Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Người quản trang “không giống ai”…

 Người quản trang “không giống ai”…
Ngày cập nhật: 23/07/2011 6:21:24 SA
(QT) - Về ngã ba Long Hưng (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), hỏi ông Thành “quản trang” thì không ai không biết. Ông làm quản trang liệt sĩ xã gần 20 năm nay nên được gọi là ông “Thành quản trang”, nhiều người còn gắn cho ông thêm cái biệt danh ông quản trang “không giống ai” để chỉ những việc làm khác người của ông. Nhưng gặp ông Thành rồi mới hay những việc làm bị coi là “không giống ai” đó lại mang vẻ đẹp của một tâm hồn trung thực và đầy ý nghĩa

Một người nhiệt tâm và kiên nhẫn hiếm có

Tôi thật sự bất ngờ khi thấy những kỷ niệm chương, bằng khen của ngành công an tặng “Công an viên xuất sắc Hồ Xuân Thành” được treo san sát trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng cạnh nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Thượng. Hóa ra ông vừa là công an viên xã, vừa làm công việc quản trang. Nhìn người công an viên có dáng người nhỏ bé với bộ mặt hiền khô đang ngồi trước mặt, tôi tò mò : “Được Bộ Công an tặng Bằng khen và kỷ niệm chương, vậy sao người ta vẫn gọi chú là người “không giống ai”?.

Ông cười, phô hàm răng đã rụng vài chiếc: “Tại vì tôi cứ đúng việc nghĩa mà làm”. Nhìn ông ăn nói khúc chiết vậy nhưng khi hỏi về những việc đã làm, ông khiêm nhường: “Không có chi to tát cả, tôi chỉ làm đúng phận sự của mình thôi mà”. Bởi vậy, tôi phải cất công đi tìm anh Lê Hữu Hòa, trưởng công an xã Hải Thượng mà hỏi cho ra nhẽ.

 
Ông Thành đang thắp nhang cho các liệt sĩ. - Ảnh: ĐÌNH CẢNH

Anh Hòa sinh năm 1967, làm công an xã gần 20 năm, tỏ ra phấn chấn khi nghe nhắc đến ông Thành: “Trưởng công an xã như tôi dễ tìm người thay thế nhưng công an viên như ông Thành thì khó có người thay”.

Rồi anh hào hứng kể: “Ông Thành đi bộ đội có thời gian làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ra quân năm 1982 và đảm nhiệm chức trách công an viên của xã từ bấy đến nay. Mấy mươi năm làm công an xã, ông rành địa hình ở đây như lòng bàn tay. Mỗi khi có bão lụt, nhà nào cao thấp ông biết hết.

Cho dù khuya khoắt, nước có dâng đến cổ, gió mưa có vần vũ chăng nữa, ông vẫn cầm đèn pin lội nước, vượt bão đến những ngôi nhà nằm ở vị trí thấp, kêu gọi bà con sơ tán. Gặp nhà neo người, ông sẵn sàng giúp kê dọn đồ đạc, hướng dẫn bà con tránh lụt, chống bão sao cho an toàn nhất. Chuyện nhà ai ông cũng lo lắng y như chuyện nhà mình vậy”.

Tỉnh lộ băng ngang qua xã, xuyên qua cánh đồng vắng và khu lò gạch ít dân cư nên đêm đến là điểm tụ tập của một số thanh niên hư hỏng. Những em học sinh đi học thêm về muộn rất ngại đi qua quãng đường này. Phụ huynh sau một ngày đồng áng mệt nhọc, ban đêm cũng cố ra đầu đường để đón con về, vất vả vô cùng. Biết được điều đó, ông Thành tự nguyện đêm đêm đi tuần tra.

Với chiếc xe đạp cà tàng, cây đèn pin cầm tay, ông đạp xe từ đầu đến cuối đường, vừa đi vừa quát nạt thị uy. Có vậy thôi mà chặng đường đó trở nên an toàn, các em học sinh đi học về nghe tiếng ông cùng với ánh sáng cây đèn pin lắc lư theo nhịp quay của chiếc xe đạp cà tàng của ông Thành là cảm thấy yên tâm.

Ông Thành còn là người kiên nhẫn hiếm có. Một dạo trong xã bị mất trộm nhiều gà, bà con ai cũng nản. Nắm được thông tin quán cơm X. ven quốc lộ 1A (đoạn đi ngang qua xã) chuyên tiêu thụ gà từ kẻ gian, một mình ông mai phục suốt 14 đêm liền để bắt quả tang đối tượng trộm gà.

Hay có đối tượng trong xã chuyên đi ăn cắp vặt ở địa bàn khác, ông cũng kiên trì theo dõi cho đến khi bắt được quả tang, đưa đối tượng về công an xã xử lý. Lúc tôi nói chuyện với anh Hòa, có mấy người dân có mặt tại trụ sở UBND xã nghe chuyện ông Thành cũng góp chuyện. Hóa ra chuyện về ông còn nhiều lắm, mà chuyện nào chuyện nấy đều “không giống ai”.

 
 Chăm sóc nghĩa trang. -Ảnh: TH

Nào là chuyện giữa trời mưa rét ông đứng ở ngã ba nhắc nhở người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chuyện người nhà ông tham gia bài bạc cũng bị ông bắt nộp công an xã, chuyện bất cứ vụ tai nạn nào xảy ra trên địa bàn xã ông đều có mặt tức thì để vừa bảo vệ hiện trường, tài sản vừa cứu nạn, chuyện ông không tơ hào của ai một đồng nhưng ai mượn gì của ông thì nhớ mà trả cho đúng hẹn, rồi đến chuyện ông được đi báo cáo điển hình tiên tiến tận Hà Nội, được lên tivi trong chương trình “Người đương thời”...

Thùng nước mát giữa nghĩa trang liệt sĩ

Lẽ đời, có người được chọn nghề nhưng cũng có người được nghề chọn. Với ông Thành, có lẽ ông đã được nghề quản trang chọn, tự nhiên như thể sau khi ra quân thì việc ông phải làm là... quản lý nghĩa trang của xã. Với thâm niên 20 năm trong nghề, không cần giấy tờ gì ông cũng nhớ được nghĩa trang hiện có 1.997 ngôi mộ, trong đó 447 của liệt sĩ địa phương và 1.550 liệt sĩ của sư đoàn 312 - 320... Ông cũng có thể chỉ chính xác từng ngôi mộ trong nghĩa trang cũng như quê quán, năm mất của các liệt sĩ.

Ông khoe: “Thằng con đầu học xong ra trường đã có việc làm, đứa thứ hai đang làm công nhân, đứa út đang học năm thứ 3 đại học. Công ty xây dựng dầu khí miền Trung thấy tôi vất vả mà đồng lương hạn hẹp nên hứa hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng nữa. Mấy năm trước, một ngôi chùa ở Hà Nội tặng nhà tôi con bò, bò mẹ đẻ bò con, bán bê con lấy tiền cho thằng út nộp học phí. Bộ ấm chén này là của Sư đoàn 320 tặng, còn cái bình kia là quà của chương trình “Giao lưu đồng cảm và chia sẻ” của VTV1 tặng... ”.
Ông gọi tất cả những liệt sĩ đang yên nghỉ trong nghĩa trang Hải Thượng với cái danh xưng đầy trang trọng: “Hội đồng quân nhân”. Ông bảo: “Ngày rằm, mùng 1 hàng tháng tôi đều thắp nhang cho tất cả “Hội đồng quân nhân”, mỗi khi có gia đình đến bốc mộ, tôi đều nhắc họ sắm mọi thứ cần thiết để “Hội đồng quân nhân” liên hoan chia tay đồng đội. “Hội đồng quân nhân” trong nghĩa trang nay giảm gần 600 so với trước do thân nhân đến xin cất bốc hài cốt đưa về quê...

Công việc quản lý nghĩa trang coi vậy mà cũng rất bận rộn. Có nhiều gia đình chưa thống nhất ý kiến với nhau, người thì muốn để liệt sĩ yên nghỉ tại nghĩa trang, người lại muốn đưa về quê cho tiện bề hương khói. Cũng có một số gia đình tin vào lời nhà ngoại cảm cứ nằng nặc đòi địa phương chứng nhận ngôi mộ “liệt sĩ chưa biết tên” đó là của thân nhân mình để cất bốc.

Trong khi đó, nhiều trường hợp không được cho phép thì người ta lăm le bốc trộm. Những lúc như vậy, đêm nào ông cũng ôm chăn chiếu ra nghĩa trang, nằm gần ngôi mộ để canh giữ. Ông chỉ cho tôi coi thùng nước mát lạnh đặt ở chân tượng đài trong nghĩa trang và giảng giải: “Trong một lần nằm mơ, tôi nghe có tiếng xin một ngụm nước uống. Biết các anh đang khát, tỉnh dậy tôi liền chuẩn bị sẵn thùng nước mát để dưới chân tượng đài để có liệt sĩ nào cần thì cứ đến đó thỏa sức mà dùng”.

Nghe ông kể vậy, tôi ngỡ như trước mắt ông không phải là hàng hàng bia mộ vô tri mà là những con người bằng xương bằng thịt. Chính lúc đó tôi liên tưởng cuộc đời ông với thùng nước kia, có cái gì đó như tương hợp. Không biết linh hồn những liệt sĩ trong nghĩa trang này có dùng đến thùng nước mát của ông không, nhưng cách ông để thùng nước như một niềm tin và sự chia sẻ với những linh hồn liệt sĩ thật đáng trân trọng.

Không chỉ chăm lo cho “hội đồng quân nhân”, những thân nhân liệt sĩ đến viếng hay bốc mộ đều được ông chỉ dẫn tận tình. Nhiều trường hợp gia đình không có điều kiện hay lỡ tàu, trễ xe thì dẫu 9 hay 10 người đi nữa ông cũng đưa về nhà mình, bảo vợ lo cơm nước chu đáo.

Có những gia đình đi tìm mộ người thân từ Bắc vào Nam, ngược ra đến nghĩa trang Hải Thượng thì hết tiền, vợ chồng ông còn vay mượn tiền giúp họ về quê. Thân nhân nhờ bốc mộ ông cũng vui vẻ làm giúp, chỉ nhận một ít tiền công và vật liệu để làm lại mặt bằng. Chừng đó thôi, ai đưa thêm ông cũng nhất quyết không nhận.

Có một người tôi chưa được gặp mặt nhưng đều được mọi người nhắc đến với vẻ trìu mến, đó là bà Yến, vợ ông, một người hiểu biết, chịu thương chịu khó hiếm thấy. Ông Thành có yên tâm làm được những việc “không giống ai” cũng nhờ có hậu phương vững chắc. Gia đình ông trên dưới thuận hòa, con cái ngoan ngoãn.

Ông khoe: “Thằng con đầu học xong ra trường đã có việc làm, đứa thứ hai đang làm công nhân, đứa út đang học năm thứ 3 đại học. Công ty xây dựng dầu khí miền Trung thấy tôi vất vả mà đồng lương hạn hẹp nên hứa hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng nữa. Mấy năm trước, một ngôi chùa ở Hà Nội tặng nhà tôi con bò, bò mẹ đẻ bò con, bán bê con lấy tiền cho thằng út nộp học phí. Bộ ấm chén này là của Sư đoàn 320 tặng, còn cái bình kia là quà của chương trình “Giao lưu đồng cảm và chia sẻ” của VTV1 tặng... ”. Nụ cười ông rạng rỡ như những bông hoa mười giờ nở dọc bồn hoa trong nghĩa trang Hải Thượng.

Chia tay ông, tôi nghĩ, ông Thành đúng là “người không giống ai”. Giữa bao bon chen ngày thường, nghe những câu chuyện lạ lùng về một quản trang như ông Thành, dường như ta thấy tin yêu hơn với cuộc đời này.

                                         LÊ THÚY HẰNG

Nấm tràm

Nấm tràm

Ngày cập nhật: 23/07/2011 6:21:38 SA

(QT) - Hôm qua thấy trên Yahoo status của người bạn có mỗi câu “Nhớ nấm tràm!”, cuối câu thêm dấu chấm than vừa da diết, vừa bùi ngùi. Nhớ gì không nhớ, sao bạn mình lại đi nhớ cái thứ nấm có vị đắng nghét đó?

Quê mình nghèo, cái dải đất hẹp toàn cát trắng với gió Lào có mỗi giống tràm thâm thấp, cay cay không ai trồng, ai chăm là sống khoẻ. Nơi nào có cát trắng là có tràm. Nhờ tràm mà dải cát trắng dài bớt loá mắt, cát bớt bay, bớt nhảy, những hành khách phương xa ngồi trên xe chạy ngang qua quê mình bớt bùi ngùi thương đất gì cằn cỗi vậy làm sao mà sống.

Vì nghèo nên dân quê mình đâm ra dễ nuôi. Cái gì dù chua, dù chát, dù đắng, dù cay đến đâu đi nữa dân mình cũng ăn được, ăn ngon lành. Ăn hoài đâm nghiện, đâm nhớ mãi rồi tự dưng thành một thứ đặc sản, một thứ đặc sản kén người ăn mà không phải dân gió Lào gốc thì mấy ai chịu khó thưởng thức được.

Nấm tràm mọc ngay dưới gốc cây tràm, sau những cơn mưa giữa mùa hạ và mùa thu, nên hút được cái nóng ẩm của cát, cái nồng cay của tinh dầu tràm mà kết thành một vị đắng đặc trưng. Cây nấm thâm thấp, tai bậm bạp, có màu nâu đỏ.

Vỏ nấm tràm có màu nâu đỏ.

Đi hái nấm là những em bé đi học một buổi, buổi còn lại vừa chăn trâu vừa hái nấm, là những bà lão lưng đã hơi còng, hái xong là vội vội vàng vàng đưa ngay xuống chợ, rải một tấm ni lon, miệng đon đả mời khách mua còn tay thì thoăn thoắt gọt nấm. Sau khi được gọt cái lớp vỏ màu nâu đỏ đi, cây nấm còn lại màu trắng ngà, nhìn thôi đã muốn mua hết rổ.

Khách mua nấm thường mua mau vì đâu cần gì lựa chọn, cây nào cây nấy đều tươi như nhau, cũng không cần trả giá vì mớ nào mớ nấy rẻ như cho. Nấm mua về được trụng qua nước đang sôi sùng sục trên bếp, ép hết sức cho ra bớt đắng rồi phi hành ném cho thơm, thả nấm vào, nêm thêm ruốc và gia vị cho vừa miệng ăn. Nấm chín rắc thêm ớt, tiêu, xắt thêm hành thêm ngò vào là có một đĩa nấm tràm thơm ngon lừng lựng.

Nấu tràm còn được dùng để nấu với canh rau lang. Nhìn tô canh rau xanh ngắt, điểm xuyến thêm vài cây nấm tràm trắng ngà thiệt bắt mắt. Nếm thử mới cảm nhận được vị ngọt lừ của rau lang mới hái quyện với vị đăng đắng của nấm, vị bùi bùi của ruốc.

Nấm tràm đắng nhưng đã nuốt trôi qua cổ rồi thì bắt đầu cảm nhận được vị ngòn ngọt, thanh thanh. Đắng vậy nhưng nấm tràm thiệt lành, thiệt mát. Trưa nóng ăn bát cơm với nấm tràm, lui nằm trên cái võng sau nhà đu đưa chờ cơn gió nồm phe phẩy rồi liu riu ngủ là quên luôn cái nóng bức, ngột ngạt của mùa hè.

Bạn đi xa, nhớ hương vị ngọt đắng của nấm tràm thì cố tranh thủ thu xếp công chuyện về quê ăn một bữa cho đỡ nhớ. Bạn nhớ về vào độ tháng 7, tháng 8. Về ngồi giữa quê nhà, ăn tha thít nấm tràm, cúp hạt tiêu tươi, cắn giòn rụm trái ớt hiểm, mới cảm nhận được hết hương vị của nấm tràm. Cũng là để vơi chút nhớ thương...

                                             Bài, ảnh: MINH THƯ

Nỗi niềm trường “tuyến dưới”

TT - Mùa tuyển sinh đầu cấp THPT đã khép lại. Bên cạnh các trường có điểm chuẩn cao ngất ngưởng, có những trường phải “chật vật” tuyển sinh bổ sung đến hai, ba đợt mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Đối với giáo viên các trường “tuyến dưới”, lúc này cuộc chiến thật sự mới bắt đầu ngày càng cam go, gian khổ hơn.
Sẵn tâm lý muốn “gần đèn thì sáng”, từ khi một đứa bé được sinh ra, bố mẹ chúng đã bắt đầu tham gia cuộc chạy đua giáo dục dài đằng đẵng và mệt mỏi. Từ mẫu giáo đã phải rồng rắn xếp hàng giữa đêm khuya để con được vào trường chuẩn, tiểu học phải chạy đôn chạy đáo để được một suất vào trường điểm, lớp chọn. Như vậy không có lý gì khi chúng lớn, các bậc phụ huynh lại không mong muốn cho con được vào các trường “tuyến trên”. Thêm vào đó, chính quy định tuyển sinh lớp 10 không phân tuyến trong năm năm trở lại đây đã phân hóa rõ rệt các trường THPT.
Đẳng cấp trường thể hiện rõ nhất ở điểm tuyển sinh: trong lúc điểm chuẩn các trường tuyến trên thường xấp xỉ 50 thì các trường tuyến dưới lại thấp đến mức có thể: miễn không có điểm chết là được. Đầu vào cao (gấp hơn 10 lần) thì đương nhiên đầu ra cũng phải cao tương ứng. Chính đầu vào chứ không phải chất lượng đào tạo đã quyết định kết quả dạy học của mỗi trường. Thậm chí giáo viên các trường “tuyến dưới” còn phải tốn nhiều công sức hơn, bởi hiệu quả cuối cùng là tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp cũng được so sánh bình đẳng với các trường “tuyến trên”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được như thế. Không chỉ phụ huynh mà cả học sinh đều cho rằng giáo viên các trường “tuyến trên” chắc hẳn phải giỏi hơn. Không ít phụ huynh vô tâm đã bộc bạch với giáo viên cái sự đáng tiếc khi để con mình phải học ở trường này. Nhưng nếu tôi là vị phụ huynh kia thì tôi cũng không yên tâm cho con mình học ở đây, dẫu rằng rất hiểu trình độ chuyên môn của mình và đồng nghiệp.
Số học sinh được tuyển sinh theo kiểu “vơ vét” cho đủ số lượng kia không chỉ yếu về văn hóa mà cả ý thức cũng kém. Đối với giáo viên chúng tôi, công việc nặng nhọc nhất là dạy khối 10 và còn kinh khủng hơn nếu kiêm thêm chủ nhiệm. Nhiều em thậm chí còn chưa viết đúng tiếng Việt, kể cả tên mình (nếu có dấu hỏi, ngã hoặc chữ X, S, N, NG...). Thường xuyên, chúng tôi nhận được những “Giấy xinh phép”: “mông” thầy cô cho em “nghĩ” buổi học..., em “xinh” hứa “xẽ” học bài và làm bài...
Ngoài ý thức kém, nhiều em cứ tin chắc rằng bệnh dốt của mình là “vô phương cứu chữa rồi” nên không hề lo lắng cho việc học hành. Nhiều lúc bất lực, chúng tôi nói đùa với nhau rằng lớp học như một game show và các em học sinh “đến đây với tinh thần giao lưu, vui là chính”. Đừng nói đến việc nộp tiền đi học thêm, trường chúng tôi tổ chức những lớp dạy miễn phí mà cũng chẳng mấy học sinh đi học.
Lớp học ở “trường tuyến dưới” không chỉ yếu về văn hóa mà còn rất lộn xộn, bát nháo vì bao giờ cũng đông hơn số học sinh quy định từ 5-7 em. Giáo viên có ba đầu sáu tay cũng đành “bó tay” trước hơn 50 em học sinh mỗi lớp. Tại sao lớp học lại phải đông như vậy? Vì rất nhiều phụ huynh chưa chịu bỏ cuộc trong cuộc chạy đua vào trường “tuyến trên”. Cho con học tạm “trường tuyến dưới” chẳng qua chỉ là một bước đệm, đợi kết thúc học kỳ 1 sẽ lại “chạy” cho con chuyển trường. Sau mỗi học kỳ, lớp học lại vắng thêm những em học sinh khá nhất vì đa số các trường “tuyến trên” chỉ chấp nhận cho học sinh hạnh kiểm tốt, học lực khá chuyển trường. Chất lượng đã kém nay càng kém hơn.
Nạn “chạy trường” biết khi nào mới chấm dứt? Và ngành giáo dục biết bao giờ mới thực hiện được chủ trương xóa dần khoảng cách về trình độ học sinh giữa các trường, tạo cho các em môi trường giáo dục thật sự bình đẳng?
MINH THƯ

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Làn gió mới mang tên “phụ cấp thâm niên”

Thứ Sáu, 15/07/2011, 13:03 (GMT+7)
TT - Sau bao nhiêu trông ngóng đợi chờ của cán bộ giáo viên ngành giáo dục, nghị định của Chính phủ về phụ cấp giáo viên đã ra đời. Mỗi giáo viên giảng dạy từ năm thứ 6 trở đi sẽ được hưởng thêm phần phụ cấp thâm niên, khoản tiền lương sẽ đỡ ít ỏi đi. Nhà giáo đã có thể đứng lớp với tâm trạng nhẹ nhàng hơn bởi gánh nặng cơm áo đã vơi đi một ít.
SV ngành Sư phạm TP. HCM trong một cuộc thi lịch sử ở Nhà VHTN TP. Tương lai của nghề giáo sẽ tươi sáng hơn với những chính sách cụ thể của nhà nước - Ảnh TTO
1% phụ cấp thâm niên cho mỗi năm cống hiến - nếu quy ra tiền chưa hẳn là lớn nhưng điều đó quả là đáng mừng. Mừng vì nếu thu nhập ngành giáo dục được cải thiện thì chất lượng đầu vào của các trường sư phạm đương nhiên sẽ tăng lên đáng kể. Các thầy cô giáo kể từ đây không còn là “chuột chạy cùng sào” nữa mà sẽ được ví von với hình ảnh gì đó khác cho tương xứng với danh xưng “nghề cao quý”.
Những ai biết vận dụng kiến thức và năng lực của mình để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đều được khen ngợi, xuất sắc còn có thể được tặng giấy khen “Điển hình tiên tiến”. Nhưng đối với ngành giáo dục thì không như vậy, mặc dù giáo viên chúng tôi hoàn toàn không thiếu kiến thức và năng lực. Dạy thêm thì bị phê phán như một “tệ nạn” mà làm nghề tay trái cũng bị phê bình là “chểnh mảng chuyên môn”.
Buồn đến nỗi mỗi khi tư vấn chọn nghề cho học sinh, những em học giỏi thường được chúng tôi khuyến khích chọn những ngành nghề khác ngoài sư phạm. Mà có lẽ cũng không cần tư vấn, nhiều em đã tâm sự rất thật: “Em thấy làm giáo viên như thầy cô cực quá mà thu nhập lại thấp”. Những học sinh sau khi ra trường được vài năm, có việc làm, về thăm lại thầy cô đều nhất quyết không tin tiền lương của thầy cô sau mười mấy năm đi dạy lại thấp hơn thu nhập của mình.
Phải thừa nhận là Nhà nước đã và đang đầu tư nhiều cho ngành giáo dục. Trang thiết bị dạy học được cung cấp nhiều hơn. Thế nhưng, đời sống của giáo viên - “lực lượng lao động” chính và quan trọng làm nên chất lượng giáo dục - lại chưa được quan tâm ưu đãi tương xứng. Đồng lương bèo bọt đã khiến ngày càng nhiều “người đưa đò” đành đoạn bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ người sang sông... trong lúc ngành lại ngày càng thiếu giáo viên. Điển hình như Sở GD-ĐT TP.HCM trong năm học 2011-2012 cần bổ sung tới 4.681 giáo viên nhưng đến cuối tháng 6 mới nhận được 1.740 hồ sơ đăng ký tuyển dụng.
Và điệp khúc của mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nay vẫn là “thừa kinh tế, ế sư phạm”. Với tình hình “ế ẩm” từ tuyển sinh cho đến tuyển dụng như thế, nếu không có những chính sách ưu đãi kịp thời thì khó dám chắc ngành giáo dục có thu hút và giữ chân được những người tài giỏi nữa hay không.
Cũng phải nói thêm rằng bên cạnh thu nhập thấp, việc trả lương theo phương pháp cào bằng cũng làm nhiều người trong ngành chán nản. Người dạy giỏi, công tác tốt ngoài việc được khen thưởng - khen là chính, còn thưởng chỉ vài chục ngàn mang tính chất tượng trưng - thì đến tháng nhận lương cũng như những người khác.
Một khi đã chọn nghề giáo, đa số giáo viên chúng tôi đã không mơ tưởng đến viễn cảnh giàu có về tiền bạc. Nên việc phải dạy thêm, làm thêm chẳng qua là việc chẳng đặng đừng do “cơm áo không đùa với khách thơ” mà thôi. Một khi thu nhập được cải thiện, chúng tôi sẽ yên tâm công tác hơn, toàn tâm toàn ý hơn với công việc. Và điều quan trọng hơn, cái nhìn của xã hội về nghề giáo cũng sẽ được thay đổi, không còn coi nghề này “xanh như bảng, bạc như phấn”.
LÊ THÚY HẰNG
Phụ cấp thâm niên ngành giáo dục thật ra không phải là một chính sách mới. Những năm cuối thập niên 1980, chính sách ưu đãi này cũng đã được thực hiện để góp phần chấm dứt tình trạng giáo viên bỏ việc hàng loạt. Từ năm 1993, chế độ thâm niên chấm dứt, thay vào đó là phụ cấp nghề từ 25-70% chỉ dành cho giáo viên đứng lớp (nghĩa là những ai không trực tiếp giảng dạy, kể cả hiệu trưởng, hiệu phó cho đến chuyên viên phòng, sở... đều không được hưởng khoản phụ cấp này). Điều này làm nảy sinh một nghịch lý: nhiều người ngại làm... quản lý bởi thu nhập, vốn đã rất thấp, sẽ bị giảm đi đáng kể.

Những người nông dân không có đất

Thứ Sáu, 15/07/2011, 15:58 (GMT+7)
TTO - Sau rất nhiều những dự án phong trào, “mốt” dự án hiện nay đang là quy hoạch sân golf. Có đến 124 sân solf đang được đề nghị quy hoạch, kể cả những ở tỉnh có đất đai màu mỡ như Thái Bình, Thanh Hóa... cho đến những tỉnh nằm ngay sát sân golf của tỉnh khác như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đắk Lắk...
Muốn xây sân golf ắt phải có đất. Muốn có đất ắt phải thu hồi. Mà thu hồi ở đâu nếu không phải từ những ruộng lúa, ruộng màu? (mặc dù Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 đã nêu rõ “đất trồng lúa, đất màu... không được dùng cho việc phát triển sân golf")
Chạnh lòng, tôi nghĩ về những người nông dân sẽ mất đất. Đất nông nghiệp khác hẳn đất thổ cư bởi đất không chỉ là đất mà còn là kế sinh nhai, là nồi cơm của cả gia đình người nông dân. Do thế, định giá đền bù đất thổ cư có thể xác đáng nhưng làm sao có thể định giá được giá trị của thửa đất nông nghiệp?
Với người nông dân, đất là “bờ xôi ruộng mật”. Trên mảnh đất đó, họ có thể đổi những giọt mồ hôi, những nhọc nhằn gian khó để nuôi dưỡng cha mẹ già, gửi gắm ước mơ nơi những đứa con đến trường. Có thể định giá được những tảo tần khuya sớm, những một nắng hai sương, những ấp yêu cây trái chăng?
Nông dân không còn đất thì sẽ xoay xở cuộc sống vốn đã không mấy dư dả của họ ra sao? Số tiền đền bù có thể nuôi sống họ được bao lâu khi cùng với tỷ lệ lạm phát ngày càng lớn, đồng tiền ngày càng mất giá? Những sân golf mới đó có thể tuyển dụng được bao nhiêu người – nông -  dân – không – còn – đất? Và sau bao lâu sẽ sa thải họ với lý do “năng lực không phù hợp”? Những người chưa đủ già để an dưỡng nhưng cũng không còn trẻ để học một ngành nghề mới sẽ ra sao? Hay cứ mãi lạc lõng bơ vơ thương nhớ đồng quê trong dĩ vãng?
Rồi “chợ người” thành phố sẽ đông đúc thêm những người bán sức lao động. Rồi sẽ thêm những em bé cô đơn vì mẹ phải đi làm ô sin, đi buôn đồng nát. Rồi sẽ thêm những em bé bỏ học, ôm tập vé số hay hộp đánh giày. Rồi sẽ thêm những bà mẹ già cô độc chiều chiều ngóng tin con đang kiếm ăn ở một nơi xa xôi nào đó. Rồi sẽ thêm nhiều lời than phiền rằng người nhà quê làm nhếch nhác hình ảnh văn minh đô thị.
Biết buồn là vậy, nhưng những người – nông -  dân – không – còn – đất kia sẽ biết phải làm sao?
Chạnh lòng, tôi nghĩ đến những người đã quyết tâm xin cho được quy hoạch để thu hồi đất làm sân golf phục vụ cho nhu cầu giải trí của những người giàu. Đâu có quá khó để cân nhắc giữa một bên là cuộc mưu sinh của hàng ngàn người lao động và một bên là nhu cầu giải trí của số ít người có tiền? Những nhà đầu tư nước ngoài nếu không chơi golf thì họ còn rất nhiều hình thức giải trí khác. Nhưng với những người nông dân, đất là phương tiện duy nhất giúp họ duy trì được cuộc sống của mình. Đâu có quá khó để lựa chọn giữa vô vàn và duy nhất?
Dẫu giá trị kinh tế của đất đó khi làm sân golf sẽ hơn rất nhiều lần làm nông nghiệp. Nhưng, trên đời không phải bất cứ thứ gì cũng quy ra được thành tiền.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Boulevard

Hôm qua post link bài Boulevard, tưởng chỉ có mình mình nhớ và thích bài hát đó, té ra thiên hạ lắm kẻ ngẩn ngơ như mình.

Mình cứ luẩn quẩn với Boulevard chỉ vì chung cái cảm giác day dứt, dằn vặt không hiểu "why you left me on that boulevard?" - tại sao anh nắm tay dắt em ra đại lộ thênh thang rồi thả em ở đó?

Người đi thì biệt xứ mù khơi, người ở lại cứ bơ vơ nơi đại lộ, không biết hướng nào mà đi, cũng chẳng hiểu tại sao mình bị bỏ lại cô độc một mình.

Xem Những nàng công chúa nổi tiếng, thấy có câu nói rất hay: chia tay cũng phải nói rõ lý do, đó là phép lịch sự đối với người mình yêu.

Hóa ra không phải ai lịch lãm cũng biết giữ cái phép lịch sự tối thiểu đó, thành ra trên những đại lộ thênh thang ngày càng có nhiều người.

Càng có nhiều người nhưng không vì thế mà đại lộ đông đúc hơn, bởi ai cũng lẻ loi, không dám tự tin mà bước tiếp.

 Mà làm sao bước tiếp được khi cứ mãi loay hoay trông chờ người xa tít mù khơi kia "come again and you will release my paint" - quay trở về và hàn gắn vết thương lòng cho em người hỡi.

Trái tim - cũng giống như pha lê (nếu cao quý) hoặc đồ gốm (nếu bình dân) - rạn vỡ rồi mà hàn gắn lại cũng chỉ để mà nhìn, dùng chi được nữa !?

Nowhere could we be happy together - so don't waste time seeking for it