắm bắt cơ hội và nỗ lực tạo ra cơ hội (nếu chưa có).
Thậm chí, nhiều bạn trẻ phải tham gia hết tất cả “phong trào thi đua lập thành tích” vừa để đạt kết quả cao vừa để gây sự chú ý của cấp trên.
Xã hội (thời nào cũng vậy) thường đánh giá sự thành công của con người thông qua địa vị mà họ đạt được. Địa vị thường đạt được thông qua xem xét bề dày (và bề nổi) của thành tích.
Nên trách sao được khi người ta nôn nóng để đạt được càng nhiều thành tích càng tốt.
Nên tránh sao được khi sau bất cứ một cuộc thi tài nào cũng xảy ra đủ thứ lùm xùm: nghi án lộ đề, thiên vị, mua giải… (quy mô và tầm ảnh hưởng cuộc thi càng lớn thì tai tiếng càng nhiều.)
Nên khó bớt đi những cuộc nhậu, những phong bì, những thứ quỷ quái khác nữa… nhằm gây quan hệ.
Thành tích thì có nhiều cách để đạt được, trong lúc thành tựu lại khó với tới và hao tốn nhiều thời gian cũng như trí lực.
Thành tích mang lại cho con người ta nhiều thứ hấp dẫn trước mắt hơn.
Thật khó để ta có thể bỏ qua việc “nôn nóng tạo ra thành tích” để chọn “kiên nhẫn tạo nên thành tựu”!
Làm người chân chính trong những môi trường nặng tính thành tích quả thật là một việc cực kỳ khó khăn!
MINH THƯ

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Kỳ tích của ngành giáo dục!


Thứ Ba, 19/06/2012, 17:32 (GMT+7)
TTO - Tỉ lệ đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trên 97%. Một kết quả rất đáng phấn khởi so với những năm trước, có lẽ sẽ làm nhiều người, nhiều ban ngành hoan hỉ. 
Một cảnh trong clip quay giờ thi môn địa tại phòng thi số 8 Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang: một thí sinh thản nhiên quay xuống chép bài của bạn. Với tỉ lệ tốt nghiệp 78,39%, đây là trường THPT có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh Bắc Giang - Ảnh tư liệu.

Thật tình, với tư cách là người trong cuộc, tham gia trực tiếp vào guồng máy tạo nên thành tích ảo ấy, ngay từ lúc chưa thi tốt nghiệp, chúng tôi đã biết trước cái kết quả cao vời vợi ấy.
Ban giám hiệu các trường thì có thứ để nhắc đến mỗi khi cần có dẫn chứng để chứng minh uy tín cũng như chất lượng của trường. Giáo viên thì thở phào nhẹ nhõm vì sẽ không bị phê bình nhắc nhở vì tỉ lệ riêng của bộ môn thấp hơn trung bình chung như mọi năm. Học sinh và phụ huynh thì hân hoan khỏi phải nói.
Một điều tưởng chừng như tốt đẹp như vậy, tại sao lại khiến dư luận bất bình và khiến cho uy tín của ngành giáo dục càng ngày càng tuột dốc không phanh?
Tiêu cực ở đâu cũng có chứ đâu phải chỉ riêng trong ngành giáo dục. Nhưng nếu không do bệnh thành tích thì tiêu cực chỉ là một vài hiện tượng cá biệt, dễ phát hiện và không khó để bài trừ.
Nhưng nếu có động cơ từ bệnh thành tích, tiêu cực trở nên phổ biến, tràn lan (đến nỗi chẳng mấy ai thèm bức xúc).
Đến khi chứng kiến những clip ghi lại cảnh tiêu cực ở các phòng thi tại Bắc Giang được tung lên mạng, thì thiết nghĩ chẳng cần mất công chấm thi làm gì, kết quả đã rõ mười mươi. Những clip ấy như những hồi chuông báo động rằng: bệnh thành tích trong giáo dục đã quay trở lại (và tệ hại hơn xưa).
Chuyện này làm chúng ta nhớ lại những đoạn phim quay cảnh trường thi mà thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã quay vào năm 2006 – điểm khởi đầu cho phong trào hai không trong giáo dục: nói không với tiêu cực và bệnh thành tích. Phong trào “Hai không” đã thật sự mang lại một luồng sinh khí mới cho ngành giáo dục, mang lại cho ngành niềm tin và sự tôn trọng của xã hội.   
Tiếc thay, phong trào tốt đẹp ấy, cùng với sự khuếch trương rầm rộ, đang ngày càng sa đà vào hình thức (Bất cứ cuộc họp hành hội nghị hội thảo gì của ngành giáo dục cũng đều đề cập đến nội dung này. Giáo viên mỗi năm phải báo cáo bằng văn bản hai lần xem mình đã thực hiện phong trào “2 không với 4 nội dung” như thế nào).
Tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp của cả nước tăng dần theo các năm: năm 2007: 67,5%, năm 2008: 75,96%, năm 2009: 80%, năm 2010: 95,72%, năm 2011: 95% và năm nay thì gần như tột bậc: 97,63%.

Những điểm số thi tốt nghiệp năm sau phải nhất định cao hơn năm trước chỉ làm đẹp bản báo cáo thành tích trong phút chốc. Thành tích trong bản báo cáo càng hoành tráng bao nhiêu thì thực trạng và chất lượng giáo dục càng đáng buồn bấy nhiêu.
Dạy các lớp 12 đối với đa số giáo viên chúng tôi là một việc làm mệt mỏi và nặng nề. Thái độ học tập của học sinh thì kém (không kém sao được khi thực tế đã chứng minh rõ ràng: không cần học nhiều cũng thi đậu tốt nghiệp) mà chỉ tiêu của nhà trường đặt ra là tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của toàn trường nói chung và của bộ môn nói riêng phải luôn bằng hoặc cao hơn trung bình chung của toàn tỉnh (bất kể chất lượng đầu vào của học sinh thế nào).
Sau mỗi đợt thi, tỉ lệ đậu tốt nghiệp của từng bộ môn, từng giáo viên sẽ được thống kê. Tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp nghiễm nhiên trở thành tiêu chuẩn đo năng lực của giáo viên (như thể việc chất lượng học tập chỉ phụ thuộc vào người dạy - bất chấp đối tượng được giáo dục thế nào đi chăng nữa). Do vậy thành tích, bất chấp hậu quả, phải đạt được bằng mọi giá!
Không phải chỉ đến thi thi tốt nghiệp bệnh thành tích mới phát tác mà âm ỉ trong các nhà trường từ đầu đến cuối năm học, từ năm này qua năm khác. Bài kiểm tra nếu không quá 50% học sinh đạt điểm trung bình thì giáo viên phải tiến hành kiểm tra lại (cho đến khi nào đạt được tỉ lệ ấy thì thôi). Đối với giáo viên, nếu không quá 80% học sinh mình dạy trên điểm trung bình thì không được xét hoàn thành nhiệm, không quá 90% học sinh trên điểm trung bình thì đừng nghĩ đến các danh hiệu thi đua đã phấn đấu cật lực trong cả năm học qua.
Bệnh thành tích đã trở thành một hiệu ứng đôminô, kéo theo tất cả những ai nằm trong bộ máy!
Thi cử là để sàng lọc. Nếu một kỳ thi tiêu tốn đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm mà cả người giỏi lẫn người chưa giỏi, người chăm chỉ lẫn người lười biếng, người nghiêm túc cũng như người dựa dẫm đều qua được một cách mỹ mãn ngang nhau thì hiệu quả sàng lọc liệu có còn? Và có nên tiếp tục?
"Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội" - câu 2 của đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay - đáng để tất cả mọi người, không riêng gì thí sinh, suy ngẫm.
Với kiểu chạy theo thành tích bằng mọi giá như hiện nay, thói dối trá là một biểu hiện hay (buồn thay) đang là một hậu quả (tất yếu)?
MINH THƯ