Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Khi không có “tự nguyện”

Thứ Ba, 27/09/2011, 05:10 (GMT+7)
TT - Theo dõi câu chuyện về những giáo viên Trường mầm non xã Mậu Lâm và Thanh Tân, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa), không ai không thấy xót xa. Các cô giáo mầm non đã quay lại trường, được hứa hẹn sẽ được trợ cấp thêm mỗi người 300.000 đồng/tháng.
Khoản trợ cấp ấy, cộng với thu nhập chưa đến 500.000 đồng, trong thời buổi gạo châu củi quế này chắc chắn sẽ chẳng giúp vợi bớt mấy khó khăn cho cuộc sống vốn rất vất vả của các cô. Đương nhiên còn hàng ngàn giáo viên mầm non khác cũng đang nhận lương “ngày chưa đủ bát phở” nhưng chưa dám đồng loạt bỏ việc để khiếu nại. Cũng còn vô số điểm trường mầm non dột nát, thiếu thốn đủ đường trên khắp đất nước ta chứ không riêng gì ở xã Mậu Lâm hay xã Thanh Tân.
Lý do cho sự thiếu thốn khổ sở ấy, như phân bua của các nhà quản lý, là thiếu kinh phí, trông chờ chủ yếu vào sự hỗ trợ của phụ huynh. Với địa bàn huyện miền núi, phụ huynh đương nhiên là quá khó khăn để đóng góp các khoản “tự nguyện”. Lại quay trở lại chuyện tiền trường đang nóng hổi hiện nay.
Phần lớn những ai có con đang đi học đều cảm thấy choáng ngợp trước danh sách dài (gần hai mặt tờ A4) liệt kê tất tần tật những khoản tiền phải nộp đầu năm học. Và ngược đời là ở nhiều nơi con càng nhỏ thì danh sách càng dài và tổng các khoản thu càng lớn.
Không riêng gì trường tư thục hay bán công, phụ huynh học sinh các trường công lập cũng phải “cắn răng tự nguyện đóng góp” đủ các khoản rất khó hiểu: tiền thuê bảo vệ, thuê tạp vụ, trả tiền giáo viên hợp đồng, xây dựng này, sửa chữa nọ, quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, xã hội hóa trường, xã hội hóa lớp... loạn cả lên. Thu nhiều đến nỗi nhiều người ví von trường học sống được nhờ “bầu sữa phụ huynh”.
Nếu dứt “bầu sữa” đó thì sẽ như thế nào? Có khá hơn chút ít nào so với tình hình của các trường mầm non ở huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hóa không? Không phải biện hộ nhưng ai có tham dự phần dự tính chi tiêu nội bộ ở hội nghị xây dựng kế hoạch các trường đầu năm sẽ cảm thấy rất mệt mỏi với các khoản chi “theo quy chế” chi li, tỉ mỉ đến tận 500 đồng lẻ.
Thế nhưng mỗi năm, các trường đều phải tham gia hết phong trào này đến hoạt động nọ, không khoản nào là không cần đến tiền cũng như tổng kết hằng năm để động viên tinh thần, sở cũng gửi danh sách “khen” về để trường “thưởng”. Trường, cực chẳng đã lại phải quay sang nhờ “bầu sữa phụ huynh”.
Trước tình hình tiền trường mỗi nơi thu một kiểu, biện pháp chính mà các cơ quan quản lý đưa ra là “cấm lạm thu”. Cấm nhưng không hướng dẫn rõ nếu có những khoản phải chi khác thì nhà trường phải lấy ở đâu. Trong khi đó, các khoản cần chi vẫn cứ phải chi nên các trường lại “linh hoạt” biến thành trăm thứ lắt nhắt khác dưới danh nghĩa “thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường”. Tiền trường trở thành một mớ bòng bong đầy ám muội.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Học sinh không giao tiếp được bằng tiếng Anh


TT - Một thực tế đáng buồn là đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều không thể sử dụng vốn tiếng Anh đã học để giao tiếp cơ bản được. Học sinh thì than thở học tiếng Anh như leo cột mỡ, càng cố leo càng tụt xuống.

Giáo viên thì mệt mỏi vì dạy như “nước đổ đầu vịt”. Không biết làm thế nào để “đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam...” như dự thảo chương trình tiếng Anh tiểu học thuộc đề án 2020 đưa ra được đây.

Hè năm nay, lần lượt giáo viên tiếng Anh các cấp được khảo sát năng lực cấp tốc. “Cấp tốc” theo đúng nghĩa: giáo viên chỉ được thông báo khảo sát cách đó độ một tuần (có nơi còn ít hơn), không biết mình sẽ được khảo sát những nội dung gì và như thế nào, đến ngày thi mới tá hỏa biết rằng mình đang được khảo sát theo tiêu chuẩn châu Âu. Kết quả, tất nhiên, sẽ rất thấp. Và sẽ có kết luận là bao nhiêu phần trăm giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn và phải đi đào tạo lại. Cơ hồ như việc học sinh phổ thông học yếu ngoại ngữ là trách nhiệm chính của đội ngũ giáo viên.

Khoan hãy bàn đến độ tương ứng giữa kiến thức ngôn ngữ dùng cho việc dạy học và kiến thức ngôn ngữ được dùng để khảo sát giáo viên. Vấn đề của tiếng Anh THPT hiện nay là sự khập khiễng giữa việc học và việc kiểm tra đánh giá, giữa tham vọng lồng ghép quá nhiều thứ và mục tiêu chính của ngôn ngữ là giao tiếp.

Mỗi đơn vị bài học trong chương trình tiếng Anh THPT được chia thành năm kỹ năng: đọc, nói, nghe, viết và ngữ pháp - ngữ âm nhưng bài thi tốt nghiệp lại chỉ kiểm tra được chủ yếu kỹ năng ngữ pháp và đọc hiểu. Do vậy, học sinh khá thờ ơ các kỹ năng còn lại.

Bên cạnh đó, lượng kiến thức cung cấp lại quá ôm đồm và mang tính chất hàn lâm như thể chuẩn bị cho học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ đi sâu vào nghiên cứu chứ không phải là giao tiếp.

Bản thân giáo viên cũng bối rối không biết nên làm thế nào cho đúng. Để giao tiếp được thì các kỹ năng ngôn ngữ phải được luyện tập đến mức trôi chảy (ưu tiên mức độ thông thạo hơn là chính xác). Trong khi theo như tiêu chí đánh giá nặng về lý thuyết và tính chính xác cao như hiện nay, để đạt kết quả cao, bất đắc dĩ chúng tôi phải dạy học sinh những mẹo làm bài. Ví dụ như nguyên tắc đánh trọng âm, phát âm: tận cùng bằng ký tự này thì đánh trọng âm thế này, phiên âm thế kia.

Điều này dẫn đến một nghịch lý là khi làm bài kiểm tra các em làm đúng nhưng khi sử dụng ngôn ngữ thì lại sai. (Điều này gần giống như các mẹo khi thi lý thuyết lái xe - kết quả có thể cao nhưng khi ứng dụng lại kém).

Để nâng cao hiệu quả thật sự của việc dạy và học tiếng Anh THPT, thiết nghĩ việc đổi sách hay rà soát năng lực giáo viên không quan trọng bằng việc thay đổi cách thức đánh giá, kiểm tra. Nên chăng cần xem ngoại ngữ như một chứng chỉ bắt buộc khi tốt nghiệp THPT?

LÊ THÚY HẰNG (giáo viên tiếng Anh ở  Quảng Trị)