Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Giáo viên THPT không dám dạy con học lớp 1

TT - Tuy là giáo viên THPT nhưng tôi cũng không dám dạy con trai đang học lớp 1 vì sợ sai phương pháp. Không riêng gì tôi, các đồng nghiệp khác cũng rất bối rối trước những bài tập của con. Giải pháp mà không ít người chọn là đành gửi con đến nhà cô giáo, nhờ cô kèm cặp thêm kẻo sợ con không hiểu bài lại tụt hậu. Mình dạy con người ta, nhờ người dạy con mình cũng là hợp lẽ.
Không thể chối cãi được rằng chương trình tiểu học hiện nay rất khác. Quá khó đối với trẻ, nan giải cho phụ huynh, nhất là chương trình lớp 1. Bài tập tiếng Việt lớp 1 cô ra về nhà “Hãy tìm ba từ có vần UYCH”. Ngoài từ “huỳnh huỵch” ra, con trai tôi cắn nát bút rồi cầu cứu mẹ. Sau một hồi vừa suy nghĩ vừa tra Google, tôi đành cầu cứu người bạn là giáo viên dạy văn một trường THPT nổi tiếng. Bạn tôi cũng bó tay.
Với bài toán lớp 1: tìm một số biết rằng lấy số đó trừ 26 rồi trừ 24 thì được kết quả bằng 20 cộng 1, tôi cảm thấy “choáng váng”. Đặt ra phép toán đã không dễ dàng gì, tìm cho ra đáp án lại càng nan giải. Không lẽ dạy cu con lớp 1 đặt phương trình bậc nhất? Sau khi gọi điện hỏi cô giáo của con xong, tôi càng hoảng hồn hơn khi cô hướng dẫn “chuyển vế đổi dấu” (nên nhớ đây là một bài toán thường chứ toán nâng cao còn “kinh khủng” hơn).
Đến đây tôi cảm thấy thật may mắn vì đã không cố chen chân cậy cục để gửi con vào trường điểm. Con bạn tôi học trường điểm thì tối tăm mặt mũi với bài tập. Bố mẹ nó cũng “chăm chỉ đèn sách” cùng con, lắm khi mất hòa khí vì bất đồng quan điểm. Rồi còn tăng cường tiếng Anh, kỹ năng này nọ. Tội nghiệp những đứa trẻ vừa qua tuổi mẫu giáo đã rơi tõm vào mớ kiến thức nặng nề và đầy bất cập. Không vùng vẫy ắt sẽ chìm!
Nhưng đâu phải ai cũng may mắn được như tôi và đồng nghiệp, chí ít cũng có chút kiến thức và thời gian để kèm cặp con học. Cô công nhân quét rác trước nhà tôi cũng phải cắn răng bỏ ra mấy trăm ngàn đồng mỗi tháng cho con đi học thêm, sợ đứa em đi theo vết xe đổ của thằng anh: học đến lớp 6 nhưng cộng trừ nhân chia còn chưa vững. Chị bán rau phía cuối hẻm cũng hăm hở “cho con đi học thêm chứ mình đâu đủ sức dạy con nữa”.
Thế là những lớp học thêm ra đời. Ngoại trừ vài trường hợp cá biệt (ngành nào chẳng có), còn lại giáo viên dạy thêm cũng là việc “chẳng đặng đừng”. Không dạy thì trò không nắm được bài, kết quả thấp ắt ảnh hưởng đến thi đua và phân loại giáo viên. Phụ huynh thì “yếu bóng vía” cứ năn nỉ nhờ kèm cặp, không lẽ từ chối mãi.
Lên mạng tìm bài tập toán cho con học thêm, với từ khóa “math for elementary school students” (toán dành cho học sinh tiểu học), tôi đã tải về những bài toán của Mỹ rất thú vị, rất sáng tạo. Và hơn tất cả là rất dễ so với những bài toán mà hằng đêm con tôi cắn bút.
Đáng khâm phục hơn là chương trình dù khó như thế nhưng có đến hơn 80% học sinh lớp con tôi là học sinh giỏi (ở trường điểm tỉ lệ này xấp xỉ 100%). Cũng không biết “những thiên tài nhỏ tuổi” đó biến đi đâu mà lên đến lớp 10 chúng tôi lại phải tiếp nhận nhiều em còn chưa rành tiếng Việt, cộng phân số thì hồn nhiên lấy tử cộng tử, mẫu cộng mẫu - u u mê mê như vừa qua một giấc ngủ dài lắm mộng mị.
Mỗi đứa trẻ có đến hơn mười năm ăn học, không thể hiểu nổi người ta làm gì mà “thiếu kiên nhẫn” đến độ nhồi cho trẻ lắm thứ kiến thức đến thế. Cứ cố hết sức mà thổi phồng cho thật to thì quả bóng ấy nếu không nổ tung lập tức cũng im lìm mà xì hơi xẹp lép.
MINH THƯ

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

THƠ VIẾT KHI NHỚ MÙA ĐÔNG

Phố vẫn buồn dù phố chẳng mùa đông
Vẫn hút gió những nẻo đường vô vọng
Ngàn chuyến xe ngược chiều vẫn chở nhọc nhằn nỗi nhớ
Vé lẻ chiều
đâu có cớ để quay về?


*


Đồng thảo vẫn dại khờ nở trắng bờ đê
Duy chỉ có nước đã màu xanh khác
Hờ hững chảy kệ bãi bờ thương nhớ
Có ai đâu gửi thuyền lá xuôi dòng


*


Cuộc đời trôi theo những đường vòng
Tâm - nỗi nhớ những tháng ngày ta thơ dại
Nước mắt trẻ vỡ òa không ngần ngại
Bàn tay lỡ bàn tay
Nông nổi đi tìm


*


Bán kính cuộc đời là thời gian đáy bể mò kim
Trái đất hẹp như sân ga ngày sốt vé
Mãi loay hoay giữa biển người chật chội
Chỉ thấy lạ khuỷu tay
Để lỡ mặt người


*


Bởi quả đất tròn nên tất yếu gặp lại nhau
Buồn một nỗi không phải ngày từng hò hẹn
Lẽ dĩ nhiên vị cà phê cũng khác
Bàn tay nắm bàn tay 
Nghe vọng nỗi chia lìa


*


Chuyện tình yêu khác với những hành trình
Bến duyên phận
đã vụt qua khi mình lơ đãng
Lỡ chuyến này thì thôi
Lên chuyến khác
Có ích gì?


*


Ta về lại xây đập ngăn nỗi nhớ

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Giáo viên chủ nhiệm: khổ hơn chăm con mọn

TT - Các vụ bạo lực học đường được phát tán rộng rãi và gần như trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối. Khi xem những đoạn phim hay bức ảnh đó, sự chú ý của mọi người sẽ dồn vào bộ đồng phục các em đang mang và bảng tên, phù hiệu được khâu trên áo. 

Dư luận xã hội đương nhiên sẽ đặt câu hỏi: các trường học đã giáo dục đạo đức cho học sinh thế nào mà để xảy ra nông nỗi này?
Tại trường học, những giáo viên chủ nhiệm “kém may mắn” cũng được hỏi câu tương tự: các thầy cô đã quản lý thế nào mà để học sinh làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường thế kia?
Ở nhà, bố mẹ các em cũng sẽ tuyệt vọng: tốn cơm cho ăn học nhưng chỉ học được những điều làm xấu mặt cha mẹ vậy hả?
Có thể nói không ngoa rằng gánh nặng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đang đè ngày một nặng trên vai giáo viên chủ nhiệm. Bộ môn giáo dục công dân cung cấp cho các em những kiến thức và chuẩn mực đạo đức. Còn việc hướng dẫn các em thực hành, biến những kiến thức chuẩn mực đó thành kỹ năng, phong cách sống lại thuộc về giáo viên chủ nhiệm. 
Nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò kết hợp của các giáo viên bộ môn. Nhưng việc giáo viên bộ môn có thể phối hợp chỉ là ghi tên những em học sinh vi phạm vào sổ đầu bài hay “méc lại” để giáo viên chủ nhiệm giải quyết.
Chúng tôi thường ví von với nhau rằng làm chủ nhiệm vất vả như nuôi con mọn. Hết giờ dạy, xách cặp về phòng hội đồng nghỉ 5 phút thể nào cũng có đồng nghiệp “kể tội” học sinh lớp chủ nhiệm. Giờ chào cờ, tên các lớp bị phê bình luôn được xướng lên kèm với sở hữu cách “của cô A (thầy B)”. 
Về đến nhà vẫn chưa yên bởi thỉnh thoảng sẽ có phụ huynh gọi điện hoặc hớt hải chạy đến “không biết con tui đi đâu giờ chưa thấy về”. Lúc nào cũng thấy có em tóc dài cần phải nhắc chiều đi học về nhớ cắt, có đứa ngồi học lơ đãng cần hỏi han. Nhìn thấy chỗ trống trong lớp là tưởng tượng coi giờ này trò không đi học thì đang ở đâu. Thấy tờ giấy xin phép kẹp trong sổ đầu bài cũng kiểm tra xem chữ ký có thật của phụ huynh không, rồi tìm số phụ huynh mà hỏi lại coi có thật vậy không.
Có thể làm giáo viên chủ nhiệm còn cực hơn nuôi con mọn nữa. Quản lý và giáo dục gần 50 học sinh đang trong độ tuổi “tâm lý ẩm ương” quả là một việc “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Con cái được gắn kết với cha mẹ bằng sợi dây tình cảm, phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế, nên cha mẹ có nhiều lợi thế, có nhiều thứ để phạt hoặc thưởng hơn. Giận quá, cha mẹ có thể phết vào mông con vài roi cho “nhớ đời, lần sau chừa nghe con”. Nhiều vũ khí lợi hại vậy mà nhiều bậc phụ huynh còn bó tay, phó thác cho những người “tay không lâm trận”: Trăm sự nhờ cô thầy, tui nói nó không thèm nghe. Nó hư, thầy cô cứ thoải mái đánh mắng.
Giáo viên chủ nhiệm quản lý học sinh theo kinh nghiệm (nếu có), trách nhiệm và tình thương là chính. Việc giáo dục đạo đức học sinh cực kỳ quan trọng nhưng nghiệp vụ chủ nhiệm lại được trang bị rất ít ỏi, hiếm khi được tập huấn thêm các kỹ năng (trong 12 năm đi dạy của tôi thì chưa bao giờ). Tài liệu về công tác chủ nhiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chế độ đãi ngộ thê thảm: 4 tiết/tuần (trong đó: 1 tiết sinh hoạt, 6 buổi 15 phút đầu giờ, 1 buổi lao động, hoàn thành sổ sách, cộng điểm, thu tất tật các loại tiền, cùng tham gia chào cờ và các dịp sinh hoạt khác...). Tiền điện thoại liên hệ phụ huynh (tháng nào ít cũng hơn trăm ngàn), tiền xăng xe đến thăm nhà học sinh không hề mảy may được xem xét đến. Nhưng trách nhiệm thì nặng nề, công việc vụn vặt nhiều vô kể, áp lực không nhỏ.
Đúng là chủ nhiệm chẳng khác nào có thêm đàn con mọn - không có thì trống trải vô vị, mà có thì chẳng lúc nào yên.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Sao không biết mặc áo quần?

TTO - Trong lịch sử phát triển, biết mặc áo quần là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự tiến hóa vượt bậc của loài người. Cùng với thời gian, trang phục đã trở nên thiết yếu. Và chức năng của chúng cũng dần dần thay đổi: không chỉ đơn thuần là che đậy và bảo vệ cơ thể mà còn giúp tôn thêm vẻ đẹp, đồng thời thể hiện tính cách, ý thức, địa vị cũng như đẳng cấp của người mặc nó.
Các cô gái khoe thân khi chat trên Paltalk - Ảnh: T.L.
Thế nhưng, quả là một điều ngạc nhiên đáng buồn khi hằng ngày, trên nhiều báo và tạp chí cũng như trên các trang web xuất hiện càng nhiều ảnh: của người nổi tiếng có, người sắp nổi tiếng có, đau lòng hơn là các em còn chưa qua hết tuổi dậy thì cũng có, trong trạng thái của loài người nhiều triệu năm về trước hoặc trong những bộ trang phục chỉ mang tính ước lệ (đôi khi còn cần phải chú thích).
Đặc tính của tuổi mới lớn là tò mò và thích khám phá. Nếu các em cứ phải ngẫu nhiên bắt gặp những bức ảnh trần trụi như vậy trên các ấn phẩm hằng ngày thì làm sao các em còn vô tư trong sáng được? Khi trí tò mò cộng với những dục vọng tuổi mới lớn bị kích thích thì hậu quả rất khó lường.
Có dẫn viện ra lý do nghệ thuật hay kêu gọi gì gì đi chăng nữa cũng không thể nào lấp liếm được tham vọng muốn đánh bóng tên tuổi của chủ nhân những bức ảnh kia. Nhờ Internet, những bức ảnh “hot” này được lan truyền cực kỳ nhanh chóng và rộng rãi. Bám vào đó, tên tuổi của những cô nàng táo bạo này cũng trở nên nổi tiếng có khi chỉ cần sau một đêm. Chính miếng mồi nổi tiếng quá ư dễ dàng đã dẫn dụ thêm ngày càng nhiều người sẵn sàng phô bày cơ thể mình không chút ngượng ngùng.
Họ đương nhiên bất chấp dư luận xã hội, phớt lờ cảm xúc của những người thân quen cũng như không mấy suy nghĩ về con đường tương lai còn đang rất dài phía trước. “Số lượng người biết tên mình liệu có quan trọng bằng việc cái tên mình gợi ra trong đầu người khác những suy nghĩ gì hay không?”. “Hôm nay thiên hạ “sốt” vì “ảnh nóng” của mình thì chắc chắn ngày mai, ngày kia sẽ “phát cuồng” vì những bộ ảnh khác. Danh tiếng phù du đó có xứng đáng để mình “hi sinh” như thế không?”. “Cuộc sống sẽ thế nào sau khi “tàn giấc mơ hoa”?”. Những câu hỏi như vậy có khi nào thoáng qua trong những cái đầu đang mụ mị vì danh tiếng kia không?
Những bông hoa đẹp nhất là khi đang còn hàm tiếu, nhụy hoa còn e ấp. Khi đã mở toang tất cả các cánh, thấy rõ nhụy và đài hoa bên trong thì cũng chính là lúc bông hoa không còn hấp dẫn nữa. Loài hoa quý phải hội tụ cả hương và sắc. Cũng như cô gái cần phải đẹp cả người lẫn nết. Quan niệm “cái nết đánh chết cái đẹp ” có lẽ đã quá cực đoan đối với xã hội hiện đại ngày nay. Thế nhưng, cho dù hiện đại và cởi mở đến thế nào đi nữa, cái đẹp cũng khó lòng mà đè bẹp được cái nết. 
Trong tiếng Việt, có một từ rất tinh tế khi nói về sự kết hợp khéo léo giữa cái đẹp và cái nết trong một cô gái, đó là từ “duyên”. Và tiêu chuẩn của cái duyên thì không thể quy ra rõ ràng rành mạch thành những số liệu các vòng đo cụ thể, càng không nên phơi bày lồ lộ ra cho bàn dân thiên hạ bàn tán.
Có lẽ cũng đã đến lúc các ấn phẩm văn hóa cũng như các website cần phải được dán nhãn phân loại kiểu như loại phổ thông và loại 18+.
LÊ THÚY HẰNG

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Mùa lụt quê mình

(QT) - Mấy hôm liền, mưa to như trút nước. Không biết nước ở đâu cứ ập xuống. Từng đợt từng đợt. Nước cứ tuôn sầm sập sầm sập xuống mặt đất. Không ngưng nghỉ. Không khéo vỡ đê rồi cũng nên. Là mình nghĩ thế.

Sáng nay mở mắt dậy vẫn nghe mưa rơi ầm ầm, bụng bảo dạ vậy là không xong rồi. Lụt thiệt rồi. Mình chui ra khỏi màn, vớ chiếc xe đạp, trùm áo mưa vô đi mua đồ ăn sáng cho con như lệ thường. Những con phố ngập nửa bánh xe là nước ứ. Mấy bà đi chợ sớm lùm xùm áo mưa hét choang choảng hỏi nhau xem đi đò lên à, chỗ chị nước vô chừng mô rồi.

Ngay chân mấy bà đang đọ tiếng với mưa là những mớ cá. Cá lúi, cá lanh cánh, cá ngũ sắc, con nào con nấy mắt còn long lanh, oằn mình giãy đành đạch trong rổ. Loài cá của mùa lụt, cá cất rớ đầu bờ. Nhìn vậy, mình cảm nhận được mùa lụt đã chính thức bắt đầu.

Mùa lụt đến là những ngôi làng biến thành sông, thành rào, thành phá. Những ngôi nhà bình thường đã rất khiêm nhường giờ trở nên xiêu vẹo hơn trong dòng nước lũ. Những cây cột cây kèo, viên bờ lô, bức tường gạch, những bậc thềm ngạch cửa, chuồng gà chuồng heo ngâm mình trong nước lụt bợt bạt đến nao lòng.

Quê mình xơ xác đến độ nước lũ trông cũng nghèo. Không có màu đỏ của phù sa mà chỉ là màu đục đục, lờ đờ như nước luộc hến. Dập dềnh uể oải trôi cùng dòng nước đó là rác rưởi, là xác con vật bị chết, là cây đầu nguồn bị rựt đến tận gốc, đã trôi về tận hạ nguồn rồi mà lá vẫn còn rung rinh.

Nước lên, mọi đồ đạc, của cải đều được đưa lên càng cao càng tốt. Mới lúc sáng là kê lên giường, trưa đến là kê tấm ván lên thành giường, chặp nữa leo lên tra. Nếu nước vẫn còn lên thể nào cũng phải đóng bè chuối đẩy người già với trẻ con lên trường học tị nạn.

Người lớn tiếc của vẫn kiên gan bám trụ lại nhà để chờ nước lên mà kê cái thùng, cái tủ, bưng con heo, bầy gà lên cao hơn. Nhiều người vì thế mà ra đi trong dòng nước lũ. Vẫn biết còn người còn của nhưng những người nông dân lam lũ một đời không thể nào đành lòng đứt đoạn nhìn của cải của mình bỗng chốc trở thành của Hà bá được.

Mỗi trận lụt qua đi để lại sau lưng những làng xóm tiêu điều, xơ xác. Đường sá nhà cửa ngập ngụa bùn non. Lúa trong chồ mọc mộng. Rau ngoài vườn lầy lụa. Khoai ngoài đồng thối rễ. Những đồng ruộng đang xanh mơn mởn bật gốc từng đám. Rồi bắt đầu rầy nâu, sâu hại, rồi dịch bệnh, tiêu chảy, mắt đỏ.

Rồi khi nước rút, những cái sân be bé còn lởm khởm bùn non bắt đầu được chia ra nhiều đám. Đám này phơi lúa phơi khoai. Đám kia kê cái nong hong áo quần ẩm ướt. Cái bậc thềm sạch sẽ cao ráo thì phơi giấy má sách vở. Học trò bắt đầu đi học với sách vở ướt tèm lem, nhoè nhoẹt chữ.

Mình nhớ năm ngoái chủ nhiệm lớp 12, lúc làm hồ sơ chuẩn bị cho các em thi tốt nghiệp, nhiều em cứ luống ca luống cuống vì giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh thư bị hư hoặc bị trôi, chưa làm lại được. Lúc đóng tiếp tiền học phí học kỳ 2 hoặc số tiền còn thiếu học kỳ 1, nhiều em gãi đầu, gãi tai nói mạ em nói cô xin nhà trường đỡ cho vài hôm, nhà chưa có chi bán được hết.

Giá cả ở chợ bắt đầu đắt gấp rưỡi, gấp đôi. Mớ rau, con cá đều nặng trìu trĩu. Người mua kêu trời sao đắt đỏ vậy. Người bán cũng sượng sùng, tuy không nói ra nhưng trong bụng cũng không vui.

Mình đi làm, thấy những chiếc xe phủ bạt kín mít, bên ngoài đeo băng rôn đỏ choi chói “xe cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt” hăng hái lao đi vun vút. Ừ, mấy anh lái xe nhanh nhanh lên. Đang còn nhiều người thèm miếng cơm nóng hay bát mì tôm ngun ngút khói.

Nhìn đoàn xe đi qua, mình mới hiểu vì sao quê mình nghèo vậy mà ai cũng bám lấy, có đi ở mô xa sung sướng thì lòng cũng đau đáu nhớ quê. Vì quê mình là cái rốn. Rốn lũ, rốn hạn, rốn nghĩa tình thân thương. Cái rốn nhắc người ta nhớ tới cái thời nằm trong bụng mẹ. Mà mẹ thì chắc chắn là quê hương rồi.

Quê mình lụt rồi. Nước lụt tận ngoài sông, ngoài đồng mà sao môi mình nghe mằn mặn.

                                                    LÊ THUÝ HẰNG 

http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=99&modid=488&ItemID=33392 

Cụ bà bán trầu cau phố cổ

Hà Nội. Cái rét cắt da cắt thịt đất Bắc thật da diết. Cồng kềnh áo mũ găng tay, tôi đi dạo Hà Nội 36 phố phường.
Những con phố cổ sầm uất và chật chội. Này Hàng Bạc, Hàng Chiếu, Hàng Thiếc, Hàng Đào... Hàng hóa độc đáo và quyến rũ. Người mua bán thăm thú tấp nập, đông đúc.
Trong cái nhộn nhịp sầm uất đó, tôi bắt gặp quầy trầu cau của một cụ bà trên phố Hàng Mã. Gọi là “quầy” cho sang, chứ thật ra cụ ngồi nép bên một gốc cây cổ thụ, cái ghế nhỏ và mẹt bày hàng nằm lọt xuống lòng đường. 
 
Ảnh: L.T.Hằng
“Bảng hiệu” của cụ là một nhành cau tươi gắn trên thân cây. Hai cái mẹt trước mặt cụ bày biện đơn sơ mấy quả cau, vài lá trầu, ống vôi và con dao têm trầu. Một cây chổi tre để sau lưng cụ. Tôi chợt nhận ra chỗ cụ ngồi rất gọn gàng, sạch sẽ.
Thỉnh thoảng có vài người sau khi mua đồ mã trong phố ra ghé chỗ cụ mua vài quả cau, mấy lá trầu. Khi không có khách, cụ ngồi trầm ngâm mân mê mấy thứ hàng hóa trên mẹt. Dáng ngồi trầm mặc của cụ, mấy món hàng đơn sơ của cụ dường như lạc lõng giữa con phố đầy màu sắc và tấp nập này.
Chạnh lòng, tôi nghĩ đến bà tôi ở quê cũng trạc tuổi cụ. Nếu không vì mưu sinh thì chắc cụ cũng chẳng tội tình gì phải ngồi đó trong cái rét đậm rét hại như thế này. Tôi lại nơm nớp lo khi nhìn phố đông đúc, xe cộ cứ như chực lao vào cụ. Mẹt hàng của cụ cả vốn lẫn lời có được bao nhiêu...
Cụ già với mẹt trầu cau trên phố cổ đọng vào lòng tôi như một dấu lặng của Hà Nội phồn hoa đô hội.
L.T.HẰNG

Chồng ơi, vợ muốn...

TT - Sắp đến ngày 8-3, chồng cứ tủm tỉm tị nạnh: “Vợ sướng nhé, mỗi năm có đến hai lần nhận quà... giới tính, không như đàn ông tội nghiệp chẳng có được ngày nào”. “Chồng ơi, điều mà vợ thường ao ước nhất (nhưng không thể nào thực hiện được) đó là vợ không phải nhận hai lần quà đó nữa, vợ muốn được... tội nghiệp như chồng thôi.”
Vợ thèm được sáng sớm trở mình dậy, vớ ngay cái điều khiển tivi để xem bản tin thể thao buổi sáng, sau đó uể oải loẹt xoẹt đi vào phòng tắm, vừa tắm vừa huýt sáo “một ngày mới nắng lên”. Tắm xong sẽ thong thả vận áo quần chỉnh tề, đi ngang qua gian bếp náo nhiệt với một bà mẹ tất bật và hai đứa nhóc cự nự nhau, nở một nụ cười tươi tắn nhất và “chào các con yêu của ba”. Rồi dắt xe ra đường, alô đứa bạn hẹn cà phê nhé, bận à, thế thì chiều, chỗ cũ nhé.
Vợ ước ao cứ tháng đến nhận lương, thảy cho “tay hòm chìa khóa” một khoản nhất định, chuyện giá cả thị trường còn lại đáng để tâm chỉ là ly cà phê nay tăng thêm mấy ngàn, dạo này với chừng ấy tiền làm gì có mồi ngon mà nhậu... Thỉnh thoảng còn được dịp thể hiện sự ngây thơ của mình bằng cách ngạc nhiên: “Ủa, sữa tươi làm gì mà gần 5.000 đồng một hộp”, “Rau vàng hay sao mà tận 10.000 đồng một nhúm tí tẹo thế kia”.
Vợ muốn thử một ngày cái cảm giác đi làm về hỏi “có cơm chưa, chưa à”, vậy thì chạy sang hàng xóm gõ ván cờ hoặc vớ ngay tờ báo trên bàn đọc ngấu nghiến. Một lúc, cơm đã được soạn sẵn trên bàn sẽ nhắc cái người đang lúi húi dọn nồi niêu kia nhớ tắm cho con trước khi ăn, hoặc tí rửa bát xong nhớ lau nhà chứ bụi đầy rồi kìa.
Giá mà vợ có thể vứt áo một góc, quần một nẻo, tất một xó rồi thỉnh thoảng lại cáu nhặng lên: “Sao không còn đôi tất nào sạch hết thế này, cái quần đùi nó mọc cánh bay đi đâu mất rồi”. Ước gì vợ có thể chúi mũi vào máy tính, đôi lúc vì lũ trẻ léo nhéo làm mất tập trung mà quay sang quát tháo: “Làm mẹ kiểu gì không lo quản con, định để chúng làm loạn lên à”.
Vợ cứ ao ước những điều viển vông như thế không phải để kể lể với chồng mà muốn chồng cùng cảm thông, sẻ chia với vợ. Vợ cũng đi làm, cũng chịu áp lực công việc nặng nề đâu kém chồng. Chồng mà không cùng chung tay với vợ trong những công chuyện mà lâu nay chồng cho là “tủn mủn, vụn vặt” kia thì chẳng mấy chốc vợ cũng trở thành “con gì ăn lắm, nói nhiều, mau già, lâu chết”.
Vợ chỉ muốn nói với chồng thế thôi, chồng ạ!
QUẾ CHI

Khi chồng khư khư giữ tiền

TT - Tài sản gia đình xưa nay được thừa nhận của chồng công vợ. Người được mặc định nhiệm vụ nắm “tay hòm chìa khóa” là vợ, chồng còn tếu táo đùa: vợ là ngân hàng gửi vào thì dễ nhưng rút ra lại khó. Nhưng có những ông chồng cứ khư khư giữ lấy tiền của mình.
Ban đầu ai cũng thoải mái với chuyện tiền ai nấy xài, nhưng dần dần... - Minh họa: LAP
Người vợ lại cho rằng chia sẻ tiền nong là chuyện đương nhiên, làm chồng phải biết.
Tiền ai nấy xài
Có những ông chồng ham bia bọt bù khú nên bao nhiêu tiền cũng không đủ “chảy” theo các bữa nhậu. Có ông chồng lại cho rằng khoản chi tiêu trong gia đình chẳng đáng là bao, thu nhập của đàn ông là để tiêu vào những việc lớn lao, trọng đại. Cũng có ông chồng cho rằng khi đưa tiền cho vợ quản lý thì tự dưng mình trở thành đối tượng quản lý của vợ, mất đi “bản lĩnh đàn ông”. Hoặc nhiều ông chồng không am hiểu giá cả thị trường, chẳng biết những chi phí sinh hoạt trong gia đình nên rất khó chịu khi thấy vợ hỏi tiền.
Chị Phương (Đông Hà, Quảng Trị) tâm sự: “Từ khi cưới nhau về đến giờ tôi chưa bao giờ được cầm tiền của chồng. Mọi sinh hoạt phí trong gia đình, quan hệ họ hàng nội ngoại mình tôi cáng đáng hết. Tiền của anh, anh bảo để tích cóp. Khi chỉ là hai vợ chồng son thì mình tôi xoay xở được, nhưng giờ thêm em bé, phát sinh thêm nhiều khoản chi khác nữa thì thật đau đầu. Tôi không muốn vợ chồng sinh sự nhau vì chuyện tiền nong, nhưng cái kiểu phớt lờ của anh ấy thật sự làm tôi mệt mỏi”.
Chị Quyên (nhân viên một công ty cổ phần đầu tư xây dựng) và chồng hiện ở nhờ nhà bố mẹ chị. Thoạt đầu chồng chị cũng tính góp tiền ăn hằng tháng nhưng bố mẹ vợ gạt đi, bảo dành dụm mua nhà. Thu nhập của chị Quyên khá cao nên chị cũng không quan tâm mấy việc chồng có đưa lương hay không. Nhưng đến giờ thằng bé con anh chị đã được 5 tuổi, vợ chồng chị vẫn ở nhờ nhà bố mẹ và chồng mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền chị cũng không biết được. Chị ấm ức: “Chồng tôi cứ khư khư giữ tiền như sợ sểnh ra là vợ cướp mất. Tôi có hỏi xem anh để dành được bao nhiêu rồi thì anh cáu bẳn trách tôi tọc mạch. Thú thật tôi rất hoang mang, không khỏi nghi ngờ anh có điều gì giấu giếm”.
Anh Tấn, chồng chị Phương, bộc bạch: “Lương tôi chẳng bao nhiêu, lại đang trả nợ đầu tư mấy vụ làm ăn. Vả lại, đưa tiền cho vợ đến khi có việc cần “xin” lại thì vợ lại tiếc của cằn nhằn, lên lớp”. Anh nói: “Đàn bà mà, đưa tiền về thì không sao nhưng lấy tiền thì khó chịu ra mặt. Nghe mấy bà ở cơ quan than vãn chuyện này suốt nên tôi ớn lắm rồi”.
Còn anh Dũng, chồng chị Quyên, lại bảo vợ mình nghiện mua sắm, càng đưa nhiều tiền chị càng mua sắm nhiều hơn. “Tôi không đưa tiền thì cô ấy sẽ hạn chế mua sắm lại mà lo cho cuộc sống gia đình. Riêng thu nhập của tôi sẽ để dành, khi cần việc gì lớn sẽ dùng”.
Ban đầu chị Quyên cũng như chị Phương đều thấy thoải mái với suy nghĩ tiền ai nấy tiêu, khỏi phải lệ thuộc chồng và gia đình chồng, đến khi phát sinh mâu thuẫn thì ngại va chạm nên cố chịu đựng cho êm ấm. Nhưng rõ ràng “bằng mặt mà không bằng lòng”, người vợ sẽ dằn vặt không hiểu mình thế nào mà chồng mất niềm tin đến độ không đưa tiền, chồng lập “quỹ đen” để làm gì... Những nghi kỵ nhỏ nhặt ngày càng lớn hơn như bóng đen bao phủ lấy cuộc sống gia đình.
Để tình không... bạc như tiền
Các diễn đàn trên mạng như yeucon.net, diendan.eva.vn, webtretho.com, lamchame.com... có rất nhiều chủ đề được mở ra để chị em nhờ tư vấn cách đối phó với những ông chồng “quên” nghĩa vụ.
Nhiều ý kiến cho rằng vợ chồng ngay từ đầu phải thảo luận rõ ràng với nhau về vấn đề tiền nong, trong đó cả hai đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với gia đình. Ngoài khoản tiền chung của gia đình thì mỗi người cũng có thể giữ riêng cho mình một khoản để chi tiêu cá nhân.
Thành viên Chickencoi đã chia sẻ trên diễn đàn webtretho: Cách tốt nhất là hai vợ chồng nên tâm sự với nhau, nêu lên các vấn đề để cùng giải quyết, chi tiêu sao cho hợp lý. Trường hợp chồng vẫn không chịu để ý và hay tảng lờ thì cố gắng “lôi kéo” chồng cùng tham gia đi chợ, mua sắm vài lần nhằm giúp chồng hiểu được nhu cầu chi tiêu hằng ngày cũng như giá cả thị trường.
Cô bạn thân của chị Quyên khi nghe bạn tâm sự nỗi ấm ức, bèn khuyên bạn mình nên phân chia các khoản chi tiêu trong gia đình thành những khoản cụ thể, thu nhập hai vợ chồng cứ thế cưa đôi hoặc chia theo tỉ lệ nào đó. Những khoản phát sinh thì cả hai vợ chồng cùng bàn bạc quyết định. Bạn chị Quyên còn chỉ chị cách lập sổ chi tiêu công khai trong gia đình để chồng biết được nhu cầu tài chính mà chia sẻ cùng vợ.
Một chuyên gia tâm lý tư vấn: người vợ hãy tạo hình ảnh là một người biết tiết kiệm, biết chi tiêu để lấy lòng tin nơi chồng. Hãy chia sẻ cùng chồng những dự định trong tương lai để hai vợ chồng cùng tiết kiệm và phấn đấu. Người vợ cũng không nên quản lý tiền nong của chồng chặt chẽ quá. Lạt mềm bao giờ cũng buộc chặt.
MINH THƯ

Dạy con không nói dối

TT - Ai làm cha làm mẹ chắc đều từng nói dối con mình, không ít thì nhiều. Nói dối để khích lệ, động viên hoặc để dọa nạt, phê bình trẻ, đủ lý do. Trẻ lớn dần lên và khi phát hiện ba mẹ nói dối, chúng sẽ đánh mất niềm tin cũng như học đòi nói dối.
 Và người lớn chúng ta, nói dối (kiểu nào đây?) hay thôi không nói dối (khó quá!).
Bé luôn đặt niềm tin vào những lời hứa của ba mẹ (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: Quân Nam
“Mẹ nói láo!”
Chị Nguyệt (đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng) choáng váng khi cô con gái 4 tuổi vừa mếu máo vừa chỉ tay vào mặt mình “Mẹ nói láo” khi chị vừa dắt xe vào đến cổng trường. “Sáng nay mẹ nói con vào lớp rồi mẹ đến cơ quan xin nghỉ để đón con về. Sao mẹ không đón?”. Đúng thật, bé Bi sau khi nghỉ bệnh ở nhà một tuần nhất định cứ níu lấy mẹ, không chịu vào lớp, chị lại sợ trễ giờ làm nên hứa đại với con cho xong chuyện. Đến khi nghe con “kể tội” chị mới nhớ lời “hứa cho qua” của mình lúc sáng.
Trẻ con bây giờ tiếp cận thông tin sớm nên khôn ngoan và hiểu biết hơn. Phát hiện ba mẹ nói dối có thể là một cú sốc tâm lý cho trẻ, hình ảnh ba mẹ trong mắt trẻ vì vậy cũng không còn hoàn hảo. Trẻ sẽ trở nên chây ì hơn, lời nói của ba mẹ cũng mất dần trọng lượng. Đừng tưởng trẻ còn nhỏ rồi người lớn tha hồ nói mà không màng đến trách nhiệm của những lời nói đó.
Bé Anh Tú (Trường tiểu học Nguyễn Du, Quảng Trị) tỏ ra rất khoái chí với phát hiện của mình. “Khi con hỗn hay bị điểm kém, ba mẹ hay dọa sẽ kêu chú công an tới bắt hoặc đuổi con ra khỏi nhà. Nhưng chưa lần nào ba mẹ con làm thật cả”. Và bé cũng ấm ức so sánh: “Có hôm ba con đi ăn tiệc về, con nghe ba gọi tới cơ quan báo nhà có việc nên không đi làm được rồi ba con leo lên giường ngủ. Ba mẹ cũng nói dối vậy mà khi con nói dối lại bị ba mẹ đánh đòn”.
Bà Quỳnh (cán bộ về hưu, Quảng Trị) cứ bị con trai (anh Trung) phê bình: “Mẹ đừng hứa cho con bé Na (con gái anh Trung) đi chơi để đút nó ăn. Còn nếu hứa thì mẹ phải làm. Cũng như đừng nói dối để dọa cháu. Nó còn nhỏ, dọa nó làm gì”. Bà Quỳnh lại bảo: “Thì nói thế nó mới chịu ăn. Nó còn nhỏ, nghe xong rồi lại quên chứ lo gì”.
Mọi chuyện không đơn giản vậy. Hằng ngày nhiều người lớn không ngại ngần nói dối trẻ con trong lúc luôn giáo dục con cháu không được nói dối, phải sống trung thực. Thường là vào lúc bận rộn, muốn cho con ngoan ngoãn để mình tập trung làm việc, các bậc cha mẹ hứa hẹn qua quýt với con cho xong chuyện.
Người lớn nhiều việc nên lắm khi quên bẵng lời mình đã hứa, trong lúc trẻ con lại đặt rất nhiều kỳ vọng vào lời hứa đó nên dễ gì quên. Nhiều người lớn lại nói dối để đe dọa, dỗ dành hay trấn an con trẻ, kiểu: “Con không ăn rau thì tóc sẽ không mọc đâu”... Nói dối lần đầu có thể trẻ không phát hiện, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba thì chúng bắt đầu nghi ngờ và kết luận là người lớn nói dối!
Để con không “nhiễm” tính dối trá
Ai cũng biết khi trẻ con đã không tin mình thì khó mà nói cho chúng vâng lời. Để lấy lại niềm tin từ chúng quả là một nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm. Bài học cơ bản là “dành thời gian để lắng nghe những nhu cầu của trẻ, phân tích cho trẻ biết nhu cầu nào chính đáng mới được đáp ứng” thường bị người lớn dễ dàng bỏ qua vì lý do bận rộn, hoặc “chúng còn nhỏ, chắc không sao” xem ra rất cần được ôn lại.
Nếu người lớn không định thực hiện hình phạt đe dọa đó (tất nhiên) thì không nên đưa ra để đe dọa khiến trẻ mất lòng tin. Trường hợp này tốt nhất nên chọn những giải pháp mà cha mẹ chắc chắn làm được, ví dụ dọa không cho đi chơi cuối tuần, không thưởng quà... Chị Nguyệt sau sự cố bị con chỉ tay vào mặt vì lỡ hứa cho qua chuyện cũng đã giật mình thấy được tầm quan trọng của việc “đã hứa phải giữ lấy lời”.
Trường hợp đó chồng chị phải vào cuộc giải thích cho con hiểu khi cháu nhất quyết làm mặt lạnh với chị. Nhưng sau đó chính chồng chị lại rơi vào trường hợp tương tự, khi cứ hứa chở con đi chơi công viên mà suốt mấy tuần liền không thực hiện vì bận rộn công việc. Anh dù không ừ à cho qua chuyện nhưng đã làm cho con cảm thấy “ba chỉ nói để mà nói”.
Anh Trung chia sẻ thêm: “Trong một số trường hợp, để tránh bất tiện người lớn đã gián tiếp chỉ con nói dối, ví dụ như nhờ con ra cổng nói với khách mình không có ở nhà, hoặc bảo con nghe điện thoại vì “ba con đang đi họp”... Những tình huống như vậy sẽ khiến con cái nghi ngờ cha mẹ hoặc vô tình nhiễm tính dối trá.
Tôi nghĩ nên cân nhắc giữa điều mình đạt được do nói dối và bài học nhân cách mà con mình học được. Thường thì tôi sẽ hạn chế tối đa những trường hợp bất đắc dĩ như thế trước mặt con cái. Riêng đối với những việc không thể nói sự thật cho trẻ thì cũng nên thẳng thắn với trẻ rằng việc đó con chưa nên quan tâm và mình sẽ không trả lời, đợi đến lúc phù hợp để nói với con hoặc là con sẽ tự hiểu”.
MINH THƯ

Sáng ở mắt, tối trong tim

TT - Người Việt chúng ta từ xa xưa đã xem những con sông là biểu tượng của sự vĩnh cửu, trường tồn nên mới đưa vào thề thốt “dù cho sông cạn đá mòn...”. Đâu có ngờ có ngày đến sông Hồng cũng cạn khô trơ lòng đất nứt nẻ, Cửu Long giang hùng vĩ bị xếp vào một trong mười dòng sông khô hạn nhanh nhất thế giới!
Nằm ở hạ lưu các con sông lớn, chúng ta thừa hưởng nhiều phù sa từ thượng lưu bồi đắp thành những vựa lúa phì nhiêu, những vùng đầm phá cửa biển lắm tôm nhiều cá. “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” là niềm tự hào châu thổ mà nhiều đời trước đã truyền lại, nhưng không dám chắc chúng ta có thể truyền tiếp niềm tự hào ấy cho đời sau hay không.
Cũng bởi nằm ở hạ lưu nên phần thượng lưu của những con sông đã được các nước sở tại khai thác tối đa để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước họ. Mười mấy đập thủy điện lớn nhỏ trên sông Mekong đã ngăn phần lớn lượng nước đổ về hạ lưu. “Mất mùa lũ” đương nhiên dẫn đến “mất mùa lúa” do cỏ chét, sâu hại, mầm bệnh tồn lưu, dịch bệnh và còn nhiều thứ hiểm họa do biến đổi môi trường khác chưa thể lường trước được.
Bên cạnh đó, việc phát triển ồ ạt nhà máy thủy điện của chính chúng ta trên hầu hết các con sông lớn cũng đã góp phần không nhỏ gây nên những cơn đại hồng thủy vào mùa mưa và nạn hạn hán đồng khô cỏ cháy vào mùa nắng. Vẫn chưa hết, những Thị Vải, Thu Bồn, Vu Gia, Trà Khúc, Đồng Nai... từ những dòng sông nên thơ trù phú giờ đây nước đen ngòm, hôi thối bởi ống nước thải của các nhà máy.
Mười mấy phần trăm tỉ trọng GDP công nghiệp tăng liệu có thỏa đáng với những gì đã đánh mất?
Những người dân Lào thật thà đã có câu nói rất hay về việc xây đập Xayaburi rằng “Xây đập mang lại ánh sáng ở mắt nhưng bóng tối trong tim”. Một khi tim đã mang bóng tối thì cơ thể liệu có còn sự sống?
MINH THƯ

Phụ huynh: nhiều kiểu “cá biệt”

TT - Đọc bài “Phụ huynh cũng cá biệt” trên Tuổi Trẻ, tôi thấy rất tâm đắc, như có ai đó gãi giùm mình chỗ ngứa.Chiều chủ nhật vừa rồi trường tôi tổ chức buổi họp phụ huynh giữa năm. Họp xong, tôi nhận thấy không chỉ riêng bản thân mình mà các giáo viên chủ nhiệm khác cũng tỏ vẻ mệt mỏi, ngao ngán. Nghĩ đến câu ca xưa “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” mà xót xa.
Trong buổi họp phụ huynh, tôi đã lịch sự tắt chuông điện thoại nhưng cuộc họp cứ khoảng năm mười phút lại bị gián đoạn bởi “những đồi hoa sim ơi những đồi hoa sim” hay “xa anh mới ban chiều mà sao lòng nghe buồn tênh” và đáp lại là tiếng của vài phụ huynh hồn nhiên như đang ở chốn không người.
Trong lúc giáo viên chủ nhiệm báo cáo cụ thể tình hình học tập và rèn luyện của từng học sinh thì phụ huynh rào rào nói chuyện, chốc chốc lại có người kêu lên sao cô không nhắc tới con tui, con tui, con tui nữa. Giáo viên chủ nhiệm có lịch sự nhắc nhở thì cũng chỉ trật tự được đôi ba phút, cho đến khi các phụ huynh có ý thức khác phản ứng gay gắt hơn mới yên lặng được đôi phần.
Nhà trường đã thông báo thời gian họp phụ huynh trước hai tuần nhưng chỉ độ một nửa số người đi họp là cha mẹ học sinh, còn lại là anh chị vừa mới tốt nghiệp một vài năm, có mấy cụ bà lụm cụm nói cha mẹ hắn mắc đi làm nên kêu tui đi họp thì tui đi chớ tui đâu biết gì!?
Điểm danh xong, tôi phát hiện những học sinh không có cha mẹ đi họp phần lớn học yếu, chưa chăm ngoan và hoàn cảnh gia đình hoàn toàn không khó khăn. Liên hệ bằng điện thoại thì họ trả lời “mấy tiền tui cũng nộp hết, giờ tui mắc công chuyện”. (Trời ơi, tôi muốn gặp là để bàn chuyện kết hợp giáo dục học sinh chứ đâu chỉ chuyện nộp tiền).
Họp xong kể lại với đồng nghiệp, có người cười, nói phụ huynh tôi vậy còn đỡ, có phụ huynh còn kỳ cục hơn nữa kia. Như lớp cô P. có bà vừa ngồi chồm hổm trên ghế vừa rít thuốc lá khói um cả một góc phòng, thỉnh thoảng nhổ phèn phẹt xuống đất. Cũng lớp đó có phụ huynh cuộc họp nào cũng yêu cầu đổi giáo viên này giáo viên nọ (vì con bà học yếu) với cái lý “tui nghi ngờ trình độ của giáo viên đây, con tui nếu dốt thì dốt vài môn thôi chứ môn nào cũng dốt thì do đội ngũ giáo viên rồi”!
Cô N. liên hệ nhiều lần với phụ huynh qua điện thoại để báo cáo tình hình học sinh (em này cá biệt) thì bị phụ huynh than sao cô phiền phức quá đi, làm cô giáo đến ứa nước mắt.
Thầy L. nhận được bức thư xin phép của phụ huynh đề “kính thưa thầy H. chủ nhiệm” (thầy H. chủ nhiệm em đó hồi lớp 10, bây giờ học sinh đã học lớp 12 và đã thay giáo viên chủ nhiệm cách đây hai năm).
Thật lòng, trước những phụ huynh trên chúng tôi thấy rất giận nhưng lại thấy thương cho học sinh mình.
MINH THƯ

Sao lại chưa cần thiết?

Luật thuế TNCN được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 20-11-2007 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2009. Năm 2007, mức lương tối thiểu chung là 340.000 đồng, giá vàng 1,3 triệu đồng/chỉ. Lạm phát hai năm 2007 và 2008 ở mức trên hai con số và năm 2010 cũng lên 11,75%. Năm 2010, mức lương tối thiểu chung là 730.000 đồng/tháng và giá vàng đã lên tới 3,6 triệu đồng/chỉ, tăng gấp 2,8 lần.
Thế nên mức chịu thuế TNCN cùng yếu tố xét giảm trừ gia cảnh được áp dụng năm nay vẫn còn y như cũ đang ngày càng trở nên quá lỗi thời, bất hợp lý, gây ra không chỉ khó khăn về mặt tài chính mà còn nhiều bức xúc cho người chịu thuế.
Theo ông Vũ Văn Trường (vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính), ngành thuế sẽ “lắng nghe” “trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, xem xét toàn diện các vấn đề” nhưng chưa “thấy cần thiết” nên Bộ Tài chính vẫn “chưa có chủ trương sửa đổi luật thuế này”.
Tại sao Bộ Tài chính lại thấy chưa cần thiết? Vì bộ cho rằng “phải xem xét tính toàn diện của các nhận định vì mức sống của xã hội là khác nhau”. Ông Trường còn dẫn chứng thêm tại sao với mức lương cơ bản chỉ khoảng 800.000 đồng/tháng hiện rất nhiều người vẫn “sống được và xin vào làm việc”.
Ngày 24-12, UBND TP Hà Nội đã thống nhất chuẩn nghèo, cận nghèo của TP giai đoạn 2011-2015. Theo chuẩn mới, những hộ sống ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân từ 750.000 đồng/người/tháng trở xuống và những hộ sống ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 550.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Lẽ nào Bộ Tài chính lại lấy chuẩn thu nhập xấp xỉ mức nghèo đói để kết luận rằng nhiều người vẫn “sống được” nên thấy “chưa cần thiết” phải điều chỉnh lại Luật thuế TNCN?
Có lẽ bất cứ người lao động nào cũng ý thức được rằng nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Nhưng tính thuế thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo nguồn thu của ngành thuế mà không gây khó khăn cho đời sống nhân dân, có lẽ Bộ Tài chính nên “lắng nghe” và có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
MINH THƯ

Nhắc nhở Bút Bi!

TT - Kính gửi Bút Bi, Trước hết, tôi xin tự giới thiệu mình là Tử Thần. Mong Bút Bi hết sức bình tĩnh, khoan vội nghe đến tên tôi mà hoảng sợ. Tôi viết thư này chỉ để nhằm minh chứng cho tên của tôi đang bị Bút Bi sử dụng ngày càng nhiều và trong chừng mực nào đó đã xúc phạm đến tôi.
Bút Bi biết đấy, tôi là Thần Chết, chứ không phải Pol Pot hay Hitler. Tôi không gây ra nạn diệt chủng, việc làm của tôi là thực hiện quy luật của cuộc sống: có sinh, có tử. Mỗi khi ra quyết định triệu tập ai, tôi cũng phải làm việc hết sức nghiêm túc với Nam Tào, Bắc Đẩu, họp với Diêm Vương và cả thánh Pierre gác cổng thiên đường. Nói vậy để Bút Bi biết rằng công việc của chúng tôi hết sức cẩn trọng, luôn được xem xét kỹ lưỡng chứ hoàn toàn không tắc trách một chút nào.
Vậy mà, Bút Bi không rõ vô tình hay hữu ý đã luôn đưa tên của tôi đi kèm với những cái hố giữa đường, những cái cống không nắp đậy, những hố ga sai quy cách... làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân tôi.
Mong Bút Bi hãy sửa chữa, gọi đúng tên sự việc, ví dụ là cái hố vô trách nhiệm, những cái cống thiếu lương tâm, những hố ga kém đạo đức...
Mong lắm thay. Xin chào Bút Bi.
Kính thư!

Biết khi nào mới hết “trông nhiều bề”

TT - Gạo nàng thơm chợ đào từ lâu đã nức tiếng thơm ngon dẻo dai. Mấy ngày nay lại nổi tiếng hơn từ việc nông dân yêu cầu bồi thường bởi “nàng thơm” thẹn với ánh sáng đèn cao áp từ đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà nghẹn đòng khiến nông dân mất trắng. Sự việc này lại một lần nữa gióng hồi chuông báo động về những rủi ro trong canh tác mà người nông dân thời nay phải chịu.
Từ xưa nông dân đã là những người lao động vất vả và bấp bênh nhất do thiếu thông tin dự báo thời tiết, thiếu kiến thức canh tác, thiếu phương tiện hỗ trợ, thiếu hệ thống thủy lợi... Thiếu đến nỗi mới cắm cây lúa vào ruộng đã thắc thỏm “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.
Ngày nay, với đầy đủ hệ thống thủy lợi, tưới tiêu nội đồng, các loại máy móc hỗ trợ canh tác hiện đại, kiến thức khoa học kỹ thuật được phổ biến rộng rãi nhưng nông dân vẫn là những người lao động khổ nhất, thậm chí còn phải “trông nhiều bề” hơn nữa.
Đổ lúa ra ngâm đã trông đừng mua phải lúa giống giả. Cây lúa mọc mầm đã phải trông các hồ đập đừng xả lũ. Cây lúa lên xanh lại phải trông các sinh vật nội địa lẫn ngoại lai đừng tàn phá, trông thuốc bảo vệ thực vật vừa phun không phải là thuốc giả. Lúa vào nhà rồi lại trông đừng rớt giá. Thả đàn gà đàn vịt lại trông đừng cúm gia cầm. Chăm con heo trong chuồng lại phải trông đừng “tai xanh”, cột con bò vào cọc lại thẫn thờ trông đừng lở mồm long móng...
Trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, có nhiều dự án ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nhưng nông dân lại là những người được hưởng lợi ít nhất. Các nhà máy thủy điện được xây dựng ồ ạt, việc ngăn dòng cũng như xả lũ khiến người chịu thiệt hại lớn nhất đương nhiên là nông dân nhưng khu vực nông thôn cũng luôn là khu vực “ưu tiên” bị cắt điện khi thiếu hụt.
Nông nghiệp là một ngành nghề có hệ số rủi ro cao nên rất cần được bảo hiểm. Đây rõ ràng là một thách thức lớn đối với các công ty bảo hiểm do lượng khách hàng tuy lớn nhưng năng lực tài chính để đóng phí lại không cao. Các công ty bảo hiểm cũng không thể và không đủ khả năng bù lỗ mãi được.
Nên chăng, cần xem xét thu phí hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các dự án có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sản xuất nông nghiệp?
Hơn 70% dân số nước ta vẫn là nông dân. Đừng để những người nông dân thế kỷ 21 này vẫn phải mỏi cổ không chỉ “trông trời, trông đất, trông mây” mà còn phải dè chừng đèn cao áp hay trăm thứ không có trong ca dao, tục ngữ khác nữa.
ANH MINH (Quảng Trị)

Đổi mới sao cho thiết thực

Cảm ơn tác giả những bài viết “Đổi mới nửa vời” đã giãi bày hộ nỗi lòng của không chỉ học sinh mà cả phụ huynh lẫn giáo viên chúng tôi.
Cơn sốt màn hình LCD cũng đã lan về tận những trường ở vùng xa xôi và khó khăn hơn như trường tôi chẳng hạn. Đầu năm họp phụ huynh nghe nhà trường huy động đóng góp để mua màn hình LCD lắp ở mỗi lớp học nhằm “tạo điều kiện tối đa cho các em học tập, tiếp cận với những phương pháp giáo dục hiện đại nhất”, ai ai cũng nhất trí đóng góp cho dù số tiền huy động so với thu nhập của họ không nhỏ chút nào.
Cùng với việc mua màn hình lắp ở phòng học, số tiền huy động đó còn được dùng trang bị một số máy tính xách tay để giáo viên sử dụng phục vụ việc dạy học bằng giáo án điện tử, gia cố cửa nẻo để bảo vệ những thiết bị đắt tiền nói trên.
Số màn hình LCD được lắp lên, sử dụng chỉ đôi ba lần trong tháng do thư viện giáo án còn hạn hẹp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là một việc hoàn toàn chính đáng và nên làm, tuy nhiên còn phải xem xét tình hình thực tế của học sinh cũng như đặc thù môn học.
Với đối tượng học sinh phần lớn trung bình và yếu, mỗi tiết học có trình chiếu đối với các em cũng chỉ như đi xem phim mà thôi.
Khi thiết kế phòng học người ta chưa nghĩ đến việc sẽ có thêm LCD nên màn hình được treo hoặc lệch góc hoặc phía trên bảng đen khiến không chỉ học sinh nhức mắt mỏi cổ mà giáo viên cũng bất tiện không kém, nhất là với những giáo viên thấp bé.
Màn hình được lắp chỉ từ 32-42 inch - do kinh phí một phần, phần nữa do nếu màn hình có lớn hơn cũng chẳng còn chỗ mà lắp.
Giá số kinh phí đó được sử dụng để đầu tư một vài phòng chức năng nghe - nhìn cho tử tế, màn hình to và rộng hơn, được đặt ở nơi thích hợp thì sẽ hữu ích hơn. Hoặc được dùng để trang bị lại bàn ghế học sinh theo hướng gọn nhẹ linh hoạt, giúp các em có chỗ ngồi thoải mái, thuận tiện khi di chuyển làm việc theo nhóm, tăng hiệu quả tiếp thu.
Hãy đổi mới phương pháp dạy học từ những điều cơ bản và thiết thực nhất.
QUẾ CHI (Quảng Trị)

Lỗi tại ta

TTC - Dạo này, càng ngày càng nhiều hố tử thần tự dưng xuất hiện, càng nhiều xe đâm đầu xuống hố, may mà chưa thiệt hại về người, chứ không thì chưa biết ai chịu trách nhiệm...

- Cái hố nó ở giữa đường, người đi tự nhìn đường mà đi, không cẩn thận rơi xuống thiệt thân, chứ ai xô ai đẩy mà phải chịu trách nhiệm?
 - Trên đời này có cái gì mà tự nhiên, cái hố chình ình giữa đường là do có người đào, người bươi lên chứ!
- Thì bên giao thông công chính thừa nhận có đào đất lên, nhưng người ta cũng lấp đất lại rồi. Do bên địa chất công trình không chịu cảnh báo trước là có thể xảy ra lún sụt...
- Bên địa chất công trình làm sao biết được có khi mưa lớn như vầy mà cảnh báo? Do bên khí tượng thủy văn không chịu báo trước ngày nào có mưa để người đi đường biết mà ở trong nhà chứ!
- Sao không thông báo, tivi ngày nào chả có mấy bản tin thời tiết, chẳng qua do ý thức của người dân kém, biết mưa to biết đường ngập vậy mà cứ a ra đường thì làm chi chẳng đâm đầu xuống hố...
- Quanh đi co lại cuối cùng cũng lỗi tại người dân!
- Thì chứ tại ai nữa, ai bảo làm dân trong thời đại mở cửa hội nhập này mà không chịu nâng cao ý thức phòng vệ của bản thân, tôi luyện khả năng thích ứng với thời cuộc, trau dồi phản xạ đối phó kịp thời với mọi thách thức, tự bảo vệ bản thân, bảo vệ tài sản của bản thân cũng như tài sản của Nhà nước... Lỗi tại ta! Xin đừng trách lẫn trời gần, trời xa...!
CÀ PHÊ (Quảng Trị) 

Mùa... tiền học

TTC - Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường vẫn rụng đầy và trên không vẫn là những đám mây bàng bạc.
Nhưng những kỷ niệm nô nức của buổi tựu trường có chăng còn trên giấy, vì trẻ con phần lớn đều phải biết đọc biết viết trước khi đến trường, và bạn bè hầu hết đều đã quen thân ở lớp luyện thi, nên lòng không còn nao nao nữa.

Nhưng cảm giác hoang mang của phụ huynh thì mỗi ngày một trào dâng, kể từ khi vừa mới dứt tiếng ve kêu vào hạ. Những ai có con học đầu cấp thì đó là thời điểm bắt đầu của buổi chạy trường, rồi chạy chỗ học thêm cho con, tiếp đến chạy theo áo quần và đồng phục, theo sách vở bút mực cặp sách đủ loại.
Gần đến ngày tựu trường lại lo chạy bóng bay cờ tay cho đúng theo qui củ. Sau đó sẽ được dự cuộc họp phụ huynh đúng theo tinh thần dân chủ. Tiếng trống trường đã điểm cũng là lúc phụ huynh chính thức bước vào mùa... tiền trường.

Tiền học, chính xác nó không phải là học phí, vì học phí (phần được miễn giảm cho con em các gia đình chính sách, mồ côi và hộ nghèo hộ đói) chỉ là một phần rất nhỏ, cụ thể là khoảng 1/8, 1/9 gì đó số tiền mà đầu năm phụ huynh các em phải đóng.

1- Người thu tiền cũng khổ

Làm giáo viên chủ nhiệm, công việc sợ nhất đầu năm của mỗi chúng tôi là điều hành một phiên họp phụ huynh, công bố các khoản thu nộp, và sau đó là ngập trong số má và tiền bạc.

Dĩ nhiên, các khoản thu nào cũng hợp lý và phục vụ các em như nước uống, như vệ sinh, như văn phòng phẩm... Nhưng giá như các khoản đó được tính toán gọn luôn trong khoản tiền học phí (tính học phí trọn gói) và việc thu tiền giao cho giáo vụ.

Nói đến học phí thì đúng là chúng ta đang rất quan tâm đến giáo dục và trẻ em. Khoản tiền học phí thu mỗi tháng rất nhỏ (như ở trường tôi chỉ 25.000đ/học sinh/tháng), con thương binh và con mồ côi được miễn, con hộ nghèo thì giảm xuống một nửa. Như vậy, việc nộp học phí đâu còn là gánh nặng, mỗi năm mỗi em độ 225.000đ tiền học phí thì đừng nói 1, 2 đứa mà cả 5, 6, 7 đứa đi học cũng có thể nộp được!

Nhưng khoản học phí đó tạm được coi là học phí tượng trưng. Bởi không một trường học nào hoạt động được với ngân sách khoán trong số tiền học phí thu được ấy. Vì vậy, muốn có quạt mát và điện sáng cũng như nước uống, nước rửa tay rửa mặt, thì các em phải đóng thêm khoản bù điện nước; muốn có chỗ đi vệ sinh sạch sẽ (cái này thì không thể không muốn được) thì lại phải thêm khoản nộp phí vệ sinh; muốn có bảng tên, giấy kiểm tra, sổ liên lạc lại thêm khoản văn phòng phẩm; muốn truy cập internet lại có thêm khoản phụ thu internet; muốn khỏi lót dép ngồi khi chào cờ lại phát sinh ra khoản ghế ngồi; đi xe đạp đến trường lại nộp tiền thuê người giữ xe đạp; cuối năm muốn phát thưởng động viên các em học sinh giỏi, học sinh tiên tiến lại phải huy động thêm một khoản gọi là khuyến dạy khuyến học,... vân vân và vân vân nữa... Thành ra, cái khoản học phí nhỏ nhoi ấy phải cõng thêm một loạt các khoản phụ thu khổng lồ khác nữa.

Hàng ngày, cứ mỗi 15 phút đầu giờ, thấy mặt giáo viên chủ nhiệm là học sinh đến xoay quanh nộp tiền. Giáo viên thì bối rối, ghi ghi, chép chép, đếm đếm một cách lóng ngóng (Khổ, đời giáo viên có bao giờ được đếm nhiều tiền thế đâu mà chẳng lóng nga lóng ngóng!). Vài ngày sau, đám đông học sinh vây quanh giáo viên chủ nhiệm đã vắng, lúc đó chủ nhiệm mới thống kê lại em nào nộp, em nào chưa nộp, rồi lại phải làm chủ nợ bất đắc dĩ.
Nhiều lúc tới lớp, thấy mấy em chưa nộp tiền nhìn mình ngài ngại, mình cũng nhìn lại, đầy ái ngại. Nhà trường cho giáo viên khoảng thời gian nửa tháng để thu tiền. Hết thời hạn đó, giáo viên phải hoàn thành các khoản thu nộp, em nào chưa hoàn thành thì lập danh sách để nhà trường xử lý.

Nhà trường xử lý sao thì chưa biết, bởi hầu hết giáo viên chẳng ai nỡ lập danh sách học sinh mình trình lên cấp trên, chỉ bởi lý do là em đó chưa có tiền để nộp. Vì vậy, đến hạn thu nộp là giáo viên chủ nhiệm nào cũng như nấy, mặt mày sớn sa sớn sác, tìm cách để lấp cho đầy chỗ trống, rồi sau đó có khi 1 tháng, khi 2 tháng, cũng có trường hợp cuối năm mới thu hồi lại được khoản tiền đã tạm ứng đó.

Giá mà nhà trường phân công giáo vụ, tức là những người không trực tiếp lên lớp, giáo dục, dạy dỗ các em thu các khoản tiền này thì hay hơn. Giáo viên chủ nhiệm đỡ mang tiếng là người đi đòi nợ các em, nhìn em nào cũng biết là em này còn thiếu khoản gì khoản gì chưa nộp, em này được miễn được giảm bao nhiêu. Học sinh cũng tự tin hơn trước giáo viên, khỏi ái ngại hôm nay mình chưa có tiền nộp không biết cô thầy có nhắc hay không.

2- Người nộp tiền càng khổ hơn!

Thu tiền với điều hành họp phụ huynh mãi rồi cũng có lúc tôi đem tiền đi nộp, và ngồi dự họp phụ huynh. Đã từng là người trong cuộc, tôi quyết tâm làm một phụ huynh gương mẫu, chỉ ngồi nghe, đồng ý, và nộp tiền, không hỏi han gì thêm các khoản thu nộp. Bởi tôi biết có hỏi cũng chỉ làm giáo viên chủ nhiệm lớp thêm lúng túng (các cô cũng như tôi, đâu có được quyết các khoản thu hay chi đó).

Ví như năm nay, tỉnh tôi không thu tiền xây dựng trường. Thế là ở trường các con xuất hiện thêm khoản gọi là xã hội hoá. Mục đích của khoản này cũng không khác chi mấy với khoản tiền xây dựng trường mấy năm trước, nhưng không gọi là tiền xây dựng, mà gọi là tiền xã hội hoá. Như vậy, năm nay đã giảm được khoản tiền xây dựng.

Vì công nghệ thông tin là một trong những điểm nhấn của ngành năm nay, nên các khoản thu cũng được nhấn vào đó. Khoản để cô in giáo án, khoản để cô làm giáo án điện tử, khoản mua máy vi tính để cô soạn giáo án điện tử, phục vụ giảng dạy cho các bé lớp mầm trường mẫu giáo. Tất tật khoản nào cũng có lý, cũng phục vụ lợi ích thiết thực trước mắt và lâu dài của con em mình, nên tất thảy phụ huynh đều hoan hỉ đồng ý.

Sau khi hoan hỉ xong, thì phụ huynh mới chợt nhớ ra là khoản thu năm nay gần gấp đôi năm ngoái, mà lương của phụ huynh thì vẫn y xì với năm kia!

ĐỨC QUANG TRÍ

Tâm sự nàng dâu ngày Nhà giáo

TTC - Mẹ kính yêu! Ắt hẳn mẹ rất ngạc nhiên, thậm chí còn hơi sốc khi nhận được bức thư này. Biết thế nên con đã chọn hôm nay, một ngày thời tiết mát dịu, không có bão gần bão xa hay áp thấp nhiệt đới gần bờ, mẹ vừa mới lãnh lương hưu và cô Út mới điện thoại báo tin đã mua được đất xây nhà.
Trong tâm trạng hân hoan đầy phấn chấn như vậy, con hi vọng mẹ sẽ dành chút ít thời gian quý báu đọc những dòng tâm sự xuất phát từ tận đáy lòng sâu thăm thẳm nhất của con.

Con biết con đã làm mẹ thất vọng nhiều. Ngày đầu tiên (con vẫn nhớ như in), lúc anh ấy (sau này là chồng con) đưa con về ra mắt, con nhận thấy mắt mẹ lấp lánh ánh mãn nguyện khi con lí nhí nhận con là giáo viên. Mẹ hồ hởi hi vọng rằng con dâu mẹ sẽ thong thả, nhàn nhã dành nhiều thời gian chăm sóc nhà cửa và phụng dưỡng mẹ khi tuổi già. Nhưng mẹ đã nhầm.
Mà không chỉ riêng mẹ mà cả con, cả những đồng nghiệp của con cũng đã nhầm khi ảo tưởng đi dạy là một nghề nhàn nhã, nhiều thời gian rảnh, lương tâm thanh thản và có hệ số phụ cấp cao.
Chắc mẹ bực dọc lắm khi con dâu mẹ đi sớm về muộn, đã vậy về đến nhà còn chúi mũi vô mớ công việc bới theo. Vì mẹ khác ngành nên mẹ không hiểu (mà nếu ngay cả mẹ có cùng ngành thì việc đi dạy bây giờ so với việc đi dạy ngày xưa khác xa rồi mẹ ạ!).
Khi lên lớp, ngoài việc đương nhiên là phải dạy đúng phân phối chương trình, bọn con phải dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng, căn cứ tình hình thực tế học sinh, hoàn cảnh hiện tại của địa phương sao cho vừa đảm bảo kiến thức vừa đạt chỉ tiêu mà nhà trường giao phó. Với từng ấy yêu cầu, bọn con đi dạy mà phải cẩn trọng như đi dò mìn, căng thẳng lắm mẹ ạ!
Bên cạnh việc đi dạy, chúng con còn phải tham gia vô số phong trào, hưởng ứng vô số đợt thi đua, phấn đấu vô số chỉ tiêu, vô số danh hiệu, phải lập cho được vô số thành tích để chào mừng vô số dịp. Con còn phải viết đủ loại kế hoạch, phương hướng vào đầu tháng, báo cáo tiến độ vào giữa tháng và thống kê số liệu vào cuối tháng.
Đó là chưa kể tới các kế hoạch học tập, kế hoạch đổi mới, kế hoạch giáo dục, kế hoạch phối kết hợp... năm nào cũng có và năm sau bao giờ cũng nhiều hơn năm trước dăm ba loại, chưa kể tới giáo án, sổ báo giảng là loại kế hoạch hàng ngày nữa.
Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên chủ nhiệm giỏi, chiến sĩ thi đua mà bất cứ giáo viên nào cũng phải cố đạt cho bằng được, các nữ giáo viên như bọn con còn thêm “Nữ giáo viên tài năng duyên dáng”, “Cô giáo mẫu mực”, “Phụ nữ tiến bộ”, “Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà”, “Phụ nữ thời đại mới”... Mẹ xem, phụ nữ chúng con đương nhiên không phải là siêu nhân, lấy đâu ra lắm năng lượng và tài năng đến thế.
Vậy nên, con phải lựa chọn hoặc là giỏi việc nước hoặc đảm việc nhà. Mẹ đừng trách con sao lúc nào cũng bần thần tính toán. Người ta đã nhầm to, mẹ ạ. Họ tưởng nhầm nhà sư phạm là sự kết hợp giữa sư và phạm. Nên họ trả cho bọn con đồng lương vừa đủ để ăn (chỉ xì dầu và đậu phụ) và sống (không con cái gia đình) như sư và mặc như phạm. Nhưng con cũng không lấy thế làm buồn, vì nghề con là nghề cao quý. Mà cao quý thì dĩ nhiên là không màng đến vật chất với lợi ích tầm thường đó.
Con chủ quan khi tự cho phép lương tâm mình thanh thản. Con không tham ô, tham nhũng, không quan liêu, cửa quyền, hống hách cũng không lợi dụng chức vụ quyền hạn. (Mẹ biết đấy, với vị trí công việc của con, con đâu có lấy một nửa cơ hội để phạm những tội đáng lên án đó). Ấy là con nghĩ thế.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ thế. Nên, luôn luôn, bọn con được trau dồi về đạo đức tư tưởng, về nhân cách, về phẩm chất nhà giáo. Và luôn luôn bọn con phải báo cáo xem mình đã làm gì để chống tiêu cực, tự vấn xem những việc mình làm có việc nào lợi dụng chức vụ quyền hạn, mình đã thu hoạch được gì, đã học tập được gì từ phong trào này, đợt vận động nọ.
Nhân ngày đẹp trời, con trút vào trang giấy vài dòng tâm sự để mẹ con mình hiểu nhau thêm. Con sẽ luôn cố gắng phấn đấu để mẹ có thể tự hào về con.
Con dâu mẹ.
Ký tên
 ĐỒNG THỊ BÓNG (Quảng Trị) 

Bài toán mỗi ngày

TT - Những tháng sau tết, người dân quê tôi đã ví cái ngặt nghèo túng thiếu trong câu tục ngữ “Giêng hai cắn ngón tay không ra máu”. Giờ đang buổi giêng hai đó, việc tăng lương tối thiểu vẫn còn nằm đâu đó trên giấy nhưng giá cả đã vùn vụt tăng.
Đang còn chưa hết bàng hoàng vì tiền xăng tăng vọt cuối tháng 2, tiền điện đội lên đầu tháng 3 thì người tiêu dùng phải choáng váng vì giá xăng lại tăng thêm 2.000 đồng/lít.
Những thứ không mấy liên quan gì đến xăng, đến điện, đến vàng, đến đôla nhưng lại cực kỳ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của người dân cũng vùn vụt tăng theo hiệu ứng đôminô. Người có thu nhập trung bình trở xuống bạc mặt, lao đao trước những đợt tăng giá.
Người có thu nhập trung bình trở xuống bạc mặt, lao đao trước những đợt tăng giá (ảnh minh họa) - Ảnh: M.C
Ngay cả học phí cũng tăng nhiều. Gần hết hạn thu nộp mà ở trường tôi vẫn còn nhiều phụ huynh rón rén “cô thông cảm giúp, tui kêu cân con heo mà chưa được”, hay “cô đợi thêm ít bữa nữa mẹ em nhận tiền công làm rẫy cà phê rồi nộp sau”. Nghe mà đắng lòng, cũng muốn giúp các em lắm nhưng chính tôi cũng đang bạc mặt trước giá cả. Thôi đành chịu mất thi đua và bị phê bình vì thu nộp muộn.
Lương tháng hai vợ chồng tôi được 5 triệu đồng, xoay xở lo toan cho hai con nhỏ cộng thêm trả nợ vay làm nhà trong thời buổi “mưa tạnh gió ngừng” đã là một “kỳ tích”. Nay đối phó với giá cả tăng, đối với chúng tôi quả là một cuộc chiến không cân sức.
Những khoản tiền cố định như tiền điện, nước, gas đều tăng rất nhiều. Tiền nước tăng thêm 50.000 đồng, tiền gas thêm 30.000 đồng, tiền điện thêm 150.000 đồng nữa. Như vậy, riêng các khoản chi cố định đã phát sinh gần 200.000 đồng. Chắc tháng sau còn tăng nữa, vì giá xăng tăng thì không có cớ gì các sản phẩm khác chịu nằm im.
Chúng tôi đi làm xa nhà nên không thể đi xe đạp được, xe buýt lại càng không (đơn giản vì quê tôi chưa có), trung bình mỗi tuần đổ xăng một lần, với giá xăng tăng hai đợt thế này, mỗi tháng hai vợ chồng phải chi thêm khoảng 200.000 đồng tiền xăng.
Tiền mua sữa cho con tăng thêm 300.000 đồng. Tiền gạo tăng 250.000 đồng. Tiền dầu ăn tăng 50.000 đồng. Tiền bột ngọt, bột nêm, gia vị tăng thêm khoảng 100.000 đồng. Tiền lãi ngân hàng cũng tăng thêm 300.000 đồng. Vị chi, với các khoản chi cố định, gia đình tôi đã phát sinh gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng.
Để tồn tại, chúng tôi chỉ còn biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Thực đơn chính của bữa sáng chuyển sang mì gói hoặc bánh mì. Đi chợ, ngoài ưu tiên khẩu phần cho con, còn lại chủ yếu là rau dưa. Trước kia cầm 100.000 đồng đi chợ là đủ. Bây giờ số tiền ấy vừa phải bớt lại để bù các chi phí phát sinh vừa phải cân đo tính toán bởi giá cả ở chợ tăng đến chóng mặt. Chưa nói đến thịt cá, giá rau dưa đã tăng gần gấp đôi.
Có một anh bộ đội đã trêu khi tôi cứ tần ngần trước sạp rau: Bó rau muống có sức gì lạ vậy/Níu chân em suốt buổi chợ chiều.
Nhưng tiết kiệm như vậy cũng chẳng đáng là bao (vì thật sự chúng tôi đâu có tiêu bao nhiêu), chúng tôi quay sang kiếm việc làm thêm, nhận tài liệu về dịch, nhận văn bản về đánh máy. Mệt mỏi nên cũng chẳng còn mấy thời gian và sức lực cho việc thư giãn, giải trí nữa.
Nhìn quanh, tôi thấy được như chúng tôi, có đồng lương cố định, có tìm được việc làm thêm còn là may mắn. Chị bán thịt nói với tôi nhờ “bão giá” mà chị làm ăn được bởi trước kia các phần như mỡ, da hoặc thịt xấu là chịu lỗ, nay vì khó khăn nên người ta mua nhiều. Tôi đã đứng một lúc để chứng kiến nhiều người đến mua 3.000 đồng thịt mỡ da hoặc 5.000 đồng da heo để xào hoặc kho dưa. Và trong giỏ của họ cũng chỉ lèo tèo vài thứ rau dưa mà thôi.
Và chúng tôi còn có tăng lương (dẫu chẳng ăn nhằm gì với tăng giá) mà chờ đợi và hi vọng. Những người lao động nghèo khác biết trông chờ gì?
MINH THƯ

Tàn ác với thiên nhiên

TT - Có một sự thật tuy phũ phàng và đau xót nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận: con người ngày càng tàn ác, không chỉ tàn ác với nhau mà còn cả với thiên nhiên vô tội.
Rừng thông ở Lạc Dương (Lâm Đồng) chết khô vì thuốc độc và bị chặt hạ không thương tiếc - Ảnh: Hồ Khải Nhiên
Thật xót xa khi nhìn hình ảnh những rừng thông bị đầu độc, bị bức tử phải “chết đứng” (xem “Bức tử rừng thông bằng thuốc độc”, Tuổi Trẻ 27-2). Kẻ thủ ác đành đoạn đổ thuốc độc vào những gốc thông 20 tuổi để sau đó đốt rụi cả rừng thông bạt ngàn.
Nguyên nhân thì đã rõ, không cần bàn cãi. Thủ phạm đã cất công giết cây, phá rừng đương nhiên không thể nào giấu mặt. Vấn đề là những vụ việc như thế này sẽ được nhìn nhận và xử lý như thế nào.
Phóng viên của một tờ báo đã không mấy khó khăn để nắm được “công nghệ” biến rừng thành rẫy cà phê trong vai một người đi mua đất. Nhưng chính quyền sở tại lại chối rằng “không có tình trạng trên”. Chỉ sau khi xem bằng chứng do phóng viên đưa ra mới chịu xác nhận là có và do “những hộ dân lén lút phá rừng” nên chính quyền xã “chưa nắm được” và “chưa nghe thấy”.
Điệp khúc “chưa nắm được”, “chưa nghe thấy”, “sẽ làm rõ”, “sẽ xử lý”... gần như lặp đi lặp lại trong bất cứ phát biểu nào của những người có trách nhiệm trong những vụ việc tương tự.
Chính vì sự “không nghe - không biết - không thấy” đó mà chỉ tính trong năm 2010, cả nước ta đã có 1.747,15ha rừng bị tàn phá, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên (rừng phòng hộ 334,49ha và rừng sản xuất 860,87ha). Mục đích chính của việc phá rừng là làm rẫy (1.394,9ha).
Cà phê lên giá. Ban đầu phá rừng để trồng cà phê chỉ là “sáng kiến” của một vài người. Về sau, thấy người ta bán rẫy kiếm tiền được nhiều quá mà cũng chẳng thấy ai xử phạt gì thế là nhiều người tham gia hơn, mạnh ai nấy phá. Chính sự xử lý thiếu kịp thời của chính quyền và sự thiếu nghiêm khắc của luật pháp đã đẩy những cánh rừng thông vào tình cảnh bi thảm như hiện nay.
LÊ THÚY HẰNG

Nem chợ Sãi

TTO - Chợ Sãi (hiện thuộc làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, tỉnh Quảng Trị) do chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lập từ thế kỷ 17, nằm ở ngã ba sông Thạch Hãn - Vĩnh Định.
Chẳng biết có phải nhờ nguồn nước sông Thạch Hãn vốn “không thơm cũng thể hương đàn/ Không trong cũng thể nước nguồn Hàn mình chảy ra” mà đặc sản nem chợ Sãi nổi tiếng thơm ngon đã đi vào tục ngữ “Nem chợ Sãi, vải La Vang”.
Chợ Sãi nức tiếng một vùng “trên bến dưới thuyền” giờ chỉ còn là một ngôi chợ quê bé mọn. Nhưng vị ngon chua thanh tao của nem chợ Sãi vẫn không hề phụ lòng những người xa xứ nhớ về và người phương xa nếm thử.
Cũng vẫn là thịt heo nạc và da cùng gia vị được gói chặt trong lá chuối để lên men tự nhiên nhưng nem chợ Sãi lại có vị chua mà thanh riêng biệt, không ngọt như nem Lai Vung Đồng Tháp hay nồng như nem chua Thanh Hóa, hay nói theo cách của người dân xứ Quảng gió Lào là “ấm dậm”.
Những chiếc nem chợ Sãi được gói trong lá chuối xanh ngắt
Ông Thịnh - một thợ làm nem lâu năm ở chợ Sãi tiết lộ sơ sơ cái bí quyết gia truyền rằng khâu cơ bản nhất vẫn là chất lượng của nguyên liệu. Người làm nem phải dậy từ 4 giờ sáng để đến lò mổ lựa những tảng thịt ngon nhất. Thịt làm nem nhất định phải là thịt nạc đùi, nạc thân hoặc vai vì những phần này vừa mềm vừa ít gân.
Thịt sau khi được rửa sạch và để ráo nước sẽ được xay và giã cùng với gia vị 15 – 20 phút. Da sau khi lọc sạch mỡ, chần ở nước sôi khoảng 80oC trong 10 phút và để thật nguội sẽ được thái thành từng sợi nhỏ 2 – 3mm.
Thịt và da sau đó sẽ được trộn đều và gói kỹ bằng lá chuối tươi cùng 1 lát ớt đỏ và 2 hạt tiêu, buộc lại thành từng đôi một (vì có cặp, có đôi nên nem luôn là lễ vật không thể thiếu trong những đám hỏi, đám cưới). Nem được để chín trong nhiệt độ thường, thoáng khí, sau 2 – 3 ngày là dùng được.
Nem chợ Sãi nức tiếng phần nhờ bí quyết gia truyền, phần nhờ sự cẩn trọng đầy trách nhiệm của người sản xuất. Ông Thịnh nói: “mình làm nghề lời lãi cũng quan trọng nhưng sao bằng giữ được tiếng tăm cho đặc sản quê mình cô”.
Nem, chả đang trong quá trình làm ở nhà ông Thịnh – chợ Sãi
Ở chợ Sãi bây giờ không còn nhiều nhà chuyên làm nem nữa mà tập trung vào làm chả do mặt hàng này được tiêu thụ nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày một nhà chỉ làm độ trên dưới chục cân, bán ở các chợ lân cận và đưa đi tiêu thụ ở Lao Bảo.
Riêng vào những ngày giáp tết như những hôm nay thì hàng đặt gấp đôi, gấp ba. Nhà ông Thịnh, bà Sáu… mười mấy nhân công làm suốt ngày không xuể.
Chấm thêm tương ớt, cắn kèm tép tỏi, nem chợ Sãi luôn luôn là thứ mồi nhậu hấp dẫn ngày xuân mưa bụi
Tết ở Quảng Trị trời thường rét cộng với mưa bụi lắc rắc. Bóc một cái nem Sãi, chấm chút tương ớt, cắn thêm tép tỏi nữa thì đúng là không còn mồi nhậu nào có thể hấp dẫn hơn nữa.
Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, đến đâu cũng nặng lòng thương du khách đến với miền gió lào cát trắng mình ra về nhẹ nhàng, không có mấy đặc sản mang theo làm quà.
Hẳn những ai qua Quảng Trị không thể không đến Thành cổ một thời hoa lửa, sao không xuôi về thêm chưa đầy 1km nữa, ghé thăm nhà của cố tổng bí thư Lê Duẩn, sau đó ngồi giữa quán chợ vẫn còn nặng dáng dấp ngày xưa, nhấm nháp miếng nem chợ Sãi, mua vài xâu đem về làm quà.
Mảnh đất Quảng Trị không chỉ có nắng và gió, tiêu cay và ớt nồng mà còn có những đặc sản thơm ngon tinh túy nữa.
Bài & ảnh: LÊ THÚY HẰNG

“Cây điện gió” nở hoa!

TT - Thế là thêm một dự án điện gió nữa được khởi công tại Ninh Thuận. Dải đất duyên hải khô cằn sỏi đá này đã tìm ra được một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao là “cây điện gió”. Mừng cho Ninh Thuận một, mừng cho tương lai đất nước mười.
Những cây cột gió như những chong chóng được dựng lên dưới bầu trời đầy gió và nắng - một bức tranh tuyệt đẹp về tiềm năng nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên gia, VN đang có tiềm năng về điện gió rất lớn nhờ khí hậu nhiệt đới gió mùa và bờ biển dài trên 3.200km. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy khoảng 8% lãnh thổ của VN có tiềm năng về năng lượng gió, cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Theo kết quả khảo sát của tổ chức này. VN có năng lực sản xuất đến 513.360MW điện gió.
Theo tính toán của một số chuyên gia, để có 1MW điện phải lấy đi 10ha rừng làm thủy điện. Nếu khai thác hết tiềm năng về điện gió, chúng ta sẽ cứu được 5.133.600ha rừng hoặc hơn thế nữa. Hơn 5 triệu ha rừng được cứu đó đồng nghĩa với nhiều con sông không bị chặn dòng, nhiều vùng đồng bằng bình yên trước nỗi ám ảnh xả lũ, nhiều loài động thực vật có cơ hội sống sót...
Theo dự báo của Bộ Công thương, đến năm 2030 nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng bốn lần so với hiện nay. Trước tình hình này, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là hết sức cấp bách.
Tiềm năng điện gió ở nước ta rất lớn nhưng còn vấp phải nhiều rào cản, trong đó giá thành cao là chuyện lớn nhất. Vì vậy, các nhà máy điện gió rất cần sự trợ giá từ phía Nhà nước để có thể tồn tại và phát triển. Giá thành của điện gió có thể cao hơn thủy điện, nhiệt điện hay các nguồn nhiên liệu hóa thạch, nhưng nếu cộng thêm vào đó những lợi ích về môi trường sinh thái, về tiết kiệm diện tích đất xây dựng cùng kinh phí đền bù và tái định cư... thì hoàn toàn là một cái giá hợp lý và xứng đáng để được quan tâm đầu tư cho “cây điện gió” nở hoa!
LÊ THÚY HẰNG

Sự biến dạng của lương tri

TT - Các cuộc cứu trợ bão lụt hay các cuộc đấu giá từ thiện bao giờ cũng mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Nhưng đáng phê phán là đã có không ít người lợi dụng danh nghĩa cao cả đó để đánh bóng danh tiếng, để mua vui, bỡn cợt...
Sau đợt lũ lụt vừa qua, người dân Quảng Bình và Hà Tĩnh đã được Công ty TNHH Vico (có trụ sở ở Hải Phòng) cứu trợ lô hàng bột giặt được sản xuất từ năm... 2007.
Sau khi vụ việc bị phát giác, đại diện của công ty tại Quảng Bình đã giải trình những gói bột giặt này đều thuộc một lô hàng “mới sản xuất” nhưng công ty đã dùng bao bì cũ từ năm 2007 nhằm “tiết kiệm chi phí”!?
Lý do “tiết kiệm chi phí” này không mới bởi trước đó đã được Công ty TNHH Nam Hải dùng để giải thích cho lô hàng nước mắm hết hạn bán cho Công ty XNK Nam Dương để cứu trợ người dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vào ngày 15-5-2010. Số hàng hết hạn sử dụng này sau đó đã được bên mua phù phép bằng cách dán đè miếng giấy ghi chữ “hàng tài trợ không được bán” lên trên chỗ ghi hạn sử dụng.
Cùng với lô hàng nói trên, Công ty XNK Nam Dương còn “cứu trợ” thêm số hộp sữa bột đã được bật nắp trước đó và hạn sử dụng chỉ còn một tháng!
Đau lòng hơn, tháng 11-2010, Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 (Phytopharma) đã làm từ thiện bằng cách tặng hơn 300 thùng thuốc kém chất lượng đã nằm trong kế hoạch tiêu hủy cho bệnh nhân nghèo! Là thầy thuốc, không lẽ họ không biết rằng số thuốc hết hạn ấy có thể gây ra những biến chứng khôn lường?
“Của cho không bằng cách cho” - không ít người đã vận dụng triệt để câu tục ngữ này khi “trống dong cờ mở” ầm ĩ để “cứu trợ” những người đang trong cơn bĩ cực những mặt hàng phế thải. Nên nhớ đây là những chuyến hàng cứu trợ được đưa đến cấp phát tận nơi cho những người dân nghèo chứ không phải là của bố thí cho những người ngửa nón “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại”. Mà có là của bố thí đi nữa cũng phải là những thứ khả dĩ sử dụng được.
Có ai không cảm thấy đau xót khi biết sau các cuộc đấu giá từ thiện rầm rộ và hoành tráng, các cá nhân thắng đấu giá đều... “bỏ của chạy lấy người”. Dẫu cho các cuộc đấu giá đã được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình, hình ảnh “hân hoan” của các vị ấy lúc thắng đấu giá vẫn còn lưu lại.
Bỡn cợt, chà đạp lên sự kỳ vọng của những người khốn khó, tạt nước lạnh vào niềm tin của cả xã hội để nổi danh, để mua vui hẳn là một việc ít ai ngờ tới.
Bột giặt, thuốc chữa bệnh hết hạn sử dụng chắc chắn là biến chất. Thực phẩm hết hạn sử dụng đương nhiên là hư hỏng. Lương tri của những kẻ mượn danh nghĩa “từ thiện” trên ắt hẳn cũng biến dạng ít nhiều.
 LÊ THÚY HẰNG